TS.Phan Quốc Kinh - Viện trưởng đầu tiên của Viện Thực phẩm chức năng (VIDS)
Chuyên gia chỉ ra những sai lầm khi uống và giải rượu ngày Tết nhiều người mắc
Trẻ bị tiêu chảy trong ngày Tết phải làm sao?
Vai trò của VAFF trong sự phát triển của ngành thực phẩm chức năng Việt Nam
Viện Thực phẩm chức năng đã làm được những gì trong năm 2016?
TS. Phan Quốc Kinh không chỉ thuần túy là một nhà khoa học nghiên cứu, mà nhiều công trình xuất sắc của ông đã được ứng dụng trên thực tế để sản xuất ra rất nhiều sản phẩm thuốc và thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ cây cỏ, động vật Việt Nam, góp phần đáp ứng nhu cầu bảo vệ và nâng cao sức khỏe người Việt.
Một trong những thành quả là các thuốc dập dịch lỵ trong những năm đầu thập kỷ 70 của thế kỷ 20. Những viên thuốc giản dị được bào chế hoàn toàn từ những cây dược liệu Việt Nam đã cứu thoát hàng trăm ngàn người tại thời điểm ấy có tên là Berberine và Codanxit mà cho đến tận bây giờ, Berberine vẫn là thuốc không thể thiếu trong các tủ thuốc gia đình Việt Nam.
TS.Phan Quốc Kinh - Viện trưởng đầu tiên của Viện thực phẩm chức năng (VIDS)
Chuyện của những viên thuốc dập dịch lỵ
Những năm 1970, trong khi chiến tranh chống Mỹ cứu nước đang diễn ra ác liệt thì dịch lỵ cũng hoành hành rất nguy hiểm ở miền Bắc nước ta. Các kho thuốc đều không còn thuốc chữa lỵ, và cả các thuốc khác nữa. Miền Bắc bị bao vây nên cũng không thể nhập được thuốc từ nước ngoài. Trong bối cảnh đó, GS. Tôn Thất Tùng – Nhà khoa học nổi tiếng ngành Y cũng đã cho biết rằng bệnh viện của ông (Bệnh viện Việt Đức) không còn thuốc điều trị bệnh lỵ. GS. Hồ Đắc Di - Nhà khoa học Y khoa nổi tiếng khác của Việt Nam – trong một buổi chủ trì hội nghị các nhà khoa học Y học đã đặt vấn đề là phải tạo ra nguồn thuốc mới. Mọi người đều thống nhất như vậy nhưng ai sẽ làm và làm từ nguyên liệu gì? Cuộc họp im ắng và rất ngạc nhiên khi DS. Phan Quốc Kinh – Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học của trường Đại học Dược Hà Nội đứng lên xin đề nghị được đảm nhiệm việc cung cấp thuốc từ cây cỏ Việt Nam. GS. Hồ Đắc Di hỏi: “Như vậy là tốt, nhưng thuốc của các anh làm ra có chất lượng cao bằng thuốc của Châu Âu hay không?” DS. Kinh bình tĩnh trả lời: “Thưa thầy, nếu thuốc của phương Tây là gạo tám thơm thì thuốc em dự định làm ra chỉ là bột ngô, nhưng trong điều kiện này, với rất nhiều người bệnh, thì có được giống bột ngô là tốt lắm rồi!”. Trước câu trả lời quyết đoán nhưng cũng rất tế nhị này, hội nghị đi đến quyết định giao cho DS. Kinh bằng mọi cách nhanh chóng sản xuất thuốc dập dịch lỵ.
Một điều bất ngờ là GS. Tôn Thất Tùng – Bệnh viện Việt Đức phát biểu là giáo sư sẽ tạo mọi điều kiện để cho trường Đại học Dược Hà Nội nghiên cứu triển khai và GS sẽ đích thân mình xác định hoạt tính chống bệnh lỵ của các sản phẩm đó. Sau 3 tháng, với sự nỗ lực của nhóm các nhà khoa học trường Đại học Dược Hà Nội, trường Đại học Y Hà Nội, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương,… DS. Phan Quốc Kinh đã nghiên cứu tạo ra 2 loại thuốc là Berberin (chiết xuất từ Hoàng liên gai, hoàng bá) và Codanxit (chiết từ cây hoằng đằng và cỏ sữa lá lớn). Các thuốc này đã được Viện vệ sinh dịch tế Trung ương - Bộ môn ký sinh trùng – trường Đại học Y Hà Nội xác định là có tác dụng chống lại các vi khuẩn gây bệnh lỵ (dịch lỵ) và chống lại amip gây dịch lỵ.
Sau khi thử độc tính xác định độ an toàn của các loại thuốc, đích thân GS. Tôn Thất Tùng đã sử dụng cho bệnh nhân ở Bệnh viện Việt Đức và xác định thuốc có tác dụng tốt. GS. Tôn Thất Tùng cũng cho biết: Chính bản thân đã dùng các thuốc này và kết quả tốt. Ngay lập tức, 2 loại thuốc trên đã được sản xuất ở quy mô rộng để đáp ứng nhu cầu cấp thiết lúc bấy giờ. Trên thực tế, các thuốc này đã có tác dụng dập tắt dịch lỵ.
Thật bất ngờ, DS. Kinh nhận được thư của GS.BS Nguyễn Văn Hưởng – Bộ trưởng Bộ Y tế thời bấy giờ và là Nguyên Viện trưởng đầu tiên của Viện Nghiên cứu Y học cổ truyền Việt Nam cho biết: Bản thân giáo sư cũng đã dùng và đề nghị cung cấp một lượng thuốc để phục vụ đoàn cán bộ cao cấp ngành Y tế chuẩn bị vào miền Nam.
TS.Phan Quốc Kinh là nhà nghiên cứu ra thuốc Berberine và Codanxit
Can đảm và chính xác trong phản biện khoa học
Một công trình rất có ý nghĩa của DS. Phan Quốc Kinh cùng các cộng sự ở Viện nghiên cứu cây thuốc toàn Liên bang Xô Viết để xác định sai lầm của các nhà khoa học Nhật Bản về cấu tạo hóa học của Alkaloid chính của củ bình vôi Việt Nam. Các nhà khoa học Nhật Bản đã xác định cấu trúc 3 vòng của Rotundin chiết xuất từ củ bình vôi. Trong cuốn sinh khoa Dược nổi tiếng: Các Alkaloid, đã dành cả một chương để trình bày về cấu trúc hóa học của Rotundin. Thế nhưng, DS. Phan Quốc Kinh và cộng sự đã chứng minh hoạt chất chính của củ bình vôi Việt Nam là tetrahydropalmatin với cấu trúc 4 vòng, khác với kết quả trước đó của các nhà khoa học Nhật Bản. Sau đó, các nhà khoa học Nhật Bản đã thừa nhận kết quả nghiên cứu của họ chưa chính xác. Đây là một sai sót lớn nhất trong lĩnh vực nghiên cứu cấu tạo hóa học các chất Alkaloid.
Ông có nhiều công trình nghiên cứu xuất sắc trong ngành Dược và Thực phẩm chức năng
Cũng trong năm đầu thập kỷ 70 của thế kỷ 20, các bệnh viện tâm thần cũng hết sạch thuốc để dùng cho bệnh nhân. BS. Phạm Văn Đoàn – Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương đề nghị Xí nghiệp Dược phẩm Trung ương 2 và DS. Kinh sản xuất thuốc an thần gây ngủ. Thuốc Sen vông do nhóm các nhà khoa học nghiên cứu có chứa hoạt chất của bình vôi, cao lá sen (có chứa Nuciferin) và cao lá vông có tác dụng an thần gây ngủ và được sản xuất ở quy mô lớn. Cho đến nay, viên Sen vông vẫn được sử dụng rộng rãi ở trong nước và được xuất sang một số nước khác.
Trong trường hợp này, lại có một điều lý thú nữa, đó là DS. Phan Quốc Kinh cùng nhóm nghiên cứu cũng là nhóm lần đầu tiên trên thế giới xác định Nuciferin có tác dụng an thần. Trước đó, chưa hề có một công bố khoa học nào trên thế giới về vấn đề này.
Trong suốt quãng thời gian cống hiến cho nền Y Dược học nước nhà, được Bộ Y tế tạo mọi điều kiện, TS. Phan Quốc Kinh và các cộng sự đã nghiên cứu đưa vào sản xuất gần 20 loại thuốc từ nguyên liệu Việt Nam. Trong đó, có những loại thuốc độc đáo dựa trên cơ sở phát huy kinh nghiệm Dược học cổ truyền Việt Nam như: Các Saponin từ rau má có tác dụng làm mau lành vết thương. Trong vụ ném bom của Mỹ vào năm 1972, một thành viên của Đại sứ Quán Pháp ở Hà Nội bị thương đã được GS. Tôn Thất Tùng điều trị bằng Ramasol chứa saponin của rau má và có tác dụng tốt. Để kiểm tra chất lượng, GS.Tôn Thất Tùng đã gửi sản phẩm Ramasol sang Pháp cho công ty dược phẩm sản xuất sản phẩm tương đương là Madecassol từ rau má ở Madagascar. Giám đốc Công ty Dược phẩm của Pháp đã xác nhận với GS. Tôn Thất Tùng là Ramasol có các hoạt chất tương tự Madecassol.
Con đường nghiên cứu của TS. Phan Quốc Kinh là trên cơ sở khoa học hiện đại, bằng các phương tiện, máy móc hiện đại, xác định các hoạt chất sinh học từ cây cỏ và động vật Việt Nam. Từ nghiên cứu của TS. Phan Quốc Kinh, thuốc Rheumatin có tác dụng điều trị xương khớp có chứa cao rắn biển được sử dụng rộng rãi trong nước và xuất khẩu, và đây cũng là lần đầu tiên trên thế giới, cao rắn biển được dùng để sản xuất thuốc chữa bệnh.
TS. Phan Quốc Kinh cũng đã xác định các hoạt chất có hoạt tính sinh học của tật lê Việt Nam. Từ đó, sản xuất thuốc Tribelus chứa các hoạt chất từ tật lê được sử dụng có tác dụng tăng sinh lực, chống lão hóa, cũng được sử dụng trong nước và xuất khẩu. Việc nghiên cứu các thành phần hóa học và cấu trúc hóa học của các cây cỏ và động vật Việt Nam được tiến hành ở phòng thí nghiệm trong nước kết hợp với sự giúp đỡ của các nhà khoa học hàng đầu thế giới trong lĩnh vực nghiên cứu hóa dược có nguồn gốc thiên nhiên ở Liên Xô, ở Hà Lan, ở Anh và các phát hiện mới đều được kiểm tra lại ở các phòng thí nghiệm hiện đại nhất ở các quốc gia này.
TS. Kinh là còn là nhà phản biện khoa học chính xác về một số đề tài nghiên cứu dược phẩm ở trong nước, như đề tài nghiên cứu điều chế các prostaglandin từ san hô mềm, các thuốc cai nghiện ma túy từ dược liệu. Cho dù phải chịu sức ép khi nói lên sự thật là các đề tài trên không có hiệu quả. Thời gian và thực tế đã chứng minh những phản biện đó là đúng và hữu ích.
Xem thêm thông tin về TS. Phan Quốc Kinh TẠI ĐÂY
Bình luận của bạn