Trung bình có tới hàng chục ngàn doanh nghiệp giải thể, đóng cửa do phá sản, thua lỗ, kém hiệu quả - Ảnh minh họa
Khi cơ quan quản lý làm doanh nghiệp “sướng”
TPCN An cung ngưu Hoàng hoàn: “Cơ quan quản lý phải có trách nhiệm”
Ngày 23/5, Cục An toàn thực phẩm trả lời vụ xúc xích Vietfoods
Rau an toàn bị mất niềm tin
Gần đây, dư luận hoang mang vì những thông tin như hàng tấn xúc xích có chứa chất gây ung thư bị tạm giữ, hay thông tin về dư lượng thuốc BVTV vượt ngưỡng trong rau an toàn ở một số cơ sở trồng rau tại Hà Nội. Vấn đề đáng quan tâm là ngay sau đó, các doanh nghiệp đều phủ nhận kết luận của những cơ quan quản lý, thậm chí cơ quan quản lý thừa nhận đã “vội vàng”. Tuy nhiên, “chờ được vạ thì má đã sưng”, hơn ai hết, các doanh nghiệp là người chịu thiệt thòi ngay lập tức bằng tiền, bằng tai tiếng mà không dễ gì lấy lại được…
Doanh nghiệp phản ứng với kết luận của cơ quan quản lý
Trong thời gian gần đây đã có các bài báo phản ánh về tình trạng tại vùng trồng rau an toàn thuộc phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Hà Nội (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội) đã tiến hành lấy 3 mẫu rau ngẫu nhiên của Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Nông lâm sản thực phẩm Đông Nam Á (Công ty Đông Nam Á) để kiểm nghiệm thì có 1 mẫu rau dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép...
Thị trường cạnh tranh vốn khốc liệt, chỉ cần một thông tin thiếu chuẩn xác đã khiến doanh nghiệp “chết đứng”.
Điều đáng quan tâm là ngay sau đó, công ty không công nhận kết quả trên và cho biết công ty luôn thực hiện theo đúng quy trình, quy định làm việc nghiêm túc, mọi khâu đều được giám sát theo quy trình nghiêm ngặt, vì vậy, không có lý do gì để xảy ra sự việc trên. Ngoài ra, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Duy Hồng - Chi cục trưởng Chi cục BVTV Hà Nội cho biết, các hộ sản xuất đều có nhật ký sản xuất, ghi chép cẩn thận và làm đúng theo quy trình. Việc có sự sai lệch kết quả phân tích của Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản vùng I, sai sót là do con người, không thể đổ lỗi tại máy, có thể do cách pha chất gốc để kiểm nghiệm chưa đúng quy trình, không thể có việc lấy mẫu ở 3 địa điểm phường xã khác nhau mà cho ra cùng một hoạt chất vượt ngưỡng. Hệ lụy là ảnh hưởng đến uy tín cũng như sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và hạ thấp những nỗ lực của nông dân và các cấp, các ngành TP. Hà Nội.
Không lâu sau đó, lại có một vụ việc có đôi nét tương đồng, đó là vụ bắt giữ sản phẩm xúc xích của Công ty Viet foods. Trưa 20/4, Đội QLTT số 14 Chi cục QLTT TP. Hà Nội kiểm tra kho của Công ty TNHH Hùng Anh và ra quyết định tạm giữ hơn 2,2 tấn sản phẩm hotdog, xúc xích nhãn hiệu Viet foods với lý do hàng hóa có dấu hiệu sử dụng phụ gia thực phẩm không đúng quy định. Cụ thể là các mẫu có chứa chất natri nitrat 251 (89-100 mg/kg) mà Đội QLTT số 14 cho là chất cấm, gây ung thư không được Bộ Y tế cho phép.
Cũng gần như ngay sau đó, cơ sở sản xuất và doanh nghiệp phân phối đã lập tức kêu oan bởi họ tuân thủ đúng các điều kiện và không hề làm gì khuất tất, sai trái với các sản phẩm của mình. Trả lời phỏng vấn, ông Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cũng đã cho biết Công ty Viet foods đã làm theo đúng quy định của giấy xác nhận phù hợp quy định về an toàn thực phẩm do Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm Bình Dương cấp (có cho phép công ty sử dụng chất sodium nitrate - E 251). Công ty cũng thực hiện công khai, minh bạch các tiêu chuẩn đã công bố, trong đó có chất sodium nitrate - E 251. Và quan trọng hơn là chất sodium nitrate - E 251 không phải là chất cấm, không phải là chất gây ung thư và các quốc gia thuộc châu Âu, Mỹ, New Zealand, Nhật Bản, Singapore, Malaysia… đều cho phép sản phẩm xúc xích có chất này với ngưỡng hàm lượng cho phép.
“Được vạ, má sưng”
Trao đổi với phóng viên, vợ chồng anh Nguyễn Viết Xuân - Giám đốc Công ty Thương mại Hùng Anh, đơn vị phân phối sản phẩm xúc xích Viet foods bị tạm giữ 2,2 tấn nói trên, vô cùng buồn bã. Anh chị cho biết, ngoài những thiệt hại về kho bãi, nhà xưởng do không hoạt động một tháng trời là hàng chục triệu đồng, thiệt hại lớn hơn cả là lô hàng bị mất dần hạn sử dụng và khách hàng, đối tác quay lưng khi có những thông tin kể trên.
Bị ảnh hưởng lớn hơn nữa là doanh nghiệp sản xuất - Cơ sở chế biến thực phẩm Việt (Viet foods, Bình Dương) qua báo chí, ông Lưu Minh Sang - chủ cơ sở cho biết: Ước tính tới nay bị thiệt hại hàng chục tỷ đồng vì thông tin sản phẩm của mình chứa chất cấm, chất gây ung thư. Theo ông Sang, Viet foods đã phải ngưng sản xuất hơn 1 tháng qua. Nếu như trước, trung bình mỗi tháng Viet foods xuất ra thị trường gần 100 tấn sản phẩm thì từ khi xảy ra sự cố, trên 100 công nhân phải nghỉ việc, hàng trong kho không tiêu thụ được, hàng hóa bị các đại lý trả về vì người tiêu dùng quay lưng với sản phẩm. Vì không có kho lớn để chứa nên hàng chục tấn sản phẩm trả về từ các đại lý đều hư hỏng, phải bán làm thức ăn cho cá. Cũng theo ông chủ cơ sở, lúc vừa kiểm tra, cơ quan QLTT vội vàng công bố sản phẩm của chúng tôi có chất cấm, chất gây ung thư trên báo chí gây hoang mang cho người tiêu dùng, gây thiệt hại nặng nề cho cơ sở sản xuất.
Theo số liệu thống kê mới đây của Phòng Doanh nghiệp và Thương mại Việt Nam thì hàng năm, trung bình có tới hàng chục ngàn doanh nghiệp giải thể, đóng cửa do phá sản, thua lỗ, kém hiệu quả. Một nửa còn lại đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa thì “còi xương, chậm lớn”, hoạt động bình bình. Trong bối cảnh như vậy, nếu các cơ quan quản lý vẫn có những quyết định “vội vàng”, “lấp lửng” thì chỉ một thông tin tiêu cực đã đủ khiến nhiều doanh nghiệp phá sản trong thời gian ngắn. Liệu đây có phải là “bài học” cả với các cơ quan quản lý để tránh gây “oan, sai” mà hệ quả ảnh hưởng lớn tới nhiều cơ sở, nhiều con người.
Bình luận của bạn