Thủ tướng yêu cầu hoàn thành tiêm vaccine mũi 3 vào đầu năm 2022

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp trực tuyến Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống COVID-19 - Ảnh: VGP.

Thủ tướng yêu cầu khẩn trương lập kế hoạch tiêm cho trẻ 5 - 11 tuổi

Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh tốc độ tiêm vaccine phòng COVID-19

Thủ tướng: Kiểm soát người đến và đi qua nơi chịu ảnh hưởng của biến chủng Omicron

Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Y tế nêu giải pháp cho nguồn nhân lực ngành Y

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh chỉ đạo nêu trên tại cuộc họp trực tuyến Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống COVID-19 với 63 tỉnh, thành phố chiều 16/12.

Tại cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết tình hình dịch COVID-19 trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp, nhất là với chủng Omicron có tốc độ gây lây lan nhanh, độ nguy hiểm chưa xác định, nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam cao. Trong khi đó tình hình dịch trong nước số ca mắc COVID-19, nhất là trong cộng đồng và số ca tử vong vẫn tăng; năng lực y tế dự phòng, y tế cơ sở vẫn chưa có nhiều chuyển biến...

"Còn 14 ngày nữa, liệu các tỉnh có hoàn thành được không? Nếu không hoàn thành thì thế nào? Có cần hỗ trợ gì không? Kế hoạch đề ra đến ngày 15/12 là phải hoàn thành tiêm 2 mũi cho người từ 18 tuổi trở lên, nhưng hôm nay đã là ngày 16/12 mà chưa hoàn thành?", Thủ tướng lưu ý.

Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu thúc đẩy tiêm vaccine cho trẻ em từ 12 - 18 tuổi để cho các em trở lại học bình thường.

Thủ tướng cũng giao Bộ Y tế chịu trách nhiệm đảm bảo đủ vaccine. "Nếu không đủ vaccine thì Bộ chịu trách nhiệm", Thủ tướng nói. Khi có đủ vaccine, các địa phương không hoàn thành mục tiêu tiêm chủng sẽ phải chịu trách nhiệm, kiểm điểm cá nhân, tập thể.

Nhắc lại chủ trương "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người", bằng mọi cách vận động người dân tiêm vaccine. Đồng thời cũng lưu ý nghiên cứu chế tài xử lý người không chịu tiêm (trừ trường hợp chống chỉ định tiêm), như không được ra đường, mắc bệnh phải trả tiền điều trị...Thủ tướng cũng yêu cầu tính toán, lên kế hoạch, chuẩn bị vaccine cho năm 2022.

Bộ Y tế cần đảm bảo đủ thuốc điều trị, không để thiếu; hướng dẫn các địa phương, bệnh viện chủ động mua thuốc; mua tập trung một số loại thuốc thiết yếu, phải có cơ số dự phòng các loại thuốc thiết yếu phù hợp cho tình huống dịch bệnh diễn biến xấu...

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long báo cáo tại cuộc họp - Ảnh: VGP

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long báo cáo tại cuộc họp - Ảnh: VGP

Theo báo cáo của Bộ Y tế, đến nay tình hình dịch cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, số ca mắc cộng đồng và tử vong tiếp tục có xu hướng gia tăng nhanh ở nhiều địa phương trên cả nước.

Bên cạnh nguyên nhân khách quan do biến chủng Delta có tốc độ lây lan nhanh, đột ngột dẫn đến số ca mắc tăng cao và tăng số ca bệnh nặng và tử vong, gây "quá tải" hệ thống y tế của một số địa phương còn có các nguyên nhân chủ quan.

 

Nhấn mạnh "chúng ta không có cách nào khác là phải thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, mở cửa nền kinh tế, khôi phục kinh tế xã hội", Thủ tướng lưu ý cần giảm ca mắc cộng đồng, ca chuyển nặng; giảm tối đa ca tử vong. "Đây là mục tiêu rất rõ và cần quyết tâm thực hiện", Thủ tướng nói.

Sau khi nghe các ý kiến thảo luận, kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: Diễn biến tình hình còn phức tạp; biến chủng Omicron theo dự báo cho thấy tốc độ lây lan nhanh hơn chủng Delta, vì thế, không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, phải bám sát tình hình, sớm phát hiện chủng mới xâm nhập nước ta.

Một trong những giải pháp được Thủ tướng gợi ý là để giảm ca chuyển nặng là người dân cần được tiếp cận y tế sớm, từ cơ sở. Thủ tướng dẫn chứng, có phản ánh về việc người dân mắc COVID-19 không liên hệ được với cơ quan chức năng trên địa bàn, không được hỗ trợ kịp thời. Vì vậy, các địa phương phải đáp ứng ngay nhu cầu về y tế của người dân.

Trong công tác điều trị, Thủ tướng cũng yêu cầu cần huy động bác sỹ về hưu, hệ thống y tế tư nhân; chỗ nào còn vướng về cơ chế, chính sách thì phải giải quyết và đề xuất xử lý theo thẩm quyền. Tăng cường y tế cơ sở và y tế dự phòng, nâng cao trình độ chuyên môn về phát hiện, xét nghiệm sàng lọc, điều trị ban đầu, điều trị sớm F0 tại cơ sở, tại nhà.

Bộ Y tế phối hợp các cơ quan liên quan trình Chính phủ các chính sách tăng mức phụ cấp cho nhân viên y tế cơ sở và y tế dự phòng, Bộ tăng cường năng lực y tế cơ sở và y tế dự phòng phù hợp dự báo.

Bộ Y tế cùng Bộ Giao thông vận tải, các bộ ngành khác đề xuất mở cửa hàng không, tiếp tục mở rộng từ ngày 1/1/2022 để giải pháp mong muốn chuyên gia, người lao động nước ngoài đến Việt Nam và đi các nước, nhu cầu đi lại của bà con Việt kiều, du học sinh.

Liên quan vấn đề an sinh xã hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý: Cần tăng cường tuyên truyền để nhân dân tham gia tích cực công cuộc phòng, chống dịch tự giác, hiệu quả, bảo vệ sức khoẻ của mình là bảo vệ sức khoẻ của chính gia đình mình, lợi ích quốc gia, dân tộc; có chế tài xử lý các cá nhân, tập thể vi phạm.

 

Theo báo cáo của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, đợt dịch thứ 4 đến ngày 15/12/2021, cả nước đã ghi nhận trên 1,4 triệu ca mắc, hơn 1 triệu người đã khỏi bệnh. Về vaccine và thuốc điều trị COVID-19, đến ngày 14/12/2021, Việt Nam đã tiếp nhận gần 169 triệu liều vaccine phòng COVID-19, đã tiêm được trên 135 triệu liều, tỷ lệ sử dụng đạt 88%, tỷ lệ tiêm chủng từ 18 tuổi trở lên trên 127 triệu liều; từ 12 đến 18 tuổi tiêm được trên 7,6 triệu liều. Đến nay, Bộ Y tế cơ bản đã đảm bảo đủ nhu cầu đối với các thuốc phòng chống dịch, đặc biệt là với 46 thuốc quy định tại Quyết định số 2626 của Bộ Y tế.

Hiệp Nguyễn
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin