Tủ thuốc mọi gia đình cần có để giúp trẻ luôn khỏe mạnh trong mùa lạnh
Phòng ngừa viêm họng cấp cho trẻ trong mùa Đông
Thực phẩm giúp ngăn ngừa chứng đái dầm ở trẻ em
Trời lạnh dễ ốm: Bổ sung ngay thực phẩm tốt cho hệ miễn dịch
Trà gừng chanh: Vừa thơm ngon, vừa tốt cho sức khỏe mùa lạnh
Đặc biệt là vào mùa Đông, thời tiết lạnh giá làm hệ miễn dịch của trẻ bị suy giảm, trong khi các tác nhân gây bệnh (vi khuẩn, virus...) lại phát triển mạnh mẽ. Để bảo vệ sức khỏe cho trẻ trong điều kiện thời tiết bất lợi, PGS.TS. Nguyễn Thị Diệu Thúy - Trưởng Bộ môn Nhi, Trường Đại học Y Hà nội & Phó Trưởng Khoa Miễn dịch Dị ứng, Bệnh viện Nhi Trung ương, khuyên cha mẹ nên sớm bổ sung số vật dụng y tế/thuốc dưới đây vào tủ thuốc gia đình:
Nhiệt kế, thuốc hạ sốt
Ở trẻ em, sốt là triệu chứng lâm sàng thường gặp và là phản ứng bình thường của hệ miễn dịch trước tác nhân gây hại (virus, vi khuẩn), giúp chống lại sự nhiễm trùng. Để xác định chính xác tình trạng sốt của con và dùng thuốc hạ sốt đúng chỉ định, cha mẹ cần đo thân nhiệt cho bé bằng nhiệt kế. Cha mẹ chỉ dùng thuốc hạ sốt cho trẻ khi nhiệt độ đo được tại nách từ 38,5 độ và tại hậu môn từ 39 độ.
Cho trẻ uống thuốc hạ sốt paracetamol dạng siro cần đong bằng dụng cụ đo lường cẩn thận
Trong đó, thuốc hạ sốt paracetamol được coi là an toàn với trẻ em. Thuốc có sẵn dưới dạng viên nén, siro hoặc thuốc viên đặt hậu môn. Cha mẹ chú ý sử dụng thuốc phù hợp với từng độ tuổi của bé. Theo liều khuyến cáo là 10-15mg/kg/ lần, các lần cách nhau từ 4-6 giờ. Tốt hơn hết, phụ huynh nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng hoặc theo chỉ dẫn của bác sỹ. Còn thuốc hạ sốt dạng đặt hậu môn để dùng khi trẻ khó uống, nôn nhiều.
Siro ho cảm thảo dược
Vào thời điểm giao mùa, hay khi dịch bệnh đang lây lan nhanh hiện nay, các gia đình con nhỏ nên trang bị sẵn một số lọ siro ho cảm thảo dược. Cha mẹ có thể cho trẻ dùng sản phẩm này khi bé chảy nước mũi, húng hắng ho để giảm nhanh triệu chứng, giúp bé dễ chịu và tránh chuyển biến nặng. Phụ huynh cần chú ý chọn siro ho cảm thảo dược phù hợp với độ tuổi của con, đặc biệt là những sản phẩm đã được kiểm nghiệm, đảm bảo an toàn cho cả trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Nước muối sinh lý
Cha mẹ nên làm ấm nước muối sinh lý trước khi vệ mũi mũi, mắt cho con
Khi trẻ bị sổ mũi, cảm cúm, nước mũi có màu xanh, vàng... cha mẹ có thể nhỏ nước muối sinh lý để loại trừ các chất bẩn và vi trùng bám vào niêm mạc mũi của con. Còn bình thường, nhỏ mũi thường xuyên, nước muối sinh lý sẽ làm sạch niêm mạc mũi đồng thời làm sạch lớp nhầy vốn giúp bảo vệ niêm mạc mũi. Phụ huynh cũng có thể sử dụng nước muối sinh lý loại dành riêng cho mắt để nhỏ mắt, rửa trôi bụi bẩn, các dị vật thông thường ở mắt của bé.
Dung dịch bù nước, bù điện giải oresol
Dung dịch oresol có tác dụng bù nước và điện giải khi trẻ bị tiêu chảy, nôn hoặc sốt nhiều. Cho trẻ uống oresol giúp bổ sung được đầy đủ nước và điện giải, ngăn ngừa tình trạng mất nước. Trong trường hợp đã bù oresol đường uống đúng cách nhưng trẻ vẫn nôn nhiều, có dấu hiệu mất nước (mệt mỏi, khát, tiểu ít…), cha mẹ cần đưa con đi khám để được điều trị kịp thời, phù hợp.
Bông, băng gạc, thuốc sát trùng…
Tủ thuốc gia đình cần có sẵn bông băng, cồn 70 độ, dung dịch betadine 10%... để sơ cứu, cầm máu tại chỗ khi bé lỡ bị chấn thương trong lúc chạy nhảy, trước khi đưa tới cơ sở y tế.
Nước súc họng, nước rửa tay khô
Nhiệt độ giảm thấp trong mùa Đông tạo điều kiện cho virus, vi khuẩn… phát triển mạnh. Do đó, việc duy trì vệ sinh mũi họng và bàn tay cho trẻ rất quan trọng. Cha mẹ có thể hướng dẫn trẻ sử dụng nước rửa tay khô dạng dung dịch hoặc dạng gel lúc chưa kịp rửa tay với xà phòng và nước ngay. Cha mẹ nên chọn cho trẻ sản phẩm không màu, không hương hiệu.
Tủ thuốc với các vật dụng y tế thiết yếu thực sự hữu ích với những gia đình có con nhỏ. Quan trọng hơn, bác sỹ khuyến cáo các bậc phụ huynh cần trang bị kiến thức để chăm sóc và xử trí đúng cách các vấn đề sức khỏe của con. Ngoài ra, khi thấy các biện pháp khắc phục tại nhà không cải thiện thì cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Bình luận của bạn