Thiếu thuốc: Thách thức dai dẳng với toàn cầu sau 3 năm đại dịch COVID-19

Thiếu thuốc và trang thiết bị vật tư là vấn đề chung của toàn cầu

Bộ Y tế đẩy mạnh triển khai 4 nền tảng số lĩnh vực y tế

Quảng Ninh tiếp tục đẩy mạnh giám sát phòng, chống dịch, chăm sóc sức khoẻ ban đầu

Y tế tuần: Ghép tế bào gốc kéo dài sự sống cho bệnh nhân ung thư máu

Những điểm mới trong quy định về bảo hiểm y tế

Sáng 1/11, trong phiên thảo luận về lĩnh vực kinh tế - xã hội thuộc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã giải trình, làm rõ một số vấn đề được các đại biểu Quốc hội nêu ra.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, giống như nhiều nước khác trên thế giới, kể từ sau đại dịch COVID-19, lĩnh vực y tế của nước ta cũng bộc lộ nhiều vấn đề còn tồn đọng, vướng mắc.

"Có thể nói, đây là giai đoạn cực kỳ khó khăn của ngành y tế với khối lượng tồn đọng sau gần 3 năm tập trung chống dịch. Vấn đề thiếu thuốc, trang thiết bị vật tư trầm trọng ở nhiều cơ sở y tế; Cán bộ y tế từ trung ương xuống địa phương nhiều người vi phạm pháp luật; Làn sóng xin nghỉ việc, chuyển ra khỏi khu vực y tế công; Cơ chế chính sách còn nhiều vướng mắc gây khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện", Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết.

Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định, trong bối cảnh đó, ngành y tế đã nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ; Sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ban ngành địa phương. Đặc biệt, với sự chia sẻ, động viên của các ĐBQH, cử tri và nhân dân cả nước, đội ngũ ngành y tế đã nỗ lực cố gắng, đoàn kết vượt qua khó khăn, đổi mới phương pháp làm việc, tập trung để giải quyết những khó khăn, vướng mắc, bất cập của ngành trước mắt, cũng như định hướng lâu dài để phát triển bền vững.

Ngành y tế đã tập trung thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu Chính phủ và Quốc hội giao. Theo đó, ưu tiên hàng đầu là công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chiến lược trong lĩnh vực y tế để tạo hành lang pháp lý đảm bảo cho công tác khám, chữa bệnh phục vụ người dân, cũng như thực hiện chức năng quản lý Nhà nước trong lĩnh vực y tế. Tiếp theo đó, ngành cũng cần tập trung nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh ở các cấp; Tăng cường công tác phòng, chống các bệnh truyền nhiễm; Tập trung giải quyết các vấn đề tồn đọng của ngành.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan giải trình tại phiên thảo luận sáng 1/11 - Ảnh: Quốc hội

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan giải trình tại phiên thảo luận sáng 1/11 - Ảnh: Quốc hội

Thiếu thuốc, thiết bị vật tư y tế vẫn luôn là thách thức dai dẳng

Đối với vấn đề liên quan đến thực trạng cung ứng thuốc, vật tư y tế, Bộ trưởng cho biết Bộ Y tế đã có báo cáo nhanh về thực trạng và giải pháp mua sắm thuốc, thiết bị y tế tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thiếu thuốc, thiết bị vật tư y tế là thách thức dai dẳng chứ không phải là hiện tượng mới. Đặc biệt nghiêm trọng hơn, trong và sau đại dịch COVID-19, tình trạng này ảnh hưởng đến việc chăm sóc sức khỏe của người dân ngay ở các quốc gia có nền y tế được coi là phát triển như Anh, Pháp, Italia, Mỹ.

Tình trạng thiếu thuốc có bao gồm các loại thuốc cho hệ thần kinh, hệ tim mạch, thuốc chống nhiễm trùng, thuốc chống ung thư, thuốc tiêu hóa, thuốc kháng độc bạch hầu, vaccine khẩn cấp cho bệnh sốt vàng, các chế phẩm từ máu (như huyết tương).

Ngày 24/10/2023, Ủy ban Châu Âu (EC) đã họp bàn và ra thông báo về việc tăng cường các hành động khắc phục thiếu thuốc trầm trọng, tăng cường an ninh nguồn cung.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, có thể nói, tình trạng thiếu thuốc và thiết bị vật tư y tế xảy ra do nhiều nguyên nhân như nguồn cung nguyên liệu, hoạt chất trên thế giới khan hiếm; Vấn đề biến động giá cả trên quy mô toàn cầu; Vấn đề lạm phát, khủng hoảng năng lượng; Ảnh hưởng xung đột quân sự… Các yếu tố này làm tăng cao chi phí đầu vào của việc sản xuất dược phẩm, khiến giá thành sản phẩm tăng cao, chuỗi cung ứng gián đoạn, khiến các nhà sản xuất thiếu động lực để tiếp tục sản xuất các loại thuốc khi lợi nhuận ít hơn.

Ở Việt Nam, việc tổ chức đấu thầu thuốc được tổ chức ở cả 3 cấp. Ở cấp trung ương, đấu thầu tập trung quốc gia chiếm khoảng 16,5 - 18% số lượng thuốc toàn quốc. Cấp địa phương và các cơ sở y tế tự thực hiện việc mua sắm. Tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế trong các cơ sở y tế công lập xuất hiện nhiều hơn sau dịch COVID-19.

Về nguyên nhân, theo Bộ trưởng, bên cạnh những nguyên nhân khách quan như đã nói ở trên, còn có nguyên nhân chủ quan như: Do hệ thống văn bản pháp luật liên quan còn bất cập; Việc tổ chức thực hiện mua sắm đấu thầu còn vướng mắc; Công tác phối hợp giữa các đơn vị trong quá trình triển khai thực hiện chưa kịp thời, hiệu quả. Đặc biệt, vẫn có tâm lý e ngại, sợ sai ở một số cá nhân, đơn vị, địa phương.

Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, trong thời gian qua, Bộ Y tế, các bộ ngành đã trình Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhiều giải pháp đồng bộ để tháo gỡ khó khăn liên quan đến mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư y tế. Về cơ chế chính sách, Bộ Y tế đã trình Quốc hội ban hành các luật liên quan đến Luật Đấu thầu, Luật Giá, Luật Khám, chữa bệnh và các Nghị quyết của Quốc hội, các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Các văn bản của Bộ Y tế, Tài Chính, Kế hoạch và Đầu tư để tạo hành lang pháp lý. Đặc biệt, các Nghị quyết 80, Nghị quyết 99 của Quốc hội; Nghị quyết 30, nghị định 07, Nghị định 75 của Chính phủ; Các thông tư của bộ ngành, đặc biệt Thông tư 14 của Bộ Y tế.

Luật Đấu thầu năm 2023 có hiệu lực từ ngày 1/1/2024 sẽ giải quyết, tháo gỡ nhiều vấn đề vướng mắc về đảm bảo nguồn cung và việc thực hiện mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế. Đến nay, các cơ sở y tế đã triển khai theo các quy định.

Bộ Y tế chỉ đạo doanh nghiệp tìm nguồn cung, đặc biệt đối với các thuốc hiếm

 

Để đảm bảo nguồn cung thuốc, thiết bị y tế trên thị trường, Bộ Y tế đã tập trung đẩy nhanh tiến độ cấp, gia hạn thuốc, đăng ký lưu hành thuốc và thiết bị y tế. Tổng số thuốc, nguyên liệu làm thuốc còn hiệu lực tại thời điểm hiện nay là trên 22.000 thuốc, trên 100.000 chủng loại trang thiết bị y tế còn hiệu lực.

Bộ cũng chỉ đạo các doanh nghiệp tìm nguồn cung, đặc biệt đối với các thuốc hiếm; Đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; Thực hiện phân cấp toàn diện việc phê duyệt thẩm quyền quyết định mua sắm, kế hoạch lựa chọn nhà thầu cho các đơn vị y tế trực thuộc Bộ; Đẩy nhanh tiến độ mua sắm thuốc, đấu thầu tập trung quốc gia; Tăng cường công bố thông tin phục vụ đấu thầu; Rà soát các vướng mắc liên quan đến việc bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế để giải quyết theo thẩm quyền.

Đến nay, việc triển khai đồng bộ các giải pháp đã đạt được kết quả tích cực bước đầu, dù vẫn xuất hiện tình hình thiếu cục bộ tại một số cơ sở y tế địa phương.

Theo báo cáo của 1.076 sơ sở y tế trên toàn quốc với Bộ Y tế trong tháng 10/2023, có 67,41% đơn vị báo cáo đã đủ cung ứng cho hoạt động khám, chữa bệnh. 38,59% đơn vị báo cáo cáo có tình trạng thiếu cục bộ.

Có những đơn vị trước đây rất khó khăn, nhưng nay đã thực hiện đấu thầu đảm bảo cơ bản cho công tác khám chữa bệnh, ví dụ như Bệnh viện Bạch Mai từ đầu năm tới nay đã thực hiện được 35 gói thầu mua vật tư, hóa chất, máy móc. Đối với việc các bệnh hiếm gặp, Bộ đã trình cơ chế để tháo gỡ trong vấn đề đảm bảo nguồn cung cho các vấn đề thuốc hiếm, đặc biệt liên quan đến vấn đề cơ chế tài chính ngân sách để đảm bảo thực hiện cho thuốc hiếm.

Vi Bùi
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Góc nhìn quản lý