Tọa đàm “Công nghiệp Dược Việt Nam và hành trình tham gia toàn cầu hóa” diễn ra vào ngày 31/7 tại Hà Nội
Công nghiệp 4.0 và những tác động đến ngành công nghiệp dược
Thực trạng ngành dược Việt Nam: Chưa khai thác tối ưu
Những tiến bộ từ nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng trong điều trị ung thư phổi
Vì sao cần ban hành Quy chế đạo đức quảng cáo thực phẩm chức năng?
Buổi tọa đàm “Công nghiệp Dược Việt Nam và hành trình tham gia toàn cầu hóa” đồng tổ chức bởi Công ty Newtechco Group và Tạp chí Kinh tế Sài Gòn. Chương trình có sự tham gia của lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Bộ Y tế, lãnh đạo các tỉnh, các chuyên gia đầu ngành, các nhà khoa học trong và ngoài nước, đại diện các doanh nghiệp cũng như hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam.
Cuộc tọa đàm được chia làm 2 phiên, gồm nhiều vấn đề cốt lõi.
Tại phiên thứ nhất với chủ đề “Giải pháp cho ngành Công nghiệp Dược Việt Nam trong hàng trình tham gia toàn cầu hóa”, đại diện Bộ Y tế, các chuyên gia và doanh nghiệp cùng vẽ lên bức tranh toàn cảnh cơ hội và thách thức của ngành công nghiệp dược Việt Nam, từ đó mở ra hướng đi, giải pháp cho ngành công nghiệp dược Việt Nam trong hành trình tham gia toàn cầu hóa.
Theo PGS.TS Lê Văn Truyền, chuyên gia cao cấp dược học, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, ngành công nghiệp dược đang có tốc độ tăng trưởng cao trong 10 năm qua với tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CARG) cao (7,3%) và trong bối cảnh GDP của Việt Nam đang đứng thứ 3 trong khối Đông Nam Á. Thị trường thuốc Việt Nam đạt khoảng 7 tỉ USD (2023), bình quân tiêu thụ thuốc đạt 70 USD/người, tăng gấp 10 lần so với năm 2000.
Cũng theo PGS.TS Lê Văn Truyền, bên cạnh những mặt tích cực, ngành công nghiệp dược Việt Nam vẫn đang đứng trước nhiều thách thức và khó khăn: cơ sở vật chất – kỹ thuật – công nghệ còn thấp; chưa có các khu công nghiệp dược – sinh học tập trung; các công ty dược phẩm trong nước có quy mô còn nhỏ, doanh số và nguồn vốn đầu tư còn thấp, chưa có các tập đoàn dược phẩm quy mô quốc gia; sự thay đổi cấu trúc dược phẩm từ thuốc hóa dược sang thuốc sinh học/sinh học tương tự; năng lực tiếp nhận và chuyển giao công nghệ còn hạn chế; thách thức của quá trình chuyển đổi số.
Đứng trước những thách thức kể trên, PGS. TS Lê Văn Truyền cho rằng cần có chính sách đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở vật chất và năng cao năng lực sản xuất của các nhà máy dược phẩm hiện có; đồng thời hỗ trợ cho các doanh nghiệp dược để xây dựng và phát triển nhà máy mới, đặc biệt các nhà máy sản xuất thuốc sinh học/sinh học tương tự… Cùng với đó, mỗi doanh nghiệp cần xem xét, điều chỉnh, thay đổi chiến lược phát triển trung và dài hạn để phù hợp với đường lối của Nhà nước, môi trường kinh doanh quốc tế, khu vực và trong nước; từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của công nghiệp dược Việt Nam.
Phiên thứ hai với chủ đề “Việt Nam, điểm đến của các nhà đầu tư quốc tế - góc nhìn từ người trong cuộc”. Các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực dược và đại diện hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài đã chỉ ra những tiềm năng vượt trội của Việt Nam, giúp cạnh tranh hơn so với những nước khác trong khu vực để có thể thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh đó, phiên thảo luận cũng giúp các doanh nghiệp dược hiểu rõ hơn về Khu công nghiệp Dược Sinh học tại Thái Bình. Dự án này đang được liên danh các nhà đầu tư gồm Quỹ Makara Capital Partners Pte,.Ltd, Sakae Corporate Advisory Pte,.Ltd và Công ty cổ phần Newtechco Group. Dự án này không chỉ thu hút các hãng Dược phẩm, thiết bị y tế về Việt Nam sản xuất, đây còn là cơ hội để chuyển giao công nghệ, nghiên cứu phát minh, các sản phẩm sinh – dược phẩm, hướng đến xuất khẩu với giá trị cao. Đặc biệt, người dân cũng sẽ được hưởng những thành quả khoa học công nghệ và tiếp cận dịch vụ y tế tốt với chi phí thấp.
Sau hai phiên thảo luận, Giáo sư Mai Trọng Khoa - Nguyên PGĐ Bệnh viện Bạch Mai, công bố quyết định thành lập Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Ứng dụng Công nghệ Y sinh học ung bướu.
Cũng tại buổi lễ, Newtechco Group cũng chính thức ra mắt hệ thống phần mềm ONCOTECH – hệ thống phần mềm Tư vấn tăng cường hệ miễn dịch và ung thư trực tuyến. Đây là một sản phẩm trí tuệ Việt Nam, kết tinh những nỗ lực không ngừng của đội ngũ chuyên gia hàng đầu, với mong muốn mang đến cơ hội sống khỏe cho người bệnh và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Ngày 9/10/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1165/QĐ-TTg, phê duyệt chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2025 với mục tiêu phát triển ngành dược Việt Nam ngang tầm với các nước tiên tiến trong khu vực, đảm bảo cho người dân tiếp cận thuốc với mức chi phí hợp lý. Cùng với đó là nâng cao năng lực nghiên cứu và ứng dụng công nghệ trong sản xuất thuốc, hướng tới trở thành trung tâm sản xuất gia công, chuyển giao công nghệ; đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước và nâng cao giá trị xuất khẩu, hội nhập sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Bình luận của bạn