Tiêm vaccine COVID-19 mũi 3: Kết hợp vaccine như thế nào?

Nghiên cứu cho thấy mũi vaccine COVID-19 thứ 3 làm tăng đáng kể khả năng miễn dịch trước SARS-CoV-2

Chuyên gia giải đáp về việc tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ 12 - 17 tuổi

Y tế Tuần qua: TP.HCM tiêm mũi vaccine thứ 3 cho lực lượng tuyến đầu chống dịch

Đà Nẵng lên kế hoạch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em

TP.HCM đề xuất tiêm vaccine mũi 3 cho lực lượng tuyến đầu chống dịch

Các quốc gia “rục rịch” chuẩn bị tiêm nhắc lại vaccine COVID-19

Theo thống kê của Reuters, nhiều quốc gia đã chuẩn bị triển khai tiêm mũi tăng cường và mũi nhắc lại vaccine COVID-19.

Tại Mỹ, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) và Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) cho phép tiêm mũi vaccine tăng cường của Pfizer và Moderna cho người trên 65 tuổi, người có bệnh lý nền và lực lượng y tế tuyến đầu.

Canada cũng lên kế hoạch tiêm vaccine nhắc lại cho các đối tượng nêu trên. Quốc gia này cho phép người đã tiêm đủ liều vaccine AstraZeneca hoặc Johnson & Johnson, sử dụng vaccine mRNA (tức Pfizer và Moderna) cho mũi thứ 3.

Cơ quan Quản lý Dược phẩm châu Âu khuyến cáo tiêm mũi thứ 3 với vaccine mRNA cho người có hệ miễn dịch yếu, nhưng đối tượng tiêm cụ thể sẽ được quy định tại từng quốc gia.

Tại Nam Mỹ, Uruguay triển khai tiêm vaccine Pfizer cho người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine của Sinovac. Từ tháng 12, Argentina sẽ tiêm vaccine Vero Cell của Sinopharm mũi 3 cho nhóm người trên 50 tuổi hoặc có hệ miễn dịch yếu.

Người cao tuổi là đối tượng được ưu tiêm vaccine COVID-19 mũi 3 - Ảnh: The Times of Israel

Mới đây, Tạp chí The Lancet đăng tải nghiên cứu về hiệu quả của mũi thứ 3 vaccine COVID-19 được thực hiện tại Israel - quốc gia có độ bao phủ vaccine cao trên thế giới. Theo đó, ước tính, việc tiêm mũi thứ 3 của vaccine BNT162b2 (tức vaccine Pfizer) sau 5 tháng đem lại hiệu quả bảo vệ cao hơn. Liều thứ 3 giúp giảm nguy cơ nhập viện lên đến 93%, đồng thời giảm nguy cơ bệnh trở nặng và tử vong do COVID-19.

Chọn vaccine mũi 3 như thế nào?

Tại Hội nghị sơ kết công tác phòng, chống dịch COVID-19 của ngành y tế TP.HCM đợt dịch lần thứ 4, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, dự kiến 2 tháng cuối năm 2021, thành phố sẽ tiêm vét 2 mũi cho tất cả trường hợp trên 18 tuổi.

Đồng thời, TP.HCM có kế hoạch tiêm nhắc mũi 3 vaccine COVID-19 cho nhóm nguy cơ cao, lực lượng tuyến đầu chống dịch vào tháng 11-12.

Trao đổi với báo Dân Trí, PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược TP.HCM cho biết: Xét về nguyên tắc, việc tiêm mũi cơ bản thứ 2 và tiêm mũi tăng cường (còn gọi là mũi 3) vaccine phòng COVID-19, nên sử dụng các loại có kháng nguyên giống nhau thì mới kích thích được các tế bào có trí nhớ miễn dịch tạo ra kháng thể.

Điều này cũng tương tự như muốn nhớ lại một hình ảnh nào đó, thì hình ảnh mới phải giống hoặc gần giống hình ảnh cũ. Vì vậy, cách chắc chắn nhất để chọn lựa vaccine cho mũi tăng cường là sử dụng cùng loại vaccine cho tất cả các mũi tiêm.

Việc tiêm phối hợp vaccine COVID-19 cần tuân theo hướng dẫn của Bộ Y tế - Ảnh: Financial Times

Cùng quan điểm trên, PGS.TS Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Khẩn cấp chia sẻ với báo Lao Động: “Với tất cả các loại vaccine, để có thể tiêm bổ sung (mũi 3 đối với một số loại vaccine đã tiêm trong thời gian vừa qua), người tiêm cần hoàn thành mũi tiêm thứ 2 ít nhất 6 tháng. Bên cạnh đó, loại vaccine mũi 3 nào là phù hợp với 2 mũi tiêm trước phải dựa trên nghiên cứu thực nghiệm. Tốt nhất là tiêm cùng loại vaccine.” 

PGS.TS Trần Đắc Phu nhận định, không phải lúc nào cũng có đủ nguồn cung vaccine, vì vậy sự phối trộn vaccine phải tuân theo chỉ định của Bộ Y tế. Đồng thời, cần tăng tỷ lệ bao phủ vaccine mũi 1, mũi 2 trước khi tính đến tiêm mũi 3. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trước đó cũng kêu gọi các quốc gia tạm dừng triển khai tiêm mũi tăng cường diện rộng, để ưu tiên vaccine cho các quốc gia đang thiếu vaccine.

Quỳnh Trang H+ (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn