Đột quỵ sau khi giác hơi chữa đau lưng, đau vai gáy tại nhà

Ê-kíp bác sĩ Bệnh viện Quân y 175 cấp cứu bệnh nhân giác hơi không an toàn tại nhà dẫn đến đột quỵ nguy kịch - Ảnh: BVCC.

Phương pháp giác hơi là gì, có lợi gì cho sức khỏe?

Loét lưng, suýt nhiễm trùng huyết vì giác hơi

Cẩn trọng với nguy cơ đột quỵ não khi tắm đêm

Podcast: Phòng ngừa đột quỵ trong thời tiết nắng nóng

Ngày 4/6, thông tin từ Bệnh viện Quân y 175 vừa cứu chữa thành công một trường hợp đột quỵ nguy kịch, nguyên nhân xuất phát từ việc điều trị giác hơi không an toàn tại nhà.

Cụ thể, bệnh nhân N.V.S. (35 tuổi, TP.HCM), tiền sử khỏe mạnh. Tuy vậy, mới đây anh được chuyển vào khoa cấp cứu Bệnh viện Quân y 175 trong tình trạng ý thức lơ mơ, mất ngôn ngữ toàn bộ, liệt hoàn toàn nửa người phải, trên da vùng cổ bên trái vẫn in hằn dấu tích dụng cụ giác hơi.

Qua thăm khám lâm sàng và cận lâm sàng, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị đột quỵ nhồi máu não bán cầu trái giờ thứ 2 do tắc động mạch cảnh trong trái và động mạch não giữa trái bởi huyết khối.

Ngay lập tức, anh S. được truyền thuốc tiêu sợi huyết qua đường tĩnh mạch, rồi được chuyển lên phòng can thiệp mạch khảo sát và xử lý sang thương theo đường động mạch. Sau gần 1 giờ, các mạch máu bị tổn thương được khơi thông và sửa chữa, não được tái tưới máu.

Ngay sau can thiệp, bệnh nhân tiếp tục được săn sóc điều trị nội khoa tích cực tại Khoa Nội thần kinh. Chưa đầy 48 giờ, bệnh nhân hồi phục hoàn toàn ý thức và sức cơ.

10 ngày sau đó, chức năng ngôn ngữ nhận thức hồi phục hoàn toàn, chỉ còn một vài khiếm khuyết chức năng ngôn ngữ vận động và đang trong lộ trình điều trị âm ngữ trị liệu phục hồi chức năng.

Hình ảnh chụp CT của bệnh nhân S. - Ảnh: BVCC

Hình ảnh chụp CT của bệnh nhân S. - Ảnh: BVCC

Theo TS.BS Tạ Vương Khoa - Trưởng ê-kíp can thiệp mạch (Đơn vị can thiệp thần kinh, khoa Nội thần kinh) cho biết, đây là trường hợp đột quỵ rất nặng và phức tạp, thuộc dạng ca lâm sàng hiếm gặp trên thế giới.

Phân tích hình ảnh học mạch máu kỹ thuật số xóa nền (DSA) cho thấy động mạch cảnh trong bên trái đoạn cổ bị bóc tách bị rách, lóc dần lên trên và tách rời với lớp áo giữa (trung mạc) bởi tác động liên tục của dòng máu áp lực cao. Tính mạng bệnh nhân bị đe dọa nghiêm trọng, các bác sĩ phải "chạy đua" với thời gian cứu chữa người bệnh.

Điều đáng nói trong trường hợp bệnh nhân này là giác hơi liệu pháp, một phương pháp trị liệu có từ lâu đời và được sử dụng rất phổ biến trong dân gian, lại là nguyên nhân trực tiếp gây bóc tách động mạch cảnh trong.

Được biết, bệnh nhân có thói quen nhờ người chị ruột làm giác hơi tại nhà mỗi khi đau lưng, đau vai gáy, lần thực hiện gần nhất là buổi chiều hôm trước ngày bị đột quỵ. Dấu tích dụng cụ giác hơi vẫn còn in hằn trên da vùng cổ bên trái của bệnh nhân khi nhập viện. Hai động mạch cảnh trong, một bên phải và một bên trái, là các động mạch quan trọng dẫn máu từ tim lên não.

Bác sĩ Khoa cho rằng, sang chấn tác động từ bên ngoài vào vùng cổ, từ các sang chấn có lực tác động mạnh như tai nạn giao thông hay đả thương, cho đến các sang chấn tưởng chừng vô hại như động tác massage vùng cổ, đều có thể gây chấn thương cho động mạch cảnh trong. Nghiêm trọng nhất là gây bóc tách động mạch dẫn đến đột quỵ mà phần lớn là đột quỵ nhồi máu não.

Bóc tách động mạch cảnh trong tuy là nguyên nhân hiếm gặp của nhồi máu não (tỷ lệ khoảng 2,5%) nhưng lại là nguyên nhân hàng đầu của nhồi máu não ở người trẻ dưới 40 tuổi. Đây là dạng đột quỵ nặng, tử vong lên đến 40% nếu không được kịp thời điều trị.

Nguyên lý của liệu pháp giác hơi là tạo áp suất âm trong những chiếc cốc chuyên dụng gắn trên da để sinh lực hút, lực hút có thể rất mạnh tùy theo kỹ năng, hoặc mong muốn của người điều trị. Vì vậy, chúng được khuyến cáo tránh đặt trên những vùng cơ thể có da và cơ mỏng, mạch máu đi nông nhằm tránh nguy cơ gây sang chấn mạch máu.

Bệnh viện quân y 175 đã từng tiếp nhận những trường hợp đột quỵ, bao gồm các trường hợp đột quỵ nguy kịch, do chấn thương gây bóc tách động mạch vùng cổ, cả động mạch cảnh trong lẫn động mạch đốt sống, sau động tác “bẻ cổ” của người thợ hớt tóc, người nhân viên massage… cho khách hàng của mình, hoặc đơn giản chỉ là sau các động tác xoay lắc, gập ưỡn cổ quá mức của chính người bệnh.

"Người dân nên tự trang bị kiến thức và nâng cao ý thức tự bảo vệ mình, bảo vệ sức khỏe và tính mạng của chính mình", bác sĩ Khoa nhấn mạnh.

 
Hiệp Nguyễn
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn