Tiền đái tháo đường và nguy cơ ung thư

Tiền đái tháo đường làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư

Đái tháo đường type 2 cũng có thể xảy ra ở trẻ em

Làm thế nào để ngăn ngừa biến chứng võng mạc đái tháo đường?

Bệnh đái tháo đường có gây mù lòa?

Bệnh thận đái tháo đường là gì?

Tiền đái tháo đường (hay rối loạn đường huyết lúc đói, rối loạn dung nạp glucose) là tình trạng đường trong máu cao hơn bình thường nhưng chưa đủ điều kiện để trở thành bệnh đái tháo đường. Có thể phát hiện tình trạng này bằng xét nghiệm dung nạp glucose, xét nghiệm đường huyết lúc đói hoặc kết hợp cả hai.

Lượng đường trong máu thường tăng theo thời gian và là kết quả của một chế độ ăn uống không lành mạnh, lối sống lười vận động và béo phì. Lão hóa cũng góp phần làm suy giảm chức năng tế bào beta của tuyến tụy (nơi sản xuất hormone insulin kiểm soát đường huyết) và gây tăng đường huyết. Đường huyết tăng và không được kiểm soát có thể dẫn tới tiền đái tháo đường và sẽ tiến tiển thành bệnh đái tháo đường type 2 chỉ trong vòng 5 - 10 năm.

Theo nghiên cứu được công bố trên Diabetologia – Tạp chí Nghiên cứu khoa họccủa Hiệp hội Đái Tháo Đường Châu Âu, tiền đái tháo đường có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư. Các nhà khoa học đã phân tích tổng cộng 16 nghiên cứu trên 891.426 người tham gia đến từ Mỹ, châu Âu, châu Á và châu Phi, kết quả cho thấy tiền đái tháo đường làm tăng 15% nguy cơ mắc ung thư, đặc biệt là ung thư dạ dày, ung thư gan, ung thư tuyến tụy, ung thư vú và ung thư nội mạc tử cung. Nhưng không có sự liên quan đáng kể đến ung thư phổi, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư buồng trứng, ung thư thận và ung thư bàng quang.

Nhận biết yếu tố nguy cơ

Tại sao tiền đái tháo đường lại làm tăng nguy cơ ung thư? Ban đầu, các nhà khoa học đặt giả thuyết rằng nguyên nhân là do béo phì bởi béo phì có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường và cả bệnh ung thư. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đã tiến hành một phân tích phụ để tìm hiểu mối liên quan giữa béo phì với tiền đái tháo đường và ung thư. Họ phát hiện ra rằng, kể cả khi đã kiểm soát cân nặng, tiền đái tháo đường vẫn làm tăng nguy cơ ung thư lên 22%.

Nhóm nghiên cứu đã tìm ra lời giải khác cho sự gia tăng nguy cơ ung thư ở những bệnh nhân tiền đái tháo đường. Ở những người này, đường huyết luôn ở mức cao trong thời gian dài, làm tăng các phản ứng oxy hóa trong khắp cơ thể và giải phóng ra các gốc tự do gây ung thư. Tăng đường huyết quá mức cũng có thể dẫn đến việc sản sinh các chất có hại được gọi là AGEs có thể gây ung thư và các bệnh khác.

Tiền đái tháo đường làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư

Nguyên nhân thứ hai, theo các tác giả nghiên cứu, tình trạng kháng insulin có thể làm tăng tiết insulin ở tụy và điều này vô tình thúc đẩy tế bào ung thư phát triển và phân chia.

Thứ ba, những người bị tiền đái tháo đường có thể có đột biến di truyền làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư. Chẳng hạn, một nghiên cứu gần đây cho thấy có một gene ức chế khối u bị lỗi và làm tăng nguy cơ mắc cả hai bệnh đái tháo đường và ung thư.

Cũng theo nghiên cứu này: Metformin – thuốc đầu tay trong điều trị bệnh đái tháo đường type 2 hiện nay nếu sử dụng cho người tiền đái tháo đường, có thể làm giảm khoảng 30% nguy cơ tiến triển thành ung thư. Tuy nhiên để khẳng định chắc chắn được thông tin này, vẫn cần có nhiều nghiên cứu khoa học hơn nữa được thực hiện.

Thay đổi lối sống để tránh nguy cơ mắc đái tháo đường, ung thư

Với tỷ lệ người mắc tiền đái tháo đường đang không ngừng tăng lên mỗi năm, việc chăm sóc sức khỏe để phòng nguy cơ tiến triển thành đái tháo đường type 2 và ung thư  là thực sự cần thiết. Để làm được điều này, ngay từ bây giờ hãy bắt tay vào công cuộc thay đổi lối sống để hạ lượng đường trong máu, chẳng hạn như giảm cân, tăng cường tập luyện thể dục và ăn uống điều độ.

Kim Chi H+

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Nội tiết