Ảnh minh họa
Tiểu dầm là tình trạng rỉ nước tiểu trong lúc ngủ ở trẻ trên 5 tuổi. Có hai loại tiểu dầm là nguyên phát và thứ phát. Nguyên phát là tình trạng trẻ tiểu dâm liên tục, không có thời gian nào ngưng tiểu dầm. Thứ phát là tình trạng trẻ đã hết tiểu dầm trong 6 tháng, sau đó xuất hiện tiểu dầm trở lại.
Con tiểu dầm di truyền từ cha mẹ
Theo TS.Từ Thành Trí Dũng: “Đái dầm xảy ra vào khoảng 33% trẻ 5 tuổi, 25% trẻ 7 tuổi, 15% trẻ 9 tuổi, 8% trẻ 11 tuổi, 4% trẻ 13 tuổi. Theo diễn tiến tự nhiên, đái dầm sẽ khỏi khi trẻ dậy thì. Tuy nhiên, tỷ lệ người lớn bị đái dầm là 0,5 - 2%. Đối với trẻ nhỏ, tiểu dầm là một hiện tượng sinh lý, trẻ càng nhỏ tỷ lệ tiểu dầm càng cao và tỷ lệ này sẽ giảm dần theo độ tuổi”.
“Bệnh đái dầm có yếu tố di truyền. Nếu bố hoặc mẹ bị đái dầm lúc nhỏ thì 40% con của họ sẽ bị đái dầm. Nếu bố và mẹ đều bị đái dầm lúc nhỏ thì 70-75% con của họ sẽ bị đái dầm. Nếu trẻ bị đái dầm thì 40% anh chị em của trẻ cũng có thể bị đái dầm. Và với mỗi bệnh nhân sẽ có một cách điều trị riêng phù hợp cho từng người”, TS.Dũng cho biết thêm.
Một số nghiên cứu cũng cho thấy một số ít trẻ đái dầm là do trẻ có thái độ “phản kháng”, bất hợp tác, chống đối lại gia đình. Tuy nhiên, thông thường là do trẻ chậm phát triển về thể chất, chưa có phản xạ thức giấc khi bàng quang căng đầy nước tiểu.
Theo TS.BS.Huỳnh Thoại Loan, Trưởng khoa thận nội tiết, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM: “Trẻ sẽ không tiểu dầm sau 12 tháng tuổi nếu không mặc tã giấy. Việc mặc tã giấy sẽ gây cản trở phản xạ "ướt quần" nên sẽ khó khăn cho việc không tiểu dầm vào ban đêm. Chính vì vậy khi trẻ được 12 tháng tuổi, cha mẹ không nên cho trẻ mang tã giấy để trẻ có phản xạ đi tiểu tự nhiên”.
Với những trẻ trên 5 tuổi vẫn tiểu dầm thì nên được khám và thực hiện một số xét nghiệm để có hướng dẫn chẩn đoán và điều trị phù hợp. Việc điều trị sẽ thay đổi tùy theo kết quả chẩn đoán. Đối với các trường hợp tiểu dầm nguyên phát, cần được áp dụng các biện pháp không dùng thuốc trước, nếu thất bại hoặc tiểu dầm kèm theo các rối loạn đi tiểu vào ban ngày thì nên được dùng thuốc hỗ trợ.
Hiện nay, cơ chế gây tiểu dầm ở trẻ em còn cần được nghiên cứu nhiều. Tuy nhiên, có 3 yếu tố sau đây thường kết hợp với tình trạng tiểu dầm ở trẻ em: Trẻ có giấc ngủ rất sâu; Trẻ có dung tích bàng quang tương đối nhỏ; Trẻ có mức nội tiết tố kháng lợi tiểu về đêm thấp.
Việc xuất hiện giấc mộng liên quan đến việc tiểu dầm được cho là trùng khớp với tình trạng căng đầy của bàng quang vào thời điểm trước khi nước tiểu thoát ra. Tuy nhiên, cần có nhiều nghiên cứu phối hợp để giải mã cho hiện tượng này.
Tiểu dầm ở trẻ em tuy là một vấn đề dễ gây lo lắng, nhưng đa số là lành tính và thường được điều trị hiệu quả. Việc điều trị không tốn kém nhiều, chỉ cần sự nỗ lực của bé và gia đình. Đái dầm có thể điều trị khỏi hoàn toàn.
Chữa bằng cách nào?
Để cải thiện tình trạng tiểu dầm của trẻ, theo TS.Loan, “đầu tiên cha mẹ có thể sử dụng các biện pháp không dùng thuốc như: Không cho bé bú đêm và uống sữa 2giờ trước khi ngủ; Cho trẻ tiểu ngay trước khi lên giường ngủ; Tránh các thức uống có cafein và ăn nhiều thức ăn ngọt; Kiểm soát nhiệt độ phòng ngủ không để quá lạnh…”.
Đối với trẻ trên 8 tuổi mà vẫn bị tiểu dầm, theo TS.Dũng: phụ huynh nên trấn an, giáo dục trẻ, không trêu chọc, la mắng, dọa nạt trẻ. Phương pháp điều trị không dùng thuốc là lựa chọn đầu tiên và phù hợp nhất với nhóm tuổi này.
Trẻ nên được khuyến khích đi tiểu khi thức vào ban ngày, khoảng 1,5 – 2 giờ/lần, hoặc trước khi ra khỏi nhà, trước khi đi học và luôn luôn trước khi ngủ.
Khi đi học, trẻ nên được hướng dẫn đi tiểu thường xuyên. Cần báo cho giáo viên biết tình trạng của trẻ, để giáo viên theo dõi và giúp trẻ. Trẻ không nên nín tiểu, chờ cho đến giờ ra chơi. Trẻ không nên nín tiểu quá lâu, khi đã có cảm giác mắc tiểu.
Hướng dẫn cho trẻ, khi đi tiểu, nên thư giãn, chọn tư thế thoải mái và dành thời gian để đi tiểu cho trọn vẹn.
Trẻ nên uống nhiều nước trong ngày và duy trì một lượng nước đủ trong cả ngày. Trẻ có lượng nước đủ sẽ không khát khi về nhà từ trường và không khát lúc đi ngủ. Không nên uống quá nhiều nước trước khi ngủ. Đối với trẻ có chơi thể thao hay vận động nhiều, nên bù nước đủ khi vận động và trước hoặc trong buổi ăn tối (cách giờ đi ngủ khoảng 4 giờ).
Trẻ nên đi tiểu trước khi ngủ.
Nếu trẻ lớn, huấn luyện bàng quang bằng cách tập nín tiểu.
Phòng ngủ, phòng vệ sinh nên để đèn sáng, nhiệt độ trong phòng không lạnh quá (270C).
Cần đánh thức trẻ định kỳ vào ban đêm để trẻ đi tiểu.
Tránh để trẻ bị táo bón.
Thuyết phục trẻ tin rằng: trẻ có thể kiểm soát và trị khỏi đái dầm.
Khen thưởng khi trẻ không bị đái dầm.
Nếu đã tiến hành các cách như trên hơn 3 tháng mà không cải thiện thì có thể dùng dụng cụ báo động đái dầm và đi khám để có thể được tư vấn và dùng thêm thuốc hỗ trợ.
Có nhiều cha mẹ học các cách chữa tiểu dầm của dân gian để chữa cho con mình. Tuy nhiên, thực tế cho thấy các phương pháp dân gian trị tiểu dầm là không có bằng chứng khoa học và không đem lại hiệu quả trong việc điều trị. Ngoài việc tự điều trị cho con không dùng thuốc theo các hướng dẫn trên, cha mẹ có thể đưa con đến các bệnh viện chuyên khoa để quyết định điều trị hỗ trợ bằng thuốc.
Các tiêu chuẩn để chẩn đoán đái dầm, bao gồm: 1 - Đi tiểu trên giường hay tiểu vào quần lặp đi lặp lại nhiều lần (hoặc vô ý hoặc có chủ tâm) khi ngủ đêm. 2 - Xảy ra thường xuyên 2 lần/tuần trong ít nhất 3 tháng liền. 3 - Độ tuổi ít nhất là năm tuổi (hay mức phát triển tương đương). Trẻ nhỏ hơn không được xem là đái dầm. Ðái dầm là sự bài tiết nước tiểu không kiểm soát vào lúc ngủ, xảy ra ở lứa tuổi đã có khả năng kiểm soát được việc tiểu tiện (khoảng 4 đến 5 tuổi). 4 - Đái dầm không do hậu quả trực tiếp của một chất (như thuốc lợi tiểu) hay do bệnh lý toàn thân (như đái tháo đường, tật cột sống chẻ đôi, động kinh... TS. Từ Thành Trí Dũng, Trưởng khoa Nam học, Bệnh viện Đại học Y Dược |
Bình luận của bạn