Số ca mắc sốt xuất huyết tăng, lưu ý dấu hiệu nhận biết bệnh sớm

Số bệnh nhân sốt xuất huyết tại TP.HCM nhập viện gia tăng - Ảnh: TTXVN

Bộ Y tế kiểm tra phòng, chống bệnh sốt xuất huyết ở TP.HCM

Đẩy mạnh truyền thông, phòng chống sốt xuất huyết

Dịch sốt xuất huyết tại TP.HCM chưa "hạ nhiệt", thêm 1 ca tử vong

Tiêu điểm Sức khỏe+ ngày 26/6/2022

Gia tăng số ca sốt xuất huyết

Theo báo cáo của các địa phương, đến hết ngày 24/6, cả nước ghi nhận khoảng 77.000 ca sốt xuất huyết. Con số này tăng khoảng hơn 10.000 ca so với tuần trước đó. Đã có 30 trường hợp tử vong vì sốt xuất huyết.

Riêng tại TP.HCM, theo báo cáo của HCDC (Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM), trong tuần 25, thành phố ghi nhận thêm 2.548 ca bệnh sốt xuất huyết, tăng 31,6% so với trung bình 4 tuần trước. Trong đó, số ca bệnh nội trú là 1.467 ca nội trú và 1.081 ca ngoại trú. Tổng số ca bệnh từ đầu năm đến nay là 18.976, tăng 151,6% so với cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ năm ngoái là 7.542 ca). Cũng trong tuần 25, toàn thành phố ghi nhận 174 ổ dịch sốt xuất huyết mới phát sinh ở 89 phường, xã thuộc 18/22 quận huyện, TP. Thủ Đức, tăng 38 ổ dịch mới so với tuần trước đó.

Sở Y tế TP.HCM nhấn mạnh, hiện nay sốt xuất huyết đang dần vào cao điểm mùa dịch, số ca mắc liên tục tăng cao, sở này khuyến cáo các phòng khám tư nhân, các tuyến điều trị tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn chẩn đoán, điều trị, theo dõi chuyển tuyến kịp thời, an toàn các trường hợp mắc sốt xuất huyết.

Trước đó, ngày 20/6, TP.HCM đổi tên cơ quan phòng chống COVID-19 tại các quận, huyện thành Ban chỉ đạo phòng chống dịch, tập trung vào sốt xuất huyết.

Triệu chứng phân biệt sốt xuất huyết với COVID-19

Sốt xuất huyết và COVID-19 đều là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch do virus. Hai bệnh tuy triệu chứng ban đầu giống nhau nhưng có những điểm đặc trưng riêng về yếu tố dịch tễ, đường lây truyền cũng như bệnh cảnh.

Phần lớn người mắc sốt xuất huyết và COVID-19 đều có biểu hiện nhẹ và có thể tự phục hồi tại nhà. Các triệu chứng thường kéo dài vài ngày và giảm dần sau một tuần. Tuy nhiên, cả 2 bệnh cũng có thể gây triệu chứng nặng, thậm chí nguy cơ tử vong. Bất kỳ ai ở mọi lứa tuổi đều có thể bị bệnh sốt xuất huyết nặng và nhiễm COVID-19 nặng. Người mắc các bệnh mạn tính như: Bệnh tim, đái tháo đường, béo phì... là đối tượng nguy cơ cao.

Theo ThS.BS Nguyễn Hữu Hiếu - Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ trên Báo Sức khỏe & Đời sống, sốt xuất huyết và COVID-19 khi khởi phát thường có những biểu hiện tương đối giống nhau và dễ gây nhầm lẫn (sốt, đau đầu, mỏi người, ớn lạnh), tuy nhiên khác nhau ở các triệu chứng đi kèm và diễn biến của sốt.

 

Triệu chứng của sốt xuất huyết

- Sốt cao đột ngột, liên tục từ 39 - 40 độ C trong 2 - 7 ngày liền.

- Chán ăn, mệt mỏi, nhức đầu, đau cơ, đau bụng.

- Ban xung huyết và/ hoặc xuất huyết dưới dạng chấm rải rác trên da hoặc bầm chỗ tiêm, chảy máu cam, nôn ra máu.

 

Triệu chứng của COVID-19:

- Sốt (≥ 37,5 độ C), ở trẻ em khởi phát thường sốt cao (≥ 38,5 độ C) trong 2 ngày đầu sau đó tự hết sốt.

- Đau đầu, đau họng, đau cơ hoặc đau cả người.

- Cảm giác ớn lạnh, mệt mỏi.

- Ho, hụt hơi hoặc khó thở.

- Mất vị giác hoặc khứu giác.

- Ngạt mũi hoặc chảy nước mũi.

- Các triệu chứng tiêu hóa: Buồn nôn hoặc nôn mửa, tiêu chảy, đau bụng

Hiện nay, dịch COVID-19 vẫn đang lưu hành khiến cho nhiều người nhầm lẫn giữa COVID-19 và sốt xuất huyết. Chính vì vậy, người dân cần nắm rõ các triệu chứng của từng bệnh. Khi xuất hiện các dấu hiệu nêu trên cần đến bệnh viện gần nhất để thăm khám và có phương pháp điều trị kịp thời.

Phòng ngừa sốt xuất huyết

Vừa qua, Bộ Y tế đã liên tục có các văn bản chỉ đạo về chuyên môn cũng như đề nghị các địa phương phải nỗ lực phòng chống dịch sốt xuất huyết.  Đồng thời, Bộ Y tế đã lập 7 đoàn kiểm tra chỉ đạo công tác phòng chống sốt xuất huyết tại các tỉnh/ thành phố trọng điểm trong tháng 6 - tháng 7 năm 2022.

Để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, Bộ Y tế kêu gọi người dân mỗi tuần hãy dành 10 phút để diệt bọ gậy/lăng quăng và thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:

1. Kiểm tra, phát hiện và diệt lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt bằng cách thường xuyên thau rửa, đậy nắp kín bể và các vật dụng chứa nước, thả cá để tiêu diệt lăng quăng.

2. Thường xuyên thay nước ở các lọ hoa, thả muối hoặc hóa chất diệt bọ gậy vào bát nước kê chân chạn, bể cảnh, hòn non bộ, khay nước thải tủ lạnh...

3. Loại bỏ các vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên, lật úp các vật dụng có thể chứa nước không sử dụng, để không cho muỗi đẻ trứng.

4. Ngủ màn phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày, mặc quần áo dài tay, dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện muỗi... để diệt muỗi và phòng muỗi đốt.

5. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các chiến dịch diệt bọ gậy/lăng quăng và các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

6. Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà./

 
Lê Tuyết (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Bệnh lây nhiễm