Lễ cắt băng khánh thành công trình cải tạo Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai - Ảnh: Thành Dương.
Bác sĩ tiết lộ 5 cách giúp phụ nữ giảm nguy cơ đột quỵ
6 bước quan trọng giúp phòng ngừa đột quỵ khi bị mỡ máu cao
Mức độ hoạt động thể chất thấp cũng làm giảm nguy cơ đột quỵ
Biện pháp phòng ngừa nguy cơ đột quỵ theo độ tuổi
Chiều 6/5, tại sự kiện Khánh thành Công trình cải tạo Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai, PGS.TS. Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện cho biết, đột quỵ ngày càng có xu hướng gia tăng, cả ở người trẻ tuổi. Hàng năm, Trung tâm đã tiếp nhận và điều trị cho hàng nghìn người bệnh đột quỵ của miền Bắc. Cao điểm, có những ngày, đơn vị tiếp nhận gần 60 người bệnh, trong đó rất nhiều người trẻ.
"Việc mở rộng phòng, giường điều trị nhằm cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao cho người bệnh. Bệnh nhân không phải nằm ghép, từ đó góp phần nâng cao tỷ lệ cứu sống, phục hồi sức khỏe", PGS. Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện chia sẻ tại Lễ Khánh thành Công trình cải tạo Trung tâm Đột quỵ.
Bệnh viện Bạch Mai là cơ sở y tế tuyến cuối, một trong những trung tâm điều trị đột quỵ lớn nhất cả nước, chủ yếu chữa các bệnh nhân nặng. Công trình cải tạo Trung tâm Đột quỵ khởi công vào tháng 9/2023, xây mới mở rộng 3 tầng, với tổng diện tích sàn là 279 m2, kinh phí được tài trợ. Như vậy, hiện Trung tâm có 55 giường bệnh, giúp giảm quá tải.
Không chỉ có thêm giường bệnh, Trung tâm còn có thêm phòng can thiệp khoan sọ, giúp những bệnh nhân bị tràn máu não được can thiệp khoan sọ, dẫn lưu máu thất ra ngoài trước khi tiến hành các phương pháp can thiệp khác.
PGS.TS Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ Bệnh viện Bạch Mai cho biết, hiện nay Trung tâm Đột quỵ đang có 50 giường bệnh, sau cải tạo đã có thêm 10 giường bệnh để phục vụ bệnh nhân. Như vậy tính số lượt giường bệnh của cả năm thì Trung tâm sẽ có thêm 3.600 lượt giường bệnh.
Ngoài ra, sau cải tạo, Trung tâm có thêm phòng thủ thuật khoan sọ để dẫn lưu não thất trong các trường hợp tối cấp bệnh nhân tràn ngập máu không kịp phẫu thuật. Lúc này bác sĩ của Trung tâm sẽ dùng máy khoan để khoan máu ra, sau đó chuyển bệnh nhân lên phòng mổ. Thay vì trước đây, thủ thuật này phải làm tại vị trí ngoài Trung tâm.
Theo PGS.TS Mai Duy Tôn, không chỉ tiếp nhận điều trị bệnh nhân đột quỵ là người Việt, Trung tâm còn tiếp nhận điều trị nhiều bệnh nhân người Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản... đang làm việc tại Việt Nam. Nhiều bệnh nhân đã được chữa trị khỏi di chứng của đột quỵ, trở lại làm việc như bình thường và đánh giá rất cao chuyên môn của thầy thuốc tại đây.
Theo các chuyên gia, đột quỵ là nguyên nhân thường gặp thứ hai gây tử vong tại Việt Nam. Trong số người sống sót sau đột quỵ, tỷ lệ bị khuyết tật do đột quỵ ở mức cao.
PGS.TS Mai Duy Tôn cho biết, mỗi ngày Trung tâm Đột quỵ tiếp nhận đến 50 bệnh nhân đột quỵ, nhưng chỉ khoảng 20% bệnh nhân đến viện trong "thời gian vàng" (từ 3 - 4 giờ kể từ khi các triệu chứng đầu tiên xuất hiện). Con số này đã tăng lên so với trước đó, nhưng so với nhiều trung tâm trên thế giới, tỉ lệ này còn thấp. Có nhiều trung tâm, bệnh nhân đến trong "thời gian vàng" đạt 50-75%.
Bên cạnh đó, nhiều người vẫn tin các kinh nghiệm truyền miệng, sơ cứu sai như chích máu đầu ngón tay, chích máu tai, rồi tự ý cho người bệnh dùng các loại thuốc ngừa đột quỵ... bỏ qua "thời gian vàng" đến viện.
Với những yếu tố huyết áp, mỡ máu, đái tháo đường, béo phì, thói quen hút thuốc... đột quỵ cũng có nguy cơ xảy ra ở người trẻ. Vì thế PGS.TS Mai Duy Tôn đưa ra 3 khuyến cáo tầm soát, phòng ngừa đột quỵ ở cả người trẻ và các nhóm đối tượng khác như sau:
- Mỗi người nên thường xuyên tập luyện, vận động, kiểm soát cân nặng, từ bỏ thói quen hút thuốc, ăn uống không lành mạnh.
- Tầm soát các yếu tố nguy cơ của đột quỵ: tim mạch, huyết áp, mỡ máu, đái tháo đường….
- Khi có một trong các biểu hiện của đột quỵ (giảm thị lực, yếu tay chân, nói ngọng/nói khó, đau đầu, chóng mặt…. ) cần đưa người bệnh đến ngay các đơn vị điều trị đột quỵ để được chẩn đoán, điều trị kịp thời.
Bình luận của bạn