Giải pháp nào cho vấn nạn hàng giả, hàng nhái những thương hiệu gấc Việt?

Tọa đàm "Tiềm năng phát triển các sản phẩm từ gấc trước vấn nạn vi phạm nhãn mác hàng hóa”

Tiềm năng phát triển các sản phẩm từ gấc - loại "quả thiên đường"

Công dụng chữa bệnh của quả gấc

Lợi ích sức khỏe của quả gấc

Một sản phẩm có tới hàng chục sản phẩm “tương tự”

Ông Nguyễn Văn Bảy - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Sở hữu trí tuệ Cục Sở hữu trí tuệ cho biết, thực trạng hàng giả hàng nhái và vi phạm sở hữu nhãn hiệu đang tiếp tục gia tăng và ảnh hưởng xấu tới môi trường đầu tư của Việt Nam. Các mặt hàng tiêu thụ nhiều, có giá trị cao thì thường bị làm giả như: Dược phẩm, mỹ phẩm, vật tư nông nghiệp… Quy mô và tính chất rất nghiêm trọng, phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi…

Ông Nguyễn Văn Bảy chia sẻ về thực trạng hàng giả, hàng nhái tại Việt Nam

Lấy ví dụ ở thị trường thực phẩm chức năng chúng ta hiện nay ai cũng biết công dụng tốt đối với sức khỏe từ củ nghệ, quả gấc, củ tỏi, gừng… Cũng đã có rất nhiều các chế phẩm từ các nguyên liệu này đã ra đời, phục vụ từng nhu cầu nâng cao sức khỏe riêng biệt của mỗi người. Tuy nhiên, việc nhãn mác của nhiều sản phẩm “tương tự” nhau gây nên sự nguy hại lớn cho người tiêu dùng.

Việt Nam có không nhiều các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm từ gấc như Công ty Chế biến Dầu thực vật và Thực phẩm Việt Nam (VNPoFood), Công ty Cổ phần Nông nghiệp Đông Phương, Gấc Việt, Nafoods… phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Những doanh nghiệp này đều đang phải đối mặt với thực trạng bị làm giả, làm nhái một cách tinh vi về cả thương hiệu lẫn các sản phẩm.

Chia sẻ thực tế ở doanh nghiệp mình, ông Nguyễn Công Suất - Giám Công ty Chế biến Dầu thực vật và Thực phẩm Việt Nam (VNPoFood) cho biết, hiện nay trên thị trường đã xuất hiện đến hơn 10 sản phẩm về trái gấc nhái nhãn mác của VINAGA. “Họ làm hàng giả, nhái bằng cách thêm bớt chính tả vào tên gọi, nhưng vẫn giữ nguyên font chữ, màu sắc của bao bì giống với VINAGA gây nhầm lẫn với sản phẩm của chúng tôi và đánh lừa người tiêu dùng”, ông Nguyễn Công Suất chia sẻ.

Ông cũng trăn trở nếu tình trạng này không được ngăn chặn sẽ ảnh hưởng đến quá trình hội nhập quốc tế và nguy hại hơn cả là hàng nhái, hàng giả, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Cẩn trọng lựa chọn các chế phẩm từ gấc

Bác sỹ Nguyễn Công Suất với câu chuyện điển hình về chế phẩm từ trái gấc thương hiệu Việt bị làm nhái

“Gấc là thứ quả có nhiều ở Việt Nam. Trước đây thường chỉ dùng để nấu xôi hay làm màu trong ẩm thực. Nhưng gần đây, một số nghiên cứu tại Mỹ cho thấy, hợp chất của Beta Caroten, Lycopen, Vitamin E... trong dầu gấc có khả năng làm vô hiệu hóa nhiều chất gây ung thư nói chung, nhất là ung thư vú, chống oxy hóa, ngăn ngừa các bệnh về tim mạch...”, chuyên gia nông nghiệp Nguyễn Lân Hùng cho biết.

Nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy, gấc có hàm lượng Betacaroten - Lycopen cao gấp 15 lần củ cà rốt và 70 lần quả cà chua. Các nguyên tố vi lượng từ tinh dầu gấc có khả năng rất tốt trong việc bồi bổ cơ thể, sáng mắt, chống lão hóa, nhất là phòng, chống hữu hiệu các chất độc hóa học dioxin, thuốc trừ sâu... Các nhà khoa học đầu ngành về dinh dưỡng và nội tiêu hóa trên thế giới đánh giá cao và họ gọi trái gấc Việt Nam là "loại quả đến từ thiên đường" (fruit from heaven).

Tuy nhiên, theo bác sỹ Nguyễn Công Suất, nếu người tiêu dùng mua nhầm những sản phẩm cũng chiết xuất từ gấc nhưng không phân tách được hàm lượng Beta Caroten, Lycopen… theo đúng quy trình khoa học, thì những sản phẩm đó có thể chẳng giúp ích gì cho sức khỏe. Tệ hơn nữa, nếu đó chỉ là những sản phẩm “giả” gấc mà thực tế là pha trộn thêm chất tạo màu, thì còn có hại cho cơ thể. Điều này không chỉ làm ảnh hưởng đến doanh nghiệp, mà còn làm mất uy tín của sản phẩm Việt Nam khi bước ra thị trường thế giới.

Giải pháp tăng thế “kiềng 3 chân”

Ông Nguyễn Đăng Khôi - chuyên gia về phát triển thương hiệu chia sẻ giải pháp cho vấn nạn hàng giả, hàng nhái

Tại buổi tọa đàm “Tiềm năng phát triển các sản phẩm từ gấc trước vấn nạn vi phạm nhãn mác hàng hóa” diễn ra sáng 23/11, ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội cho biết, câu chuyện của VINAGA là câu chuyện của nhiều doanh nghiệp hiện nay. Hà Nội hiện có 98% doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhưng hơn 50% doanh nghiệp chưa lưu ý xây dựng và bảo vệ sở hữu trí tuệ.

Bàn về giải pháp đẩy lùi vấn nạn trên, theo ông Nguyễn Đắc Lộc - Chi cục phó Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, cần phải triển khai đồng bộ nhiều giải pháp và cần có sự vào cuộc mạnh mẽ từ cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp cũng phải nhận thức để xử lý được vấn đề này như thế nào, người tiêu dùng nhận thức được những tác hại khi dùng hàng giả hàng nhái.

Chia sẻ tại toạ đàm, ông Đô Nguyên Khôi - Giám đốc Thương hiệu Công ty Richard Moore Associates cho rằng, đầu tiên, doanh nghiệp muốn xây dựng và phát triển thương hiệu, góp phần làm giảm tình trạng hàng giả hàng nhái cần phải xây dựng sản phẩm có nền tảng có cốt lõi, lấy khách hàng làm trung tâm. Thứ hai, doanh nghiệp cần có sự chính trực đó là đưa ra sản phẩm thực sự tốt. Thứ ba, cần đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, có chiến lược phát triển thương hiệu và quản trị thương hiệu của doanh nghiệp.

Đối với người tiêu dùng, ông Khôi khuyên “hãy là người tiêu dùng thông thái”. Theo ông Khôi, trước khi mua sản phẩm người tiêu dùng cần phải tìm hiểu kỹ sản phẩm mình muốn mua, sau đó nên chọn lựa địa chỉ mua hàng uy tín, được nhiều người tin cậy. Ngoài ra cần xem kỹ tên và thông tin sản phẩm, để ý đến giá cả và chọn sản phẩm nguyên hộp, nguyên niêm phong và giấy bóng kính…

Các đại biểu có mặt tại toạ đàm cũng cho rằng, nếu “thế kiềng 3 chân” giữa cơ quan chức năng – doanh nghiệp – và người tiêu dùng được tăng cường thì công tác ngăn chặn và đẩy lùi vấn nạn hàng giả, hàng nhái kém chất lượng sẽ sớm thành công.

Nguyên Hương H+
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn