Empty
Empty

Để thực thi luật, Chính phủ Hàn Quốc có kế hoạch triển khai các gói hỗ trợ những người hoạt động trong lĩnh vực liên quan, gồm các trang trại nuôi chó lấy thịt và các nhà hàng bán thịt chó.

Theo Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Nông thôn Hàn Quốc (MAFRA), 5.625 doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi luật này đủ điều kiện được nhà nước hỗ trợ. Theo đó, MAFRA bồi thường số tiền tương đương giá trị tài sản liên quan các trang trại nuôi chó hoặc lò giết mổ. Chi phí phá dỡ cơ sở cũng được tính đến, sẽ được công bố sớm nhất là vào cuối tháng 8 này.

Với các nhà phân phối sản phẩm thịt chó hoặc chủ nhà hàng, Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc (MFDS) sẽ bồi thường chi phí đóng cửa nếu được Chính phủ chấp thuận. Những người chăn nuôi chó muốn chuyển đổi hoạt động kinh doanh có thể được nhà nước hỗ trợ tư vấn, đào tạo để cải tạo cơ sở kinh doanh.

Việc thực thi Luật sẽ do một Ủy ban chuyên trách, gồm đại diện chính phủ, người chăn nuôi chó, những người ủng hộ quyền động vật và các chuyên gia, cùng phối hợp thực hiện. Và đến tháng 2/2027, sau 2,5 năm Luật chính thức có hiệu lực, người giết chó để lấy thịt phải đối mặt với án tù lên tới 3 năm hoặc khoản tiền phạt 30 triệu won (21.800 USD), trong khi người nuôi chó để lấy thịt hoặc bán thịt chó bị phạt tới 2 năm tù hoặc bị phạt 20 triệu won.

Ngay từ khi Hàn Quốc đưa ra dự thảo Luật về cấm nuôi chó giết thịt cũng như phân phối và bán thịt chó hoặc các thực phẩm có thành phần là thịt chó, cộng đồng mạng Việt Nam đã “dậy sóng”. Rất nhiều ý kiến bàn thảo về vấn đề này được đưa ra, nhưng phần nhiều các ý kiến cho rằng, đó là quyền lựa chọn của mỗi người.

Empty

Sau khi Hàn Quốc chính thức ban hành Luật, không ít độc giả Việt Nam lại đã đưa ra ý kiến.

Ví như độc giả Đình Huy đã viết:

Đã từng có một thời gian dài, dân ta nhà nhà ăn, người người ăn thịt chó. Ở miền Bắc, các quán thịt chó nổi lên khắp nơi như trăm hoa đua nở, với cái tên mĩ miều mời gọi: "Cầy tơ 7 món, 9 món..." Thậm chí chỉ quanh Hà Nội đã từng có cả một "Liên hiệp thịt chó" ở Nhật Tân cho người ăn, làng chuyên mổ chó ở Hoài Đức và cả một tuyến đường bán thịt chó ở Thanh Oai...

Thịt chó, dù là món ăn bình thường, ăn theo chuyên đề (chuyên thịt chó) nhưng người ta vẫn coi món đó là "đặc sản". Khi vui, họ rủ nhau đi ăn thịt chó vì "khoái khẩu"; khi buồn, gặp chuyện đen, sui hay cuối tháng thì họ rủ nhau đi ăn thịt chó để "giải đen"! Và, chó có lẽ là con vật mà thịt được người ta đầu tư chế biến cầu kì thành nhiều món ăn nhất: từ 5, 7 đến 9 món...

Còn nhớ xưa, cuối tháng anh em hay rủ nhau đi ăn thịt chó lông vàng, chỉ dưới 1 yến, thui rơm nếp như một vài quán "cực chuẩn" ở Hàng Hương, Tuấn chó ở thị trấn Phùng... Còn ở quê tôi ( tác giả Huy Đình) với chiều dài cái phố Chợ chỉ hơn 100 mét đã có hàng chục quán thịt chó. Khi có việc hiếu hỉ, cỗ bàn người ta vẫn hay bày thêm một đĩa thịt chó "đặc sản".

Có nhiều người nghiền ăn thịt và tiết canh chó. Còn nhớ, trước đây ở cơ quan có một ông lãnh đạo nghiền thịt chó: mỗi tuần ít nhất phải ăn 1 - 2 bữa. Ông ăn cả vào ngày đầu tháng, mùng Một, Rằm... mà chẳng kiêng khem gì cả!

Còn nhớ một chuyện mời khách Tây ăn thịt chó: có một cơ quan tiếp đối tác Anh, Đức, Pháp... Sau khi làm việc xong, được khách yêu cầu cho đi ăn một món "đặc sản, ngon và lạ". Các ông nhà ta nghĩ ngay đến thịt chó và đưa họ đi ăn "thịt cầy 9 món". Lạ miệng, mấy ông khách Tây ăn thấy ngon quá, hỏi thịt gì - quân ta trả lời: "Thịt hươu thềm". Hỏi: "sao lại gọi là 'Hươu Thềm'? Trả lời: "Thịt con hươu sống ở trong rừng gọi là Hươu. Còn con này nuôi thả ở nhà nên gọi là Hươu Thềm". Từ đó, hễ sang Việt Nam là họ lại đòi đi ăn món "Hươu Thềm".

Empty

Hiện nay, ngày càng ít người ăn thịt chó, có lẽ vì nhiều lí do. Thứ nhất, do thịt chó quá nhiều đạm nên mọi người tránh ăn. Xưa thiếu đói người ta thích được ăn một bữa thịt cho "đã mồm" nên hay đi ăn thịt chó. Nay đời sống khá hơn, mọi người chú ý đến ẩm thực và sức khỏe hơn - thịt chó ít được lựa chọn. Thứ nữa, thịt chó có mùi hôi lại ăn kèm với các loại rau và gia vị nặng mùi nên nhiều người không thích... Yếu tố vệ sinh an toàn thực phẩm cũng là một yếu tố mà nhiều người cân nhắc khi ăn thịt chó.

Còn về tâm linh, dân gian luôn quan niệm chó là con vật thân thiện gần gũi, trung thành và mang lại may mắn cho người nuôi nó. Khi con chó bị chết, người nuôi thường không làm thịt ăn mà đem đi chôn cất tử tế.

Nhiều người làm nghề thịt chó, bán thịt chó sợ bị "hạn sát sinh" vận vào thân nên đã bỏ nghề... Ví dụ như ở làng Cao Xá Hạ, xã Đức Giang, huyện Hoài Đức, Hà Nội là ngôi làng giết mổ chó lớn nhất nhì miền Bắc. Có thời điểm, làng này nhập những chuyến hàng vài chục tấn chó mua từ Lào, Campuchia về thịt và tiêu thụ hàng chục tấn thịt chó mỗi ngày. Nhưng nay, đa số người dân cũng đã bỏ nghề "sát sinh" này, chuyển sang làm nghề khác cho thanh thản và "để phúc cho con cháu". Lí do "Liên hiệp thịt chó Nhật Tân", Hà Nội tự giải thể cũng tương tự như vậy!

Empty

Sự tuyên truyền vận động không ăn thịt chó của chính quyền và những tổ chức, hội bảo vệ động vật... hay các quốc gia, vùng lãnh thổ ở Châu Á như Hồng Kông, Philippines, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore, Thái Lan đã có lệnh cấm tiêu thụ thịt chó từ nhiều năm trước. Còn tại châu Âu, các quốc gia có luật bảo vệ khi có người đánh đập, làm tổn hại đến quyền được sống của chúng...

Empty

Bài viết là chia sẻ của một người châu Âu về món ăn mà cô ấy đã ăn khi ở Hàn Quốc. Thịt chó – hay chính xác hơn là món Bosintang – món thịt chó hầm, gây tranh cãi ngay cả ở Hàn Quốc. Cô viết:

Empty

Những ngày sống ở quốc gia này, tôi biết được, thịt chó đã được người Hàn Quốc coi như món ăn từ hàng trăm năm nay. Trong thời kỳ Triều đại Joseon - triều đại cai trị bán đảo Hàn Quốc từ năm 1392 đến năm 1910, thịt chó là một món ngon nhưng không được tiêu thụ rộng rãi. Trong những thế kỷ gần đây, khi thịt bò và thịt lợn trở nên đắt đỏ hơn, người dân nông thôn phải tìm kiếm nguồn protein khác. Thịt chó trở thành lựa chọn được mọi tầng lớp xã hội ưa chuộng. Các món ăn từ chó dần trở nên quen thuộc như Gae suyuk - thịt chó luộc, Gaegogi muchim - thịt chó hấp với tỏi tây và rau, Gaesoju - nước dinh dưỡng được chế biến từ thịt chó với gừng, hạt dẻ, táo tàu và nhiều loại gia vị nấu trong nồi áp suất lớn trong nhiều giờ rồi ép lấy nước. Nhưng nổi tiếng nhất là món Bosintang - thịt chó hầm. Bosintang được coi là nguồn cung cấp năng lượng trong mùa đông khắc nghiệt hay những ngày hè nóng nực cho người Hàn Quốc. Và Bosingtang đã phát triển từ một món ăn thành một món ăn truyền thống và tự hào của từng vùng. Công thức nấu ăn được truyền lại cẩn thận qua nhiều thế hệ. Đây là món mà tôi đã ăn.

Tôi muốn thử ăn thịt chó nhưng tôi không thuyết phục được ai đi ăn cùng mình. Người bạn Hàn Quốc và đồng nghiệp thân thiết nhất của tôi nói cô ấy không ăn thịt chó nhưng sẽ giúp tôi tìm một nhà hàng. Tôi biết rằng điều đó không dễ dàng, vì nhiều nhà hàng chỉ bán thịt chó một cách bí mật kể từ khi Seoul đăng cai Thế vận hội Mùa hè năm 1988.

Việc Hàn Quốc đăng cai Thế vận hội đã là cơ hội để các nhóm bảo vệ quyền động vật quốc tế lên tiếng phản đối việc ăn thịt chó. Đã có những phản ứng trái chiều. Nhưng trong nỗ lực xoa dịu, Chính phủ Hàn Quốc đã áp đặt một số hạn chế: không được bán thịt chó ở trung tâm thành phố Seoul nữa. Tuy nhiên, chính điều này đã thúc đẩy một số người Hàn Quốc, những người thực sự bắt đầu ăn thịt chó nhiều hơn. Thịt chó trở thành biểu tượng của sự phục hồi văn hóa.

Để tuân thủ luật pháp, các nhà hàng bắt đầu loại món thịt chó hầm ra khỏi thực đơn, nhưng không phải ra khỏi bếp. Đó là cách bạn tôi mô tả với tôi. Tôi phải biết đi đâu và gọi món như thế nào để có được một bát thịt chó hầm như mong muốn. Và ở nhà hàng, tôi làm theo chỉ dẫn, nhận được bát thịt chó hầm và không ai phàn nàn. Khi nó được đưa đến bàn của tôi, tôi phải thừa nhận rằng nó trông rất ngon.

Khi tôi cắn miếng đầu tiên, nó cũng ngon. Giống như thịt bò, mềm và dai. Tôi có thể ngửi thấy mùi chó, chắc chắn rồi, nhưng không nồng bằng mùi của các thành phần hầm khác thoang thoảng bay vào mũi tôi. Tôi ăn cho đến khi no bụng.

Thực hành ăn thịt chó ở Hàn Quốc rất phức tạp. Theo Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Nông thôn Hàn Quốc (MAFRA), chó được phân loại là thực phẩm, nhưng không phải là gia súc. Có lẽ vì những định nghĩa mâu thuẫn này, nên ngành công nghiệp thịt chó ít được quản lý. Một số báo cáo chỉ ra rằng chó đã được lai tạo và nuôi dưỡng trong điều kiện vô nhân đạo: lồng không có nước, lồng quá nhỏ đến mức chúng khó có thể di chuyển, lồng mà chúng đứng giữa chính chất thải của mình. Đó là một vấn đề lớn.

Empty

Nếu nói rằng "Người Hàn Quốc ăn thịt chó" là quá chung chung. Sau Thế vận hội mùa hè năm 1988 ở Seoul, các chuẩn mực phương Tây bắt đầu thấm nhuần vào xã hội Hàn Quốc. Món Bosintang - "Súp bổ dưỡng" của con người, đã trở nên nổi tiếng hơn. Thế nhưng, ngày nay, thịt chó dường như chỉ còn phổ biến ở những người cao tuổi ở vùng nông thôn. Một số người nuôi chó lấy thịt cho rằng, với sự sụt giảm số lượng người trẻ ăn thịt chó hiện nay thì tập tục này sẽ tự nhiên biến mất theo thời gian và không cần cấm như vậy.

Còn tôi, tôi đã ăn rất nhiều loại thịt khác nhau trong đời: thịt bò, thịt gà, thịt lợn, thịt hươu, thịt cá, thịt ngựa, thịt bồ câu, thịt thỏ, thịt vịt, thịt tuần lộc, thịt ốc sên, thịt dê… Điều gì khiến việc tôi ăn thịt chó trở nên đáng xấu hổ đến vậy?

Như cách đây rất lâu, khi tôi thừa nhận với bạn bè đại học rằng tôi đã thử thịt chó, họ đã rất kinh hoàng. "Tôi sẽ không bao giờ để bạn đến gần con chó của tôi", một người nói. Và anh ấy có vẻ nghiêm túc. Vì vậy, tôi ngừng nói về nó, cũng ngừng nghĩ tới việc thử lại món ăn ấy, giống như những nhà hàng ở Seoul đã lặng lẽ loại bỏ món này khỏi thực đơn của họ vậy.

Empty

Ở Việt Nam, đã từng có ý kiến đề xuất cấm bán thịt chó ở một số thành phố lớn. Một số thành phố, quận huyện ở thành phố lớn đã cam kết “nói không với thịt chó”. Thế nhưng, như trên đã nói: ăn thịt chó là tập quán của một số vùng miền, quốc gia cho nên việc cấm ăn là khó có thể thực hiện.

Nhiều người nghiền ăn và coi đó là món khoái khẩu "ngon bổ rẻ". Cũng vì lí do tâm linh nhiều người ăn thịt chó vào cuối tháng để "giải đen", hòng mong sang tháng mới gặp may mắn… Thực tế, ngày càng nhiều người trẻ họ không thích và không ăn thịt chó... Số lượng các hàng quán bán thịt chó cũng giảm nhiều. Nhưng, ăn hay không, phụ thuộc vào mỗi người.

Với người viết, đã hàng chục năm nay không thích và rất ít ăn thịt chó.

CÒN BẠN THÌ SAO?

SK+ Thit cho-11
Empty
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Bạn đọc viết