Một số loại thuốc tân dược giả và dụng cụ dùng để sản xuất thuốc giả bị thu giữ - Ảnh: Công an Thanh Hóa.
Cảnh báo viên nang cứng Yuan Bone đang lưu hành là thuốc giả
Cục Quản lý Dược cảnh báo thuốc giả Cefuroxim 500mg
Phát hiện 3 lô thuốc giả mạo nhà sản xuất Dược phẩm TW 3
Vụ sữa giả thu lời 500 tỷ: Chuyên gia chỉ ra những lỗ hổng
Thông tin được công bố ngày 16/4 cho biết, qua công tác nắm tình hình trên không gian mạng, Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh Thanh Hóa đã phát hiện nhóm đối tượng có dấu hiệu sản xuất, buôn bán thuốc giả tại nhiều địa phương như TP Thanh Hóa, Hà Nội, TP.HCM, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, An Giang và Đồng Tháp.
Sau khi xác lập chuyên án đấu tranh, lực lượng chức năng tiến hành khám xét khẩn cấp 6 địa điểm là nơi sản xuất, làm việc và cất giấu hàng hóa của các đối tượng. Tại đây, công an thu giữ 21 loại thuốc tân dược giả, thuốc xương khớp giả cùng gần 10 tấn nguyên liệu không rõ nguồn gốc.
Kết quả điều tra bước đầu xác định, lợi dụng thói quen của người dân trong việc tự ý mua thuốc không kê đơn, Nguyễn Tiến Đạt (SN 1991, trú tại Hà Nội) đã câu kết cùng Trịnh Doãn Giáo (SN 1985, trú tại TP.HCM) và nhiều đối tượng khác để tổ chức sản xuất, buôn bán thuốc giả, chủ yếu là thuốc trị xương khớp.

Các đối tượng trong đường dây sản xuất, buôn bán thuốc tân dược giả bị bắt giữ cùng tang vật - Ảnh: Công an Thanh Hóa
Các đối tượng đã đầu tư dây chuyền, máy móc sản xuất, đồng thời nghiên cứu các thành phần của thuốc tân dược. Sau đó đặt mua nguyên liệu là dược phẩm, dược liệu, thảo mộc không rõ nguồn gốc, xuất xứ rồi thuê nhân công làm thành thuốc giả, bán ra thị trường thông qua nhiều kênh phân phối khác nhau, thậm chí được quảng cáo là hàng “xách tay chính hãng”.
Đáng chú ý, để qua mặt người tiêu dùng và cơ quan chức năng, nhóm đối tượng đã sử dụng thủ đoạn mới: tự đặt tên thuốc và tên công ty, với địa chỉ đăng ký "ảo" tại nước ngoài như Malaysia, Singapore.
Các đối tượng thuê nhà xưởng nằm sâu trong hẻm, ngõ cụt – nơi ít người lui tới, biến nơi đây thành “công xưởng ngầm” sản xuất thuốc giả. Công nhân là người nhà hoặc người quen từ tỉnh khác, sống ăn ở khép kín, không tiếp xúc với người dân xung quanh.
Trong vai nhân viên dược, các đối tượng tiếp cận thị trường bằng cách tạo dựng niềm tin: ban đầu trộn lẫn thuốc thật và giả, sau khi có lượng khách ổn định mới tung ra hoàn toàn thuốc giả do chính mình sản xuất. Đối tượng tiêu thụ chính là các dược sĩ tự do hoạt động tại chợ thuốc.
Từ năm 2021 đến thời điểm bị bắt, đường dây này đã đưa ra thị trường lượng lớn thuốc giả, với số tiền thu lợi bất chính lên đến gần 200 tỷ đồng. Hiện vụ án đang được mở rộng điều tra.

Đây không phải là lần đầu tiên Việt Nam phát hiện các đường dây sản xuất thuốc giả quy mô lớn. Trước đó, vụ VN Pharma từng khiến dư luận dậy sóng khi một số lượng lớn thuốc chữa ung thư giả được nhập khẩu vào Việt Nam qua các giấy tờ làm giả tinh vi. Nhiều cán bộ đã phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, song vết thương lòng mà vụ việc để lại với hàng nghìn bệnh nhân ung thư và gia đình họ đến nay vẫn chưa nguôi ngoai.
Gần đây nhất, vào đầu năm 2025 Công an TP.HCM cũng đã triệt phá một đường dây buôn bán hàng giả là thuốc đông y kết hợp tân dược điều trị các bệnh đau xương khớp, viêm mũi, trĩ, dạ dày, tim mạch, thần kinh…, bắt giữ nhiều đối tượng cùng tang vật là hàng tấn thuốc không có tác dụng điều trị, được đóng gói bằng vỏ hộp giả các thương hiệu dược phẩm nổi tiếng. Điều này cho thấy, tình trạng sản xuất, buôn bán thuốc giả không hề giảm sút, mà ngày càng tinh vi, quy mô và liều lĩnh hơn.
Tác hại của thuốc giả không dừng lại ở sức khỏe con người. Nó còn làm lung lay nền tảng của cả hệ thống y tế. Khi người dân không còn niềm tin vào thuốc - thứ vốn được coi là "cứu cánh" của sinh mạng, thì mọi thành quả của ngành y, của y đức, đều có thể bị phủ nhận. Không những vậy, các doanh nghiệp sản xuất thuốc chân chính cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi phải cạnh tranh không lành mạnh với hàng giả, hàng nhái.
Bình luận của bạn