Thực hư tác dụng của sừng tê giác

Sừng tê giác liệu có tác dụng "thần kỳ" như lời đồn?

Đẩy mạnh tuyên truyền không sử dụng sừng tê giác ở Việt Nam

Sừng tê giác thần kỳ như... sừng trâu!

Bài thuốc điều trị các bệnh về gan từ cây cà gai leo

Bài thuốc chữa xương khớp của "Thần y" đất Hà Tĩnh

Bệnh trĩ có thể chữa khỏi!

Cần phân biệt, chọn lọc các bài thuốc

Trước khi nói đến chuyện sừng tê giác được ghi nhận là vị thuốc dùng theo kinh nghiệm dân gian và được truyền miệng, đồn đại chữa nhiều chứng bệnh đến độ chỉ nên xem là “huyền thoại”, xin có đôi điều bàn về bài thuốc, vị thuốc dùng theo kinh nghiệm dân gian.

Việc dùng thuốc chữa bệnh đã có từ lâu đời, có thể nói là từ khi loài người xuất hiện. Vốn là một thực thể yếu đuối, ngoài nhu cầu ăn, mặc, ở, con người phải thường xuyên đối chọi với bệnh tật và nảy sinh nhu cầu chữa và phòng bệnh. Do vậy, con người không chỉ tìm kiếm thực phẩm để ăn mà còn tìm kiếm, lợi dụng tính chất của cây cỏ, phẩm vật chung quanh, đặc biệt là các động vật hoang dã săn bắt được để làm thuốc chữa bệnh. Kinh nghiệm biết thứ nào là độc, thứ nào có tác dụng trị liệu cứ thế được tích lũy để từ đó, hình thành các bài thuốc, vị thuốc. Kinh nghiệm dùng thuốc của người xưa được truyền từ đời này sang đời khác bằng hai con đường. Con đường thứ nhất là được đúc kết, hệ thống hóa và ghi lại bằng văn tự thành các sách thuốc cổ. Con đường thứ hai là truyền miệng hoặc có thể được ghi bằng văn tự nhưng không được hệ thống hóa mà nằm rải rác trong nhân dân qua các bài vị thuốc dân gian.

Tê giác tại vườn thú Safari World ở Bangkok - Thái Lan (Ảnh: Tấn Thạnh)
 Một thực tế không thể phủ nhận là có những bài thuốc dân gian giá trị đã được thử thách qua thời gian dài về tính hiệu quả trong điều trị bệnh. Chính từ những bài thuốc dân gian có từ thời xa xưa mà các sách thuốc cổ mới được xây dựng chỉ nhằm đúc kết, hệ thống hóa lại. Tuy nhiên, có một nhược điểm đối với các bài thuốc dân gian là do được truyền miệng từ người này sang người khác, từ đời này sang đời khác, đưa đến việc “tam sao thất bản”. Do đó, xen lẫn những bài thuốc là kinh nghiệm đã bị xuyên tạc, dựa vào mê tín, thần bí hóa tạo nên những huyền thoại. Vấn đề quan trọng là phải biết phân biệt, chọn lọc các bài thuốc này. Trong ngành dược nước ta có đặt ra một nhiệm vụ là sưu  tầm, phát hiện các bài thuốc dân gian để kiểm tra về mặt thật giả, tốt xấu, thậm chí nghiên cứu về mặt khoa học nhằm chọn lọc các bài thuốc có giá trị, bổ sung vào vốn y học cổ truyền của ta.
Thổi phồng tác dụng
Tê giác là động vật hoang dã, có nhiều tên khoa học do có nhiều loại, như tê giác một sừng ở Ấn Độ có tên Rhinoceros Unicornis L., tê giác ở Indonesia có tên Rhinoceros Sumatrensis Cuvier, tê giác hai sừng Rhinoceros Bicornis L. Về sừng tê giác, trên thị trường người ta phân biệt sừng tê giác ở châu Á (Cornu Rhinoceri Asiatici) và sừng tê giác ở châu Phi (Cornu Rhinoceri Africani). Thành phần hóa học chủ yếu của sừng tê giác gồm có keratin, calci carbonat, calci phosphat, protein (có các axít amin điển hình như tyrosin, cystein, thiolactic,…).
Theo báo cáo của Nam Kinh Dược học viện Trung Quốc, nước chiết sừng tê giác có phản ứng của alcaloid (là một hợp chất thường thấy trong các loại dược thảo cho nhiều tác dụng dược lý khác nhau). Tuy nhiên, cho tới nay, thành phần hoạt chất (tức chất cho tác dụng điều trị nào đó) trong sừng tê giác vẫn chưa rõ là gì (theo sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của cố GS.TS Đỗ Tất Lợi, NXB Y học, năm 2000).
Theo sách cổ, sừng tê giác có vị đắng, chua, mặn, tính hàn, đi vào 3 kinh tâm, can, vị; có tác dụng mát huyết, giải ôn độc và định kinh; được dùng khi bị sốt cao đưa đến điên cuồng hoặc mê man, sốt vàng da, thổ huyết, nhức đầu, ung độc, hậu bối… Nhưng từ những gì ghi trong sách cổ, sừng tê giác theo thời gian được dùng theo kinh nghiệm dân gian và được đồn đại, truyền miệng cho đến nay. Những tác dụng của sừng tê giác được gán ghép, thổi phồng để trở thành huyền thoại chữa được “bá bệnh”, như có thể chữa được nhiều loại ung thư hoặc chữa một cách “thần sầu” bệnh yếu sinh lý, liệt dương ở nam giới. Và vì thế, sừng tê giác trở thành một vị thuốc rất đắt tiền, dẫn đến nạn săn lùng, tận diệt tê giác một cách không thương tiếc.
Cũng xin nói thêm, một tác dụng của bài vị thuốc gọi là chữa trị theo kinh nghiệm dân gian hay dùng theo lối truyền miệng, đồn đại nếu không trải qua một nghiên cứu khoa học đúng quy cách chứng thực thì tác dụng ấy không thể gọi là chắc chắn (có người dùng thấy có tác dụng nhưng nhiều người khác dùng chẳng có tác dụng gì, trong khoa học tác dụng ấy được gọi là chẳng có giá trị về mặt thống kê). Nền y học được thế giới công nhận hiện nay được gọi là y học thực chứng (evidence-based medicine) tức là tác dụng hiệu quả của một loại thuốc hay một phương thức trị liệu nào đó phải dựa vào chứng cứ là kết quả thử nghiệm lâm sàng khoa học đúng quy cách chứ không dựa vào sự đồn đại, truyền miệng.
Tội ác cần trừng trị!
Theo PGS.TS.DS Nguyễn Hữu Đức, cho tới nay, tác dụng chữa bệnh của sừng tê giác vẫn dựa theo lời đồn đại, truyền miệng chứ chưa có công trình khoa học nào xác định tính hiệu quả của tác dụng này. Và nếu chưa chứng minh được bằng nghiên cứu khoa học đúng quy cách thì các tác dụng đó có khi chỉ là thêu dệt, chỉ là huyền thoại. Nếu chỉ dựa vào huyền thoại mà con người tìm cách tận diệt một loài thú hoang dã quý hiếm và mua bán lậu sừng của chúng (thật ra là vì lòng tham lợi nhuận khổng lồ) thì các hành động đó phải xem là tội ác cần trừng trị!
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Nghiên cứu - Sản xuất