Trẻ tăng động, lỗi của người lớn?

Châm cứu cho trẻ bị tăng động
Châm cứu cho trẻ bị tăng động

Tăng động khác với hiếu động

Vừa uống sữa, vừa chạy nhảy, cu Minh vô tình hất đổ hộp sữa mẹ đang cầm trên tay, vì đang ở trước khoa khám bệnh nên chị Hoa nhẫn nhịn, kéo tay Minh chặt lại phía mình. Không chịu cu cậu vùng ra, chân đá tường, tay vứt chiếc ôtô xuống đất rồi la lên ăn vạ. Bất lực, chị Hoa lặng hướng ánh mắt nhìn cầu cứu về phía bác sĩ.

Việc trông con đã trở nên quá mệt mỏi với chị Hoa (Giang Văn Minh - Hà Nội). Ban đầu thấy cu Minh nghịch nhiều, lúc nào cũng luôn chân, luôn tay, vợ chồng chị Hoa những tưởng con mình hiếu động. Nhưng ngặt nỗi, tần suất “hoạt động” của bé càng lớn, càng cao. Ở nhà không món đồ chơi nào lành lặn dưới tay cu cậu, ở trường thì thường xuyên đánh đấm bạn bè. Cô giáo liên tục than thở vì Minh không tập trung, không nghe lời gây mất trật tự và chỉ thích chơi một mình. Định đem con đi khám từ lâu nhưng khi bàn với chồng, anh cười xòa: “Nó nghịch giống anh ngày xưa” chị lại thôi.

Sự việc lên đến đỉnh điểm khi cô giáo cấp tốc gọi phu huynh đến chứng kiến cậu quý tử sau khi nhảy lên cào cấu bạn “can tội” tranh đồ chơi của mình, rồi sau đó quay ra leo lên cửa khua chân, múa tay loạn xạ. Nghe cô giáo, chị Hoa tức tốc đưa con đến bệnh viện khám. Kết quả bác sĩ tại Bệnh viện Nhi Trung ương kết luận: Bé Minh mắc chứng tăng động giảm chú ý.

Chị Hoa không phải là trường hợp duy nhất để bệnh của con có biểu hiện nặng thì mới cho đi khám.

Nguyên nhân trẻ mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý ngoài do yếu tố sinh học như di truyền do người mẹ bị bệnh khi mang thai, trẻ bị trấn động não khi sinh hoặc sau sinh… thì môi trường sống cũng là yếu tố chính khiến trẻ mắc bệnh. Nhiều nghiên cứu cho hay những em bé sống ở nơi chật chội, ồn ào, nhà quá đông đúc, lộn xộn… sẽ dễ bị tăng động. Ngoài ra, trẻ còn dễ mắc khi bố mẹ thiếu quan tâm, để con bị lôi cuốn vào các chương trình giải trí gây nghiện quá nhiều.

Các bậc phụ huynh cần chú ý sát sao đến trẻ để nhận biết rõ những biểu hiện tăng động ở trẻ. Khi trẻ có biểu hiện mắc, cần điều chỉnh môi trường sống và đưa trẻ đến cơ sở y tế tin cậy để kịp thời chữa trị.

Theo thống kê của Khoa Tâm bệnh (Bệnh viện Nhi Trung ương) thì số lượng trẻ mắc chứng tăng động ngày càng gia tăng. Thực tế, bệnh tăng động ở trẻ khi mới bị rất khó phát hiện, chỉ khi bé đã mắc một thời gian thì mới có biểu hiện rõ rệt.

Tại khoa Tâm bệnh của Bệnh viện Nhi Trung ương, trung bình cứ khoảng 20 trẻ đến khám, chữa bệnh hằng ngày thì 3-4 trẻ mắc chứng tăng động. Đây là một con số thực sự đáng lo ngại trước tình trạng ngày càng gia tăng của căn bệnh này.

Theo bác sĩ Quách Thúy Minh, Trưởng khoa Tâm bệnh, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: Tình trạng trẻ bị rối loạn tăng động giảm chú ý mà bố mẹ lại nhầm tưởng con hiếu động là thường xuyên xảy ra. Bởi cùng một biểu hiện nhưng về bản chất hai hiện tượng này lại hoàn toàn khác nhau. Trẻ hiếu động chứng tỏ khỏe mạnh về thể chất và phát triển các kỹ năng vận động tốt. Trẻ tăng động thì chỉ hành động theo ý thích cá nhân, không hề quan tâm đến môi trường xung quanh, tiếp thu lệch lạc và có hiện tượng khó diễn đạt về ngôn ngữ.

Nếu các bậc phụ huynh không thực sự chú ý quan tâm sát sao đến trẻ thì khó phát hiện là điều dễ hiểu.

Cũng theo bác sĩ Minh thì trẻ bị mắc rối loạn tăng động giảm chú ý ngoài yếu tố do sinh học như yếu tố di truyền, bị tổn thương não trước hoặc sau sinh… thì môi trường sống cũng tác động nghiêm trọng đến trẻ.

Khảo sát của nhiều tổ chức y tế cho thấy, những em bé sống ở nơi chật chội, ồn ào sẽ rất dễ mắc chứng tăng động. Những hành vi về lối sống, hay tác động từ hoàn cảnh sống như trẻ sinh ra trong môi trường thiếu thốn tình cảm, cha mẹ ly hôn, thường xuyên cãi vã hay bạo lực gia đình… sẽ nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

Liều thuốc hạnh phúc gia đình

Khoa Nhi, Bệnh viện Châm cứu Trung ương là một trong những cơ sở tiếp nhận nhiều bệnh nhân mắc chứng tăng động, chiếm khoảng 30% lượng điều trị của cả khoa. Hiện châm cứu đang là phương pháp được đông đảo phụ huynh lựa chọn cho trẻ mắc chứng bệnh tăng động và liên quan đến hệ thần kinh.

Tuy nhiên, theo ThS. BS Đặng Hoàng Tuyên - Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Châm cứu Trung ương, việc điều trị chứng tăng động ở trẻ sẽ hữu hiệu hơn nếu có sự hợp tác của các bậc phụ huynh. Dẫn lời, bác sĩ Tuyên ví dụ trường hợp của chị Hiền (Trần Hưng Đạo, Hà Nội) cũng từng có con mắc chứng tăng động. Đưa con đến bệnh viện điều trị khi bé đã có biểu hiện nặng, xác định điều trị phải mất một thời gian dài mới mong có thể bình phục. Khi phát hiện con bị bệnh nặng chị Hiền hy sinh chuyển sang làm một công việc nhẹ nhàng hơn để có thời gian dành cho con. Trong thời gian điều trị, làm theo các hướng dẫn của bác sĩ về chăm sóc trẻ bị tăng động, chị đã kiên trì bắt đầu từ những bài tập nhỏ dành cho con.

Ban đầu chỉ là những bài tập đơn giản như giúp bé diễn đạt được những câu chữ thông thường, tiếp đến là nâng dần tính phức tạp bằng việc tách bé ra khỏi mọi nguồn chú ý xung quanh để tập trung vào trò chơi mà mẹ bày ra. Như một giáo viên hướng dẫn, chị Hiền kiên nhẫn dẫn con vào những trò chơi có sự biến đổi về hành động để kích thích sự chú ý của trẻ như: Hãy nhìn tôi, cùng với đó thì mỗi lần khuôn mặt chị đều phải có một điểm chú ý để bé nhìn thấy, rồi tăng lên những biện pháp cao hơn như: cùng cười nào, cùng nhăn nào… rồi đến trò chuyện để con nhìn thẳng vào người đối diện… Kết hợp với phương pháp châm cứu trị liệu và bằng sự kiên trì của người mẹ, hiện nay con chị Hiền đã bình phục.

Đối với những bệnh liên quan đến khiếm khuyết về mặt tâm lý và bệnh tinh thần ở trẻ thì vai trò của giáo dục là quan trọng chứ không hẳn y học là yếu tố tiên quyết. TS Trần Phương Đông, Bệnh viện Châm cứu Trung ương cho rằng: “Dù chưa rõ nguyên nhân chính xác từ đâu xuất hiện chứng tăng động ở trẻ, nhưng trong quá trình nghiên cứu chúng tôi thấy rõ, ngoài yếu tố di truyền thì hiện tượng sang chấn sau sinh từ 2-3 tuổi đầu đời cũng là nguyên nhân chính dẫn đến việc trẻ mắc chứng tăng động. Thực tế đối với những trẻ có đời sống gia đình vui vẻ, được bố mẹ quan tâm về tình cảm sẽ rất ít bị mắc chứng tăng động. Vậy nên, xây dựng đời sống gia đình hạnh phúc, quan tâm lẫn nhau cũng là một biện pháp hữu hiệu tránh được bệnh tăng động cho trẻ”.

Cũng theo TS Đông thì trẻ mắc chứng tăng động được phát hiện càng sớm, càng có khả năng điều trị triệt để, bằng không nếu phát hiện muộn sẽ khó phục hồi. Hiện nay, đã có những chương trình chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, các bà mẹ nên tìm hiểu kỹ trước và sau quá trình sinh đẻ để có biện pháp phòng ngừa tốt nhất chứng tăng động cho trẻ. Trong trường hợp sau sinh, biện pháp tốt nhất là xây dựng môi trường sống lành mạnh, có sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình sẽ phần nào tránh được chứng tăng động ở trẻ.

Dấu hiệu nhận biết trẻ bị tăng động:

Tăng động giảm chú ý là bệnh lấy đi khả năng tập trung và chú ý của trẻ. Biểu hiện chính của bệnh là không thể tập trung vào bất cứ việc gì. Trẻ gặp các rắc rối khi lắng nghe ai đó nói hay mơ mộng và thường mắc lỗi.

Trẻ không thể ngồi yên một chỗ, hay chạy nhảy liên tục không ngơi nghỉ dù ở bất kỳ điều kiện, không gian nào. Khi ngồi xuống, chúng có xu hướng ngọ ngoậy, bồn chồn hoặc nhún nhẩy. Một số trẻ bị tăng động giảm chú ý sẽ nói quá nhiều và thường khó chơi trong yên lặng, có tính bốc đồng, phá vỡ đồ đạc hay thường xuyên cắt ngang, buột miệng trong những câu chuyện giao tiếp.

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Yêu trẻ