Trẻ nhiễm khuẩn da do tắm lá sai cách

Trẻ nhập viện vì tắm lá

Mới sinh con đầu lòng được 9 tháng, mùa hè này ngày nào chị Xuân (Lạng Sơn) cũng đi chợ mua một bó lá về tắm cho con vì cho rằng tắm nước lá có thể trị sạch mụn nhọt. Nhưng mấy hôm sau, con chị bắt đầu sốt nhẹ, một số vùng da ở đùi, mông, bụng … có mẩn đỏ, các mụn nước bắt đầu xuất hiện. Cho con vào viện, sau khi khám lâm sàng, các bác sĩ chẩn đoán con chị bị viêm da mẫn cảm.


Nhiều bà mẹ cho con tắm lá để trị mụn nhọn

Con chị Vân (Ba Vì - Hà Nội) mới 5 tháng tuổi, mẹ chồng chị bảo, vào hè thời tiết nắng nóng nếu trẻ bị mụn kê thì dùng lá chè, kinh giới tắm cho bé. Nếu trẻ bị lở chốc, mụn nhọn thì dùng thêm nhọ nồi, cây hoa ngũ sắc, rau chân vịt, cây sài đất... tắm rất tốt. Thế là hàng ngày chị ra vườn tìm các loại lá về tắm cho bé phòng mụn nhọt rôm sảy... Tuy nhiên, sau một thời gian tắm lá, trên người bé xuất hiện một số mụn tấy đỏ, nổi từng mảng ban như mề đay, bé có biểu hiện sốt, quấy khóc… Lo lắng, chị cho bé đi khám, bác sĩ kết luận con chị bị viêm da dị ứng.

Nhà có điều kiện, lại nghe mọi người nói dùng nước dừa tắm cho trẻ sẽ rất tốt, giúp trắng da nên hàng ngày chị Hằng (Thanh Hóa) lấy nước dừa nguyên chất để tắm cho con gái mới sinh. Sau mấy ngày da bé nổi những mụn li ti, cho là con bị nóng, chị vẫn tắm cho con đều đặn hằng ngày bằng nước dừa. Chỉ đến khi bé bỏ bú, quấy khóc, mụn trên da nổi nhiều hơn thì chị mới vội vàng đưa con đến bệnh viện.

Chanh cũng được nhiều bà mẹ lựa chọn để tắm cho con. Nhưng nếu pha lượng chanh quá nhiều thì khi cọ, chất axit trong chanh có thể làm bong, tróc da non của trẻ, gây xót, nhiễm trùng, thậm chí gây bỏng. Nhiều trẻ bị chàm sữa, ngoài việc tắm lá, người lớn còn giã tôm tươi hoặc nhai bã trầu xát vào, khiến da bé bị tổn thương nặng nề.

Chỉ là kinh nghiệm truyền miệng

Việc sử dụng các loại lá để tắm cho con mỗi khi thấy trẻ bị rôm sảy, mẩn ngứa có thể làm trẻ bị viêm da. Khi da trẻ bị trầy xước, nếu dùng lá để tắm sẽ càng làm cho làn da non nớt của trẻ bị ngứa, mẩn đỏ tăng lên. Đó là chưa kể đến nhiều loại lá cây mọc ở ngoài vườn, bờ bụi, ven đường, bờ ruộng bị nhiễm khuẩn, có thuốc bảo vệ thực vật rất khó rửa sạch, kể cả khi đun sôi vẫn không diệt hết mầm bệnh, sẽ gây nguy cơ nhiễm khuẩn rất cao cho bé.

Có những trẻ tắm nước lá nhưng không bị viêm da là do cơ địa của từng trẻ khác nhau, nhưng không phải trẻ nào cũng có thể tắm được nước lá và tuyệt đối không tắm khi trẻ đang mắc các bệnh ngoài da.

Việc tắm lá (tắm thuốc) trong Đông y cũng phải có chỉ định rõ ràng của thầy thuốc chuyên khoa y học cổ truyền hoặc những lương y có kinh nghiệm đối với từng bệnh hoặc đối tượng nào không được tắm. Đối với da bình thường, không nên tắm lá cho trẻ.

Biểu hiện nhiễm khuẩn da ở trẻ

Biểu hiện dễ thấy nhất của trẻ bị viêm da là sốt, một số vùng da hoặc toàn thân xuất hiện mẩn đỏ. Tuy nhiên, khi thấy hiện tượng này, nhiều người lại quan niệm sau khi tắm lá nếu mẩn đỏ “phát” ra ngoài da thì một vài ngày sau sẽ đỡ. Do đó, không ít trường hợp trẻ nhập viện trong tình trạng viêm nhiễm nặng, phải điều trị dài ngày. Cá biệt, có bệnh nhi bị viêm nhiễm ở vùng mặt, đầu, cổ, nơi tập trung nhiều mạch máu, gần hệ thần kinh, nhiễm trùng có thể gây viêm tắc tĩnh mạch não và để lại di chứng suốt đời.
H+
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Yêu trẻ