Tri ân thầy thuốc: Y đức luôn ở điểm khởi đầu!

Cảm ơn những "chiến sỹ áo trắng" trên tuyến đầu chống dịch (tranh: Hồ Thị Út Ngân)

Cảnh báo về sản phẩm K6F2 Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Kmuravir®

Nơi giành giật sự sống cho cả mẹ và con trong đại dịch COVID-19

Liệu có cần đến mũi tiêm vaccine COVID-19 liều thứ 4?

F0 trong ngày "lập đỉnh" mới, riêng Hà Nội ghi nhận gần 10.000 ca

(Tất cả câu chuyện trong bài này là thật, nhưng để tránh ngộ nhận không cần thiết, chúng tôi xin không nêu tên cá nhân, trừ một vài người đã có sách xuất bản)

Trái tim biết tri ân

Chắc chắn vào ngày Thầy thuốc năm 2022 lòng tri ân của tất cả chúng ta đều dành trước hết cho các y bác sỹ “trên tuyến đầu chống dịch” vừa qua và sẽ kéo dài khi bước vào giai đoạn “sống chung với dịch”. Đó là một trong những điều cao thượng và không có giới hạn của trái tim. Tất cả chúng ta, không ngoại lệ, không ai không một lần trong đời dành tất cả biết ơn cho người thầy thuốc. Không phải ngẫu nhiên mà xã hội Việt Nam đang phát triển của chúng ta có hai “ngày lễ” dành cho nghề thầy dạy học (20/11) và nghề thầy thuốc (27/2) hàng năm. Thật ra, trong lời thề Hipppocrates của ngành y, câu đầu tiên, các bác sỹ tương lai phải thề là "nhớ ơn thầy dạy, rồi đến cha mẹ…”, nghĩa là, trong ngành y mới đúng là “không thầy đố mày làm nên!”

health-enews-dr-do-minh-hung

Y đức đầu tiên của bác sỹ chính là nhớ ơn thầy dạy các y thuật cho mình.

Vào ngày thầy thuốc, tôi dậy sớm hơn, để gửi đi hàng chục tin nhắn cảm ơn và chúc mừng đến những vị bác sỹ (và y tá, cộng sự) đã, đang và sẽ chữa trị cho tôi và người thân của tôi. Ngoài ra còn gửi lời chúc lấp lánh đến tất cả bạn bè, con cháu hoặc đang hành nghề hoặc còn học trong các trường y khắp nơi, trong và ngoài nước Việt Nam. Đôi khi lời tri ân chân thành còn an ủi cho người nhận hơn là xây cho họ những tượng đồng tốn kém.

Đối với tôi, tất cả họ đều là “lương y” (Vậy đủ rồi, trên thực tế, hoàn thành được trách vụ lương y đã quá khó khăn, còn đòi “như từ mẫu” nữa thì quá sức người!). Trong chống dịch vừa qua biết bao lương y đã chết trong khi làm nhiệm vụ.

z3210047322305_644bc71689763d42614aaedd4baccb93

Lớp học quản trị tại Kuala Lumpur năm 2000. BS - cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad (hàng đầu, thứ hai từ trái), TS.Trần Ngọc Châu (thứ hai từ phải, hàng đầu) (ảnh do tác giả cung cấp)

Nghề y vất vả

Tôi cứ nhớ mãi hồi ký của cựu Thủ tướng Malaysia, bác sỹ Mahathir Mohamad (tôi đã dự một khóa tu nghiệp về quản trị mà ông là giảng viên chính kéo dài 10 ngày tại Kular Lumpur năm 2000): “Hai nghề mà mẹ tôi không cho tôi học là nghề y và nghề cảnh sát điều tra. “Đừng làm (hai nghề đó) vì con sẽ không được ngủ ngon”. (Đọc thêm: Tom Plate: Conversations with Mahathir Mohamad, 2011. Bản tiếng Việt: “Đối thoại với Mahathir Mohamad, Nxb Trẻ, TP.HCM, 2013, tr.183-184). Bởi vì một người có trách nhiệm làm nghề y hoặc nghề cảnh sát đều rất vất vả, hy sinh. Nửa đêm người bệnh cần cấp cứu, bác sỹ không thể không chạy đến. Khi tiếng la kêu cứu vang lên, cảnh sát không thể từ chối bảo vệ người bị nạn”. Tuy nhiên, Mahathir nói ông đã bất hiếu với mẹ, vì khi lớn lên ông đều làm cả hai nghề đó: chữa bệnh và thủ tướng (thủ tướng cũng là tư lệnh của cảnh sát).

Cả hai vợ chồng bạn thân của tôi đều làm nghề y, chồng là bác sỹ về xương khớp, vợ là bác sỹ mắt, được nhà thơ nổi tiếng Tôn Nữ Hỷ Khương tặng bốn chữ: "Tiên thuật, Phật tâm” (tay nghề giỏi như tiên, y đức như Phật). Tuy vậy ba đứa con không có ai theo nghề y. Các cháu thực tế hơn chăng? Hay thấy để thành "Tiên, Phật” cha mẹ quá vất vả?

Empty

Một người có trách nhiệm làm nghề y sẽ rất vất vả (ảnh minh họa)

Thường xã hội, nói chung, ca ngợi thầy thuốc lên mây. Cũng thường, ngược lại: chửi bới, nguyền rủa, trút mọi tội lỗi lên đầu bác sỹ nếu bản thân mình hay người thân mình không được chữa khỏi bệnh hay “có vấn đề” khi điều trị v.v.. và v.v…Thậm chí có người còn xông vào bệnh viện đánh đấm và sát hại những người thầy thuốc. Những người quá khích này không biết rằng bác sỹ cũng được quyền sai, bởi họ cũng là người.

Y đức và nghịch lý

Cách đây gần 10 năm tôi nghĩ là tôi đã chết vì bị ung thư đại tràng. Một vị bác sỹ đã mổ cho tôi bằng kỹ thuật nội soi và tay nghề của ông khéo đến nỗi, cho đến hôm nay tôi chưa hề có một cơn đau đớn. Sau này tôi mới biết vào những năm 1990 khi hai nước chưa có ngoại giao chính thức, ông đã được đến Mỹ tu nghiệp và có thể ông là bác sỹ học nội soi ở Mỹ đầu tiên sau 1975. Ông có nói với tôi: “Nhưng học nghề rồi mà về nước, với cơ sở y tế như Việt Nam, thì không áp dụng được “. Ông đã chạy vạy khắp nơi, liên lạc mọi nguồn có thể để tìm thiết bị y tế. Cuối cùng, các đồng nghiệp Mỹ đã giúp viện trợ thiết bị mổ nội soi đầu tiên cho BV Chợ Rẫy. Nhiều lớp học trò của ông đã thực hành trên các thiết bị này. Mặc dù giỏi nghề như vậy, và ca mổ cho tôi thành công ngoài mong đợi, tôi vẫn cảm ơn ông không phải vì kỹ thuật, mà vì ông đã giúp tôi chấm dứt chuỗi tuyệt vọng kéo dài, khi tặng tôi hai câu thơ: “Tịch dương vô hạn hão. Chỉ thị cận hoàng hôn.” (Nghĩa là: Buổi chiều vô cùng đẹp, vì một ngày sắp hết rồi!). Tự nhiên tôi bừng lên một sức sống kỳ lạ khi nghĩ “buổi chiều” của mình cũng đẹp vô cùng, cũng đáng sống vô cùng.

ICU-respiratory-service-big

Tinh thần đóng góp 70% vào sự hồi phục của người bệnh (ảnh minh họa)

Sau này khi khỏi bệnh, chúng tôi thành bạn, và vị bác sỹ thường nói, khi tôi tỏ lòng biết ơn ông: “Chính sức khỏe tinh thần chiếm 70% trong sự hồi phục.” Chính bác sỹ này đã khóc (trong một chương trình truyền hình mà tôi là người dẫn chuyện trên kênh FBNC) khi kể về câu chuyện mang tính nghịch lý đạo đức của một bác sỹ - học trò ông. Câu chuyện xảy ra ở một phòng khám tư thuộc miền Tây khi người thầy thuốc vì bị đổ tội gây chết cho bệnh nhân vì truyền nước biển và sau đó bác sỹ trẻ đầy triển vọng đó không chịu nổi phản ứng quá khích của người nhà bệnh nhân và cộng đồng địa phương, đã treo cổ tự tử. Đó là chỉ là một trong vô vàn chuyện về khắc nghiệt của ngành y và nghịch lý của y đức.

Y đức thuộc về Người, không phải thuộc về Thần

Sở dĩ tôi có thể nói qua vài điều dưới đây là do khi còn sinh viên tôi có học môn đạo đức học đối chiếu, giữa đạo đức của nghề thầy, nghề báo và nghề thuốc. Phương pháp học đối chiếu này, dù đơn giản, nhưng lại rất hữu ích giúp giảm sự cực đoan của chúng ta trong ứng xử đời thường. Như trên đã nói, một bác sỹ là “lương y” rất khó, nếu trở thành “từ mẫu” càng khó hơn, nếu không muốn nói, đòi hỏi quá cao đối với một con người, dù là bác sỹ. Mặc dù, những người hành nghề y là thuộc giới tinh hoa nhất của một đất nước nói riêng và thế giới nói chung, xã hội cũng không thể yêu cầu quá cao với họ.

Các cháu tôi gọi các bác sỹ là thiên thần. Nhưng các thiên thần cũng có khi gãy cánh. Tôi đang đọc lại cuốn tự truyện "Khi hơi thở hóa thinh không” của bác sỹ phẫu thuật não Paul Kalantini. Cuốn sách bán chạy nhất thế giới vào những năm 2016-2020. Ông là một thiên thần gãy cánh, đúng theo nghĩa đen và nghĩa bóng của từ này. Mới hôm trước ông là bác sỹ chữa bệnh cho người tưởng chết vì u não, ngày hôm sau ông lại là bệnh nhân ung thư, chiến đấu chống thần chết. Khi mất ông mới 37 tuổi, một người đã tốt nghiệp kinh tế, triết học tại Stanford và sau đó tốt nghiệp Y khoa, Đại học Yale danh giá. Một ngôi sao. Ông viết: “Mặc dù gia đình tôi đều theo ngành y, từ cha tôi, anh và em trai, nhưng tôi không có ý định nghiêm túc về ngành y. Nhưng rồi, tôi đọc được câu thơ của Walt Whitman, ý nói: Chỉ có bác sỹ mới có thể thật sự hiểu được Con người toàn diện cả tâm-sinh lý”. (Paul Kalanithi: “Khi hơi thở hóa thinh không” (When breath becomes air), NXB Penguin Random House , Anh, London 2016, tr.41)

AP_20086467030255

Một người làm thầy thuốc phải chịu rất nhiều áp lực, đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 căng thẳng này (ảnh AP)

Thầy thuốc với tư cách là con người, với đặc điểm tâm sinh lý con người, lại phải đứng trên những đặc điểm đó để chịu trách nhiệm về các biến chứng tâm sinh lý của người khác, nên thầy thuốc phải chịu rất nhiều áp lực mỗi ngày. Khi còn trẻ tôi cứ nghĩ bác sỹ không có bệnh hoặc mặc định như thế. Sau này nhiều bác sỹ chữa bệnh cho tôi, bạn tôi và vợ tôi đã ra đi trước chúng tôi. Tôi “ngộ” ra lẽ thường: thầy thuốc là người, không phải thần cứu mạng như suy nghĩ của mình lúc quá đau đớn hay cận kề cái chết! Tuy vậy nghề y vẫn là một lý tưởng, với nhiều tính cách phi thường, ngay trong thế kỷ 21. "Một bác sỹ nên là một chú hề trong trái tim, một nhà khoa học trong khối óc và một người mẹ trong lương tâm," như bác sỹ - tác giả nổi tiếng thế giới Abhijit Naskar mô tả. Theo ông, đây không chỉ là một nghề - mà là một lý tưởng - một lý tưởng hiện thực hóa - một lý tưởng về một nhân loại khỏe mạnh - một lý tưởng nhân văn. Bác sỹ Abhijit Naskar là nhà nghiên cứu thần kinh xuất sắc. Ông cho rằng có sự khác biệt giữa kiến thức y học (medical knowledge) và trí tuệ y học (medical wisdom). Kiến thức y học chỉ để chữa bệnh, làm chậm cái chết. Còn để duy trì cuộc sống lâu dài với tất cả màu sắc, sự ngọt ngào và toàn bộ cấu trúc của nó thì đòi hỏi bác sỹ phải có một trí tuệ y khoa. Trước một thầy thuốc giỏi nghề là một căn bệnh, nhưng trước một thầy thuốc thông tuệ là một con người. (Đọc thêm: Abhijit Naska: Time to save medicine, Nxb Amazon Book Publishing, 2018, bản ebook).

Y đức và tương tác: lớn hơn con dao phẫu thuật

Khía cạnh y đức trong khám chữa bệnh bắt nguồn sâu xa từ sự tương tác liên tục hàng ngày giữa bệnh nhân và bác sỹ, nhằm giảm nhẹ các triệu chứng gây đau đớn ở người bệnh và cũng bớt áp lực cho bác sỹ.

Thường chúng ta đánh giá y đức của một thầy thuốc dựa trên điều trị bệnh vật lý. Thật ra, đạo đức đối với thầy thuốc đòi hỏi cách tiếp cận toàn diện, bao gồm chăm sóc cơ thể, tâm trí, giao tiếp xã hội và nhu cầu tinh thần. Có thể các bác sỹ vì áp lực điều trị mà quên đi nhiều chi tiết trong lời thề Hipppocrates mà mình đã tuyên thệ khi ra trường. Viết bài này, tôi đã đọc lại toàn bộ các phiên bản khác nhau của lời thề Hipppocrates, trong đó, tôi vô cùng xúc động khi phiên bản gốc của lời thề có ghi: “Tôi sẽ luôn nhớ rằng nghệ thuật của việc chữa bệnh cần sự ấm áp, cảm thông, và sự hiểu biết, điều đó có thể lớn hơn con dao của bác sỹ phẫu thuật hoặc thuốc của người dược sỹ”.

file-20180516-104284-1bwwdgo

Việc chữa bệnh, ngoài con dao phẫu thuật của bác sỹ, viên thuốc của người dược sỹ còn cần thêm sự ấm áp, sẻ chia (ảnh minh họa)

Lời khuyên (hay tư vấn) càng cặn kẽ càng tốt, đó là chiếc phao cứu sinh cho người bệnh. Lời khuyên của bác sỹ có thể gợi lên hy vọng mạnh mẽ về việc chữa khỏi bệnh, có khả năng nâng đỡ cả linh hồn và thể xác. Trong trải nghiệm cá nhân của mình, tôi từng bị một bác sỹ chữa bệnh huyết áp cảnh báo quá mức: “Ông có thể chết bất cứ lúc nào. Ông không thể đi bộ 10 phút, chứ đừng nói 1 tiếng v.v.. và v.v…”. Tôi cảm thấy trong giọng nói của ông vẻ lạnh lùng của cái chết và sau đó, tôi đã rơi vào trầm cảm mất ngủ 2 tháng, chỉ muốn chết. Tôi phải nhập viện vào Bệnh viện Y học dân tộc TP.HCM. Vị giám đốc bệnh viện này, sau khi khám cho tôi, đã nói: “Bạn không hề bị gì, chỉ là lo lắng quá thôi. Bây giờ nếu bạn biết làm nhạc, vẽ hay làm thơ, thì sẽ khỏi”.

Tôi đã in một tập thơ sau đó, khỏi bệnh, thoát chết ở tuổi 49. Bài thơ dưới đây được trích trong tập thơ này:

“Ta cám ơn Người cho ta thở

Trời mưa hay nắng ngoài sân quê

Cánh cửa mùa xuân ai khẽ mở

Blouse thanh thoát giỏi tay nghề

Cám ơn thầy thuốc cho ta nợ

Một nửa đời sau - một cõi về...”

Sự an ủi của thầy thuốc về mặt tâm lý còn lớn hơn nhiều so với tay nghề. Đạo đức người thầy thuốc không chỉ nằm trong tay nghề mà còn trong tâm hồn đầy thấu cảm. Lời thề của Hipppcrates có giá trị muôn đời.

Trong tác phẩm “Thời giải cứu ngành y" (Time to save medicine), bác sỹ Abhijit Naskar nhấn mạnh: “Chúng ta không sống trong một thế giới của vẻ đẹp hoàn hảo và an lành. Sự xấu xí và độc ác có thể xuất hiện trên khuôn mặt thầy thuốc và bệnh nhân khi sự tương tác trở thành bất bình đẳng “.

Y đức: thiếu thời gian, nên luôn bắt đầu lại

Tuy nhiên, những gì bệnh nhân nói và những gì bác sỹ nghe được thường là hai điều rất khác nhau. Vào năm 2012 tôi thường xuyên tái khám về vết mổ ung thư đại tràng tại Bệnh viện Chơ Rẫy. Mỗi lần như thế thường bác sỹ hỏi không quá 3 câu (thuộc dạng câu hỏi mà câu trả lời là “có” hoặc “không” (yes-no” questions) và câu trả lời của tôi chỉ là hoặc “có” hoặc “không”. Sau này vị giáo sư bác sỹ đã trò chuyện với tôi trên truyền hình là trong hơn 30 năm làm việc, điều ông hối tiếc là: “Thiếu thời gian”. Ông chưa bao giờ có thể nói chuyện với bệnh nhân quá 15 phút tại các bệnh viện công. Cho nên khi nghỉ hưu, làm giám đốc y khoa tại một bệnh viện tư, ông lại học hỏi rất nhiều, từ các cuộc trò chuyện với bệnh nhân một cách thoải mái. Những câu chuyện thật tình từ người bệnh giúp cho ông trước hết hiểu được họ và xúc cảm yêu thương tăng lên. Y đức là gì nếu không bắt đầu từ tình yêu thương.

doctor-and-a-patient-having-a-conversation

Y đức bắt đầu tự sự yêu thương, quan tâm, sẻ chia với những lo lắng của người bệnh

Bệnh nhân, lo lắng khi truyền đạt các triệu chứng của họ, nhưng đôi khi vì hoảng loạn, người bệnh không thể nói rõ ràng. Trong khi đó, bác sỹ, chịu áp lực phải làm việc hiệu quả, làm nhiều việc trong khi bệnh nhân thường bỏ sót các yếu tố quan trọng. Thêm vào đó là những định kiến, thành kiến vô thức, những cuộc hội chẩn nhiều tranh biện, nỗi sợ hãi về các vụ kiện và nguy cơ chẩn đoán sai và sai sót y tế nhân lên một cách nguy hiểm, có thể dẫn đến hành vi kém y đức của nhiều bác sỹ và y tá.

Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, có lần tôi đã không kềm chế được khi thấy một nữ bác sỹ trẻ (khá xinh) la mắng một cụ ông trên 80 chỉ vì ông cụ quên tái khám như lịch hẹn. (Nhà ông cụ ở miền Tây, mà năm đó, nếu đi Chợ Rẫy phải đi từ 2 giờ sáng, lấy số và chờ đến ngày hôm sau mới khám được!). Nữ bác sĩ không có trái tim thấu cảm. Tất nhiên chúng ta hiểu sự bực tức của cô ấy, nhưng không thể tha thứ cho việc xúc phạm nhân cách một cụ già. Bạn tôi, một bác sỹ nổi tiếng, hiện nay là chủ tịch một đại học y tư nhân tại Quảng Nam, đã nói: Sinh viên y khoa Việt Nam chúng ta còn phải học rất nhiều về khoa học xã hội nữa, không chỉ là “lời thề Hippocrates”.

Các vụ tiêu cực gần đây, trong tâm chấn đại dịch COVID-19, đã cho thấy y đức đang bị xói mòn và hủy hoại như thế nào, bởi những người cơ hội trong ngành y. Dù cho y khoa đã tiến rất xa trong thế kỷ 21 và những thế kỷ tiếp theo, đây vẫn là “thời phải giải cứu ngành y”, như tựa cuốn sách mới “Time to save medine” của bác sỹ Abhijit Naskar vậy.

Kết thúc bài viết này xin trích một trong những lời thề tốt nghiệp của sinh viên Y khoa Sài Gòn (trước năm 1975): …"Hôm nay chỉ mới là bắt đầu".

Trần Ngọc Châu
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Bạn đọc viết