Lượng glucose (đường) bình thường trong máu khi đói (nhịn ăn ít nhất là 8 giờ) là từ 70 - 100 mg/dL; bệnh đái tháo đường được chẩn đoán khi lượng glucose trong máu khi đói cao hơn 126 mg/dL. Khi lượng glucose trong máu khi đói từ 100 - 125 mg/dL thì bạn bị tiền đái tháo đường, có nghĩa lượng glucose trong máu cao hơn mức bình thường nhưng chưa đến mức để chẩn đoán là bệnh đái tháo đường.
Tiền đái tháo đường được xem như là rối loạn glucose máu khi đói, hay rối loạn dung nạp glucose. Hầu hết tất cả những người bệnh đái tháo đường type 2 đều trải qua giai đoạn tiền đái tháo đường.
Phát hiện tiền đái tháo đường
Tiền đái tháo đường không gây ra bất cứ dấu hiệu hay triệu chứng gì. Cách duy nhất để có thể xác định là xét nghiệm máu, thử lượng glucose trong máu lúc đói. Nếu bạn có các yếu tố nguy cơ như quá cân, ít vận động thể lực, lớn hơn 50 tuổi, tiền căn trong gia đình có người bị đái tháo đường type 2, phụ nữ đã từng bị đái tháo đường thai kỳ hay sinh con nặng trên 4 kg thì bạn nên xét nghiệm đường máu định kỳ và cần sự tư vấn của bác sĩ.
Điều trị tiền đái tháo đường
Tiền đái tháo đường là một dấu hiệu cho biết bạn đang có nguy cơ rất cao sẽ bị đái tháo đường type 2. Đã có các nghiên cứu chứng minh rằng sự tiến triển đến bệnh đái tháo đường type 2 có thể bị trì hoãn hay được ngăn ngừa vĩnh viễn nếu việc chữa trị được tiến hành ngay từ khi bị tiền đái tháo đường.
Biện pháp điều trị chính yếu của tiền đái tháo đường là giảm cân và tăng cường vận động thể lực. Chỉ cần giảm được 10% trọng lượng cơ thể thì đã đủ để ổn định được lượng glucose trong máu cùng với một chương trình luyện tập thể dục trung bình mỗi lần 30 phút, 3 - 4 lần một tuần. Điều này còn giúp cải thiện các vấn đề sức khỏe khác như tăng huyết áp, tăng cholesterol, các bệnh lý xương khớp…
Việc thay đổi lối sống bao gồm giảm cân và tăng vận động thể lực là có thể ngăn ngừa hay làm chậm tiến trình xuất hiện bệnh đái tháo đường type 2. Giảm cân bằng cách xây dựng chế độ ăn hợp lý, đảm bảo đủ nhu cầu năng lượng và cân đối các thành phần dinh dưỡng, hạn chế các thức ăn làm tăng đường huyết nhanh như đường, bánh ngọt, kẹo mứt, ăn nhiều cơm…, tăng cường các thức ăn giúp làm chậm hấp thu đường như rau, củ quả… phân bố bữa ăn hợp lý, không bỏ bữa sáng.
Bình luận của bạn