Phát triển ngành TPCN từ nguồn dược liệu

Nguồn dược liệu của Việt Nam vô cùng phong phú và đa dạng

Dược liệu đạt chuẩn: Cộng điểm và làm giàu!

Thiên niên kiện - Dược liệu quý chữa phong thấp

Thêm một dược liệu thiên nhiên bảo vệ lá gan

Lạng Sơn: Dân tận thu dược liệu bán sang Trung Quốc

Bài thuốc chữa xương khớp của "Thần y" đất Hà Tĩnh

Nguồn dược liệu phong phú

Từ trước đến nay, Việt Nam chưa thực sự quan tâm đúng mức đến nền y học tự cường, mang bản sắc rất riêng của dân tộc ta. Đó chính là nền y học bản địa gắn với sử dụng cây thuốc Nam. Điển hình của trường phái Thuốc Nam là Đại danh y Tuệ Tĩnh. Ông sống vào cuối thời Trần với khẩu hiệu nổi tiếng: "Nam dược trị nam nhân” (Thuốc Nam Việt trị người nam Việt).

Việt Nam có một hệ sinh thái phong phú và đa dạng, một tiềm năng lớn về tài nguyên cây dược liệu nói riêng và tài nguyên dược liệu (thực vật, động vật, khoáng vật) nói chung. Điều này thể hiện ở sự đa dạng về chủng loại cây dược liệu (trong số hơn 12.000 loài thực vật Việt Nam thì có gần 4.000 loài cho công dụng làm thuốc), phân bố rộng khắp cả nước, có nhiều loài dược liệu được xếp vào loài quý và hiếm trên thế giới, như: Sâm ngọc linh, Sâm vũ diệp, Tam thất hoang, Bách hợp, Thông đỏ, Vàng đắng, Hoàng liên ô rô, Hoàng liên gai, Thanh thiên quỳ, Ba gạc Vĩnh Phú… 

Một ví dụ điển hình về dược liệu quý hiếm, đó là Sâm ngọc linh. Theo kết quả nghiên cứu từ năm 1978 của Bộ Y tế, sâm Ngọc Linh chứa 26 hợp chất saponin có cấu trúc hóa học đã biết và 24 saponin có cấu trúc mới không có trong các loại sâm khác, trong khi sâm Triều Tiên chỉ có khoảng 25 saponin.

Các dược liệu được dùng nhiều nhất hiện nay là Atiso, Đinh lăng, Rau đắng đất, Bạch quả, Kim tiền thảo, Bách bộ, Diệp hạ châu, hy thiêm, Cát cánh, Ích mẫu, Sài hồ, Chè dây, Đảng sâm, Quả cúc gai, Cam thảo, Trần bì, Sinh địa, Húng chanh, Thảo quyết minh, Đương quy.

Báo động cạn kiệt nguồn dược liệu

Nhu cầu sử dụng cây dược liệu trong nước và trên thế giới rất lớn và ngày càng tăng. Riêng trong nước, hàng năm cần đến trên 50.000 tấn cây dược liệu để chế xuất, tuy nhiên việc bảo tồn và phát triển dược liệu ở nước ta cũng chưa được chú trọng và đang gặp phải một số hạn chế, khó khăn, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến quy hoạch phát triển dược liệu, công tác bảo tồn và phát triển nguồn gene dược liệu, việc tiêu chuẩn hóa dược liệu, cũng như việc hiện đại hóa sản xuất các loại TPCN từ dược liệu. 

Hằng năm, nước ta cần đến trên 50.000 tấn cây dược liệu để chế xuất

Tại nhiều địa phương, người dân đang khai thác tận thu, tận diệt nguồn dược liệu phong phú, quý hiếm. Chỉ riêng tại Cao Bằng, trong gần 20 năm qua, người dân khai thác cây dược liệu tươi và khô với tốc độ thần tốc khoảng gần 10 triệu tấn bán sang Trung Quốc qua các cửa khẩu, ước tính khoảng 300.000 - 500.000 tấn/năm. Nhiều loại cây thuốc quý đứng trước nguy cơ tận diệt như thất diệp nhất chi hoa, hoàng đằng, ba kích, bình vôi, thanh thiên quỳ... Hiện nay, số lượng dược liệu xuất qua biên giới giảm đi. Điều này cũng đồng nghĩa với cảnh báo những cây thuốc của nước ta đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

Việc khai thác dược liệu quá mức mà không đi đôi với việc tái tạo, bảo tồn dược liệu đã dẫn đến số lượng loài cây dược liệu có khả năng khai thác tự nhiên còn rất ít (trên cả nước hiện chỉ còn khoảng 206 loài cây dược liệu có giá trị có thể khai thác tự nhiên), nhiều loài cây dược liệu quý hiếm trong nước đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt; dược liệu không được sản xuất theo quy trình, quy hoạch cụ thể; việc áp dụng thành tựu của khoa học, công nghệ vào việc hiện đại hoá sản xuất thuốc từ dược liệu chưa được quan tâm đúng mức... 

Nhiều bậc cao niên là lương y các huyện cho biết: Trước đây, đi tìm cây thuốc trên rừng, đồi chỗ nào cũng có. Ra khỏi nhà mấy bước là có thể tìm hái được mấy thang thuốc chữa bệnh. Bây giờ, thu mua dược liệu giá cao nên một bộ phận nhân dân thi nhau lên rừng tìm kiếm, chặt cả cây, nhổ tận gốc rễ cây thuốc đem bán, khiến cho các nguồn trở nên khan hiếm và tuyệt chủng.

Phát triển ngành TPCN từ nguồn dược liệu

Nhu cầu về nguyên liệu cho sản xuất TPCN hàng năm của Việt Nam là khoảng từ 50.000 - 70.000 tấn.

Với nguồn dược liệu quý hiếm, phong phú và đa dạng, thế nhưng hàng năm Việt Nam vẫn phải tiêu tốn rất nhiều tiền vào việc nhập khẩu nguồn nguyên liệu từ nước ngoài. Nguy hiểm hơn, các nguồn nguyên liệu nhập khẩu cũng chưa phải là nguồn nguyên liệu sạch, nguyên liệu đảm bảo cho sản xuất TPCN. 

Theo báo cáo của Hiệp hội TPCN Việt Nam, tính đến thời điểm này, chỉ tính riêng số lượng TPCN sản xuất trong nước là 2.300 sản phẩm chiếm khoảng 40% tổng số sản phẩm lưu hành. Với năng lực sản xuất như vậy, hàng năm nhu cầu về nguyên liệu cho sản xuất TPCN của Việt Nam là khoảng từ 50.000 - 70.000 tấn. Tuy nhiên trên 80% sản lượng và gần 500 danh mục nguyên liệu để sản xuất TPCN lại là nhập khẩu trong khi tiềm năng dược liệu của Việt Nam rất lớn và có thể đáp ứng được quá trình sản xuất. 

PGS.TS Trần Đáng - Chủ tịch Hiệp hội TPCN Việt Nam

PGS.TS Trần Đáng - Chủ tịch Hiệp hội TPCN cho biết: “Ngành thực phẩm trong nước đúng là đang gặp khó khăn. Chúng ta có nguồn nguyên liệu tự nhiên phong phú nhưng biến thành sản phẩm chất lượng cao thì hạn chế”.

Như vậy, về mặt nguyên liệu không những chưa sử dụng được đúng mức nguồn thảo dược của Việt Nam vào chế biến TPCN như tiềm năng sẵn có mà còn khó đảm bảo được chất lượng nguồn nguyên liệu để cho ra các sản phẩm có chất lượng tốt nhất.  
 
Nhận thức được vấn đề này, tới nay, ngành y tế cũng đã bắt đầu xây dựng được các vùng dược liệu trọng điểm. Ngoài Viện nghiên cứu Dược liệu tại Hà Nội, Viện còn có một số trung tâm dược liệu vệ tinh như Trung tâm nghiên cứu trồng và chế biến cây thuốc Hà Nội, Trung tâm dược liệu TP. Hồ Chí Minh, Trung tâm nghiên cứu dược liệu Bắc Trung Bộ, Trung tâm trồng cây thuốc SaPa, Trung tâm chuyển giao KHCN và phát triển dược liệu… Bên cạnh đó, một số vùng chuyên canh dược liệu đã được hình thành trên khắp đất nước nhưng so về tiềm lực và quy mô thì vẫn chưa tương xứng.

Các cơ sở sản xuất TPCN cũng đã có kế hoạch khai thác phù hợp với nuôi trồng để luôn làm chủ được nguyên liệu cho sản xuất và nhập khấu. Tại các vùng nuôi trồng hoặc nhiều vùng nuôi trồng gần nhau có thể xây dựng các trạm sơ chế, sau đó mới chuyển đến các nhà máy sản xuất.

Vấn đề đặt ra trước mắt đối với ngành TPCN chính là việc phát triển các sản phẩm TPCN từ chính nguồn dược liệu trong nước, giải quyết được vấn đề đắt đỏ của dược liệu. Qua đó, mang những sản phẩm TPCN đến tay người tiêu dùng với giá cả phải chăng. Có như vậy ngành TPCN mới phát triển bền vững và lâu dài được.

Theo PGS. TS. Trần Đáng - Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam: Nhìn nhận một cách khách quan, sự phát triển của thị trường thực phẩm chức năng Việt Nam không phải chỉ là một hiện tượng bùng phát nhất thời, mà đó chính là những dấu hiệu của xu hướng tương lai khi mà thực phẩm chức năng tất yếu sẽ trở thành một trong những nguồn dinh dưỡng bổ sung quý giá và là “vaccine” phòng những bệnh mạn tính không lây giúp hỗ trợ chức năng các bộ phận trong cơ thể con người, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng cường sức đề kháng và giảm bớt nguy cơ bệnh tật. Để bắt kịp xu thế đó, thực phẩm chức năng Việt Nam thực sự cấp thiết phải phát triển thành ngành được quản lý và hoạt động hiệu quả trong một tương lai gần.
Tuấn Anh H+
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Nghiên cứu - Sản xuất