Công nghệ mRNA được các nhà khoa học đặt nhiều kỳ vọng về khả năng bảo vệ đa dạng
Biến thể phụ của Omicron tiếp tục thách thức các loại vaccine
Moderna phát triển vaccine ung thư cá thể hóa bằng công nghệ mRNA
Pfizer, Moderna nghiên cứu tác dụng phụ hiếm gặp liên quan đến vaccine COVID-19
Pfizer phát triển vaccine RSV bảo vệ trẻ sơ sinh từ khi mang thai
Tiềm năng vaccine mRNA điều trị các bệnh truyền nhiễm
Sau nhiều năm nghiên cứu về công nghệ cốt lõi, các nhà khoa học và các công ty đã và đang nghiên cứu các phương pháp điều trị và sản xuất vaccine dựa trên công nghệ mRNA. Thực tế, các phương pháp thử nghiệm đầu tiên đã được tiến hành trên loài gặm nhấm vào những năm 90 của thế kỷ XX, đối với các bệnh đái tháo đường và ung thư.
Trong khi vaccine công nghệ mRNA đầu tiên được phê duyệt là để phòng ngừa COVID-19 thì các loại vaccine công nghệ mRNA khác hiện đang được khám phá cho một loạt bệnh như sốt rét, HIV, bệnh lao, nhiễm virus Zika, ung thư... Nhiều công ty và phòng thí nghiệm trên thế giới đang bắt tay vào nghiên cứu các tiềm năng của vaccine mRNA. Trong đó, công ty công nghệ sinh học Moderna đang phát triển vaccine mRNA cho RSV (virus hợp bào hô hấp), HIV, Zika, virus Epstein-Barr... Hay công ty BioNTech đang khám phá vaccine mRNA trong phòng bệnh lao, sốt rét, HIV, bệnh zona và cúm. Cả hai công ty này cũng đều đang nghiên cứu các phương pháp điều trị ung thư.
Các chuyên gia hàng đầu trong nghiên cứu về việc sử dụng công nghệ mRNA cho vaccine cho biết: Các loại vaccine này rẻ, dễ sản xuất và đem lại hiệu quả nhanh. Nghiên cứu lý thuyết cho thấy có thể tạo ra mRNA cho hầu hết mọi loại protein để có khả năng nhắm mục tiêu vào bất kỳ bệnh truyền nhiễm nào. Đây là thời điểm thú vị cho việc thử nghiệm lâm sàng công nghệ vaccine mRNA cho nhiều bệnh truyền nhiễm.
Các chuyên gia cho biết thêm, tuy chưa thể dự đoán chính xác vaccine mRNA nào có thể là vaccine tiếp theo được phê duyệt, nhưng có nhiều hy vọng được đặt vào vaccine mRNA đối với bệnh cúm với khả năng kép: Vừa chống lại virus corona vừa chống lại nhiều chủng cúm. Chuyên gia Norbert Pardi tại Đại học Pennsylvania Hoa Kỳ và các đồng nghiệp đang nghiên cứu một loại vaccine cúm phổ thông với niềm tin sẽ giúp bảo vệ chống lại mọi loại cúm có thể gây bệnh cho con người. Nhóm của ông gần đây đã chứng minh vaccine này có thể bảo vệ chuột và chồn khỏi 20 loại cúm.
Các nhà khoa học cũng đang nỗ lực để có thể bao gồm mã cho một số protein, giúp vaccine mRNA có khả năng bảo vệ chống lại nhiều bệnh trong một lần tiêm. Trong đó, vaccine ngừa COVID-19, cúm và RSV của công ty Moderna đã được thử nghiệm lâm sàng. Trong tương lai, công ty này hướng đến chỉ một hoặc hai mũi tiêm có thể bảo vệ bạn khỏi 20 loại virus khác nhau.
Tiềm năng vaccine mRNA điều trị ung thư
Đối với vaccine mRNA trong điều trị ung thư, thực tế, trước khi bắt đầu phát triển vaccine mRNA cho ngừa virus corona, các nhà nghiên cứu đã cố gắng tìm cách sử dụng mRNA để điều trị ung thư. Trong đó, mRNA sẽ hoạt động như một phương pháp điều trị bằng vaccine. Về lý thuyết, các nhà khoa học có thể nghiên cứu tế bào khối u của một người cụ thể và tạo ra phương pháp điều trị phù hợp dựa trên công nghệ mRNA giúp hệ miễn dịch của người đó đó đánh bại ung thư.
Tuy nhiên, thực tế việc chế tạo vaccine mRNA điều trị ung thư còn nhiều thách thức lớn. Một số thử nghiệm nghiệm lâm sàng đang được tiến hành dù chưa ghi nhận khả năng đột phá.
Khả năng bảo vệ của vaccine mRNA còn nhiều hứa hẹn phía trước, nhưng cũng còn rất nhiều thách thức trong nghiên cứu và thử nghiệm. Tuy vậy, các nhà nghiên cứu hy vọng vào năm tới, sẽ có nhiều vaccine mRNA hơn được phê duyệt để chống lại các bệnh truyền nhiễm.
Bình luận của bạn