Trẻ tự kỷ: Gian nan con đường đến lớp

Nan giải chuyện học cho con

Hầu hết các gia đình có con bị tự kỷ đang phải tự bươn trải, tìm cách tháo gỡ khó khăn. Nhưng họ luôn nuôi hy vọng sẽ có lời giải thỏa đáng cho bài toán về tương lai những đứa con đáng thương của mình. Nhiều gia đình có con mắc chứng tự kỷ đành bó tay vì rất khó để đưa con vào trường công với mong muốn cho con được học hòa nhập mặc dù theo luật là được học.

Trẻ tự kỷ ở Việt Nam rất khó khăn khi tìm trường học

Trẻ mắc hội chứng tự kỷ đang gia tăng từng ngày. Cả nước hiện có 16.000 trẻ mắc chứng tự kỷ. Tuy nhiên cho đến nay có một trường theo đúng nghĩa hay một bộ tài liệu sách vở chuẩn dành riêng cho trẻ tự kỷ. Học phí đắt đỏ tại các trung tâm tư nhân trong khi các trường công lập từ chối nhận dạy… khiến con đường hòa nhập xã hội của trẻ tự kỷ ngày càng hẹp hơn.

Cùng với số lượng trẻ tự kỷ ngày càng tăng thì các trung tâm, các trường mầm non dạy trẻ tự kỷ, các lớp dạy trẻ tự kỷ cũng mọc lên như nấm sau mưa. Các phụ huynh lại không có kiến thức cơ bản để nhận thức được thế nào là môi trường tốt, còn các cơ quan chức năng thì cũng lơ là kiểm tra về chất lượng. Sau sự việc bạo hành trẻ tự kỷ ở trường Anh Vương (TP. HCM) thì nỗi lo của các bậc phụ huynh càng thêm chồng chất. Và dường như việc hòa nhập với cộng đồng lại trở thành ước mơ xa xôi của trẻ tự kỷ.

Cần thiết phải có những ngôi trường chuyên biệt

Trường tiểu học ngoảnh mặt, trong khi hệ thống trường chuyên biệt cho trẻ tự kỷ lại quá tải về cơ sở vật chất và điều kiện giảng dạy. Trước tình hình đó, nhiều phụ huynh có con mắc bệnh tự kỷ đã “tự thân vận động” bằng cách liên kết với nhau mở trường để con mình và những đứa trẻ cùng hoàn cảnh có chỗ học tập, vui chơi, hoàn thiện kỹ năng sống. Tuy nhiên, hoạt động của những cơ sở này thường rơi vào cảnh “sớm nở tối tàn” do thiếu sự hướng dẫn, chỉ đạo về mặt chuyên môn của các cơ quan có thẩm quyền.

Cần thiết phải có những trường học chuyên biệt cho trẻ tự kỷ

Trên thực tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có quy định các trường tiểu học công lập phải nhận học sinh tự kỷ nhẹ nhưng cả trường mầm non và trường tiểu học đều không nhận, hoặc có nhận thì cũng phải thi đầu vào rất khó khăn. Như thế chẳng khác nào là một lời từ chối đúng luật. Các trung tâm, lớp học giáo dục đặc biệt cũng chỉ nhận trẻ đến 16 tuổi, vậy sau 16 tuổi các em đi về đâu?

Hiện nay tại nhiều nước trên thế giới đã có đội ngũ và phương pháp giáo dục trẻ tự kỷ khá hiệu quả nhưng ở Việt Nam, lĩnh vực nào cũng có chuyên gia nhưng riêng về giáo dục trẻ tự kỷ thì rất hiếm. Trường học công lập cho trẻ tự kỷ không có, những trung tâm tư nhân giá cao ngất trời thì cũng luôn quá tải, đã thế chất lượng chuyên môn thì không ai kiểm soát. Vấn đề giáo dục trẻ tự kỷ rõ ràng đang rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng và các nhà quản lý giáo dục....


CTV1
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Yêu trẻ