Tỷ lệ tiêm chủng hầu hết vaccine ở Việt Nam chưa đạt tiến độ

Bộ Y tế ban hành Kế hoạch Tiêm chủng mở rộng năm 2025 - Ảnh: Hiệp Nguyễn/Sức Khỏe+.

Kỷ niệm Tuần lễ Tiêm chủng Thế giới và những thành tựu của Việt Nam

Kịp thời cung ứng trở lại các vaccine cho Chương trình Tiêm chủng mở rộng

Phân bổ vaccine DPT-VGB-Hib phục vụ nhu cầu tiêm chủng mở rộng

Giải pháp của Bộ Y tế để giải quyết tình trạng thiếu vaccine tiêm chủng mở rộng

Bộ Y tế vừa ban hành Quyết định số 1987/QĐ-BYT về kế hoạch tiêm chủng mở rộng năm 2025.

Hiện nay, chương trình Tiêm chủng mở rộng đang triển khai tiêm vaccine phòng 11 bệnh truyền nhiễm phổ biến, nguy hiểm gồm: Viêm gan B, lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, bệnh do Haemophilus influenzae type b, sởi, viêm não Nhật Bản B, rubella, tiêu chảy do virus Rota.

Theo thống kê của Bộ Y tế, 5 tháng đầu năm 2024, tỷ lệ tiêm chủng hầu hết các vaccine trong chương trình Tiêm chủng mở rộng chưa đạt tiến độ, chỉ có vaccine phòng Lao, vaccine Sởi và vaccine DPT (Bạch hầu - Ho gà - Uốn ván) đạt tiến độ theo kế hoạch, với tỷ lệ tiêm chủng từ 39% đến 40% trở lên.

Riêng, tỷ lệ tiêm vaccine "5 trong 1" có thành phần bạch hầu và ho gà (DPT- DPT-VGB-Hib 3) cho trẻ 2, 3 và 4 tháng tuổi chỉ đạt 36,8%. Tương tự, tỷ lệ tiêm các vaccine còn lại như phòng viêm gan B sơ sinh trong 24 giờ đầu, vaccine bại liệt (IPV) lần 2, vaccine sởi - rubella... chỉ từ 27% đến 39%.

Kết quả triển khai tiêm chủng 5 tháng đầu năm 2024

Kết quả triển khai tiêm chủng 5 tháng đầu năm 2024

Theo kế hoạch tiêm chủng mở rộng 2025 của Bộ Y tế, với các công việc cần triển khai như: mua sắm vaccine cho tiêm chủng thường xuyên; tiêm chủng bổ sung, tiêm bù, tiêm vét và triển khai vaccine mới trong tiêm chủng mở rộng năm 2025, bao gồm 11 loại vaccine: viêm gan B sơ sinh, lao, bại liệt uống, sởi, sởi - rubella, viêm não Nhật Bản; bạch hầu - ho gà - uốn ván (DPT lúc 4 tuổi); uốn ván - bạch hầu (Td) giảm liều cho trẻ 7 tuổi; uốn ván, rota và DPT-VGB-Hib. Riêng vaccine bại liệt tiêm tiếp nhận viện trợ từ GAVI.

Các tỉnh, thành sẽ tổ chức tiêm vaccine viêm gan B sơ sinh tại các bệnh viện, trạm y tế; tổ chức tiêm chủng cho trẻ có bệnh nền, trẻ cần khám sàng lọc tại bệnh viện; tổ chức tiêm chủng thường xuyên ít nhất 2 lần/tháng, thực hiện tiêm vét ngay trong tháng; triển khai tiêm vét, tiêm bù mũi các vaccine trong tiêm chủng mở rộng cho đối tượng chưa tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đủ mũi.

Đồng thời, duy trì giám sát các bệnh có vaccine trong tiêm chủng mở rộng; điều tra ca bệnh, lấy mẫu bệnh phẩm theo quy định đối với trường hợp liệt mềm cấp, nghi sởi, rubella, chết sơ sinh, nghi uốn ván sơ sinh tại các cơ sở y tế và cộng đồng đạt chỉ tiêu đề ra; lồng ghép giám sát phát hiện các bệnh trong tiêm chủng mở rộng.

Nhu cầu vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng năm 2025 được ước tính trên cơ sở đăng ký nhu cầu của 63 tỉnh/thành phố, số mũi vaccine cần sử dụng là hơn 33 triệu liều. Các loại vaccine sử dụng gồm 12 loại: Viêm gan B sơ sinh, Lao, DPT-VGB-Hib, Bại liệt uống. Bại liệt tiêm, Sởi, Sởi – Rubella, Viêm não Nhật Bản, Uốn ván, Bạch hầu - Ho gà - Uốn ván, Uốn ván - Bạch hầu giảm liều và Rota.

Theo kế hoạch, những đối tượng thuộc nhóm tiêm chủng mở rộng bao gồm: hơn 1,3 triệu trẻ dưới 1 tuổi, hơn 1,2 triệu trẻ 18 tháng tuổi, gần 1,5 triệu trẻ 7 tuổi và hơn 1,2 triệu phụ nữ có thai.

Trong năm 2025, Bộ Y tế đặt mục tiêu cung ứng đầy đủ vaccine và triển khai vaccine mới trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng. Bộ Y tế cũng phấn đấu trong năm 2025, không có ca virus bại liệt hoang dại, 100% huyện đạt tiêu chuẩn loại trừ uốn ván sơ sinh, tỷ lệ mắc sởi dưới 5/100.000 người; tỷ lệ mắc bạch hầu dưới 0,1/100.000 người...

 
Hiệp Nguyễn
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn