Thế giới đang nỗ lực khôi phục tiến trình tiêm chủng trở lại mức trước đại dịch COVID-19 - Ảnh: WHO
Trong đại dịch COVID-19 có hàng chục triệu trẻ "0 liều vaccine"
Tình hình vaccine COVID-19 sau hai năm đại dịch
Vaccine chống ung thư và bệnh tim sẽ có thể ra mắt vào năm 2030
WHO kêu gọi thay đổi hệ thống thực phẩm để cải thiện sức khỏe
Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI), Quỹ Bill & Melinda Gates cùng nhiều đối tác y tế toàn cầu và quốc gia chung tay phối hợp trong nỗ lực đẩy mạnh tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ em bằng việc phát động chiến dịch có tên gọi “The Big Catch-up” - một nỗ lực toàn cầu nhằm tăng mức độ tiêm chủng ở trẻ em lên ít nhất là mức trước đại dịch.
Nỗ lực này nhằm đảo ngược tình trạng sụt giảm tỷ lệ tiêm phòng cho trẻ em được ghi nhận ở hơn 100 quốc gia kể từ khi xảy ra đại dịch COVID-19, do dịch vụ y tế quá tải, các phòng khám đóng cửa và việc xuất nhập khẩu vật tư y tế bị gián đoạn.
Những thách thức đang diễn ra như xung đột, khủng hoảng khí hậu và tình trạng do dự tiêm vaccine cũng góp phần làm giảm tỷ lệ bao phủ vaccine.
Theo WHO, đại dịch đã làm giảm mức độ tiêm chủng thiết yếu trên toàn cầu, tính riêng năm 2021, hơn 25 triệu trẻ em thiếu ít nhất một mũi tiêm chủng, khiến những căn bệnh có thể phòng ngừa như sởi, bạch hầu, bại liệt và sốt da vàng bùng phát nghiêm trọng hơn. "The Big Catch-up" nhằm bảo vệ người dân khỏi các đợt bùng phát có thể phòng ngừa được bằng vaccine, cứu sống trẻ em và củng cố hệ thống y tế quốc gia.
Kế hoạch của WHO và đối tác kêu gọi các quốc gia thể hiện vai trò trong nỗ lực ngăn ngừa sự sụt giảm tiêm chủng ở trẻ em, tập trung đặc biệt vào 20 quốc gia với 3/4 số trẻ chưa được tiêm chủng đầy đủ trong năm 2021.
Dù mức độ bao phủ tiêm chủng toàn cầu đã giảm, thế giới vẫn ghi nhận những tín hiệu đáng tích cực. Các báo cáo cho thấy, hoạt động tiêm chủng thiết yếu tại Ấn Độ đã phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022, trong khi Uganda cũng duy trì tỷ lệ tiêm chủng cao trong thời kỳ đại dịch. Tại Kenya, nỗ lực phối hợp giữa các nhân viên y tế cộng đồng và lãnh đạo địa phương đã cải thiện mức độ tiêm chủng đối với cộng đồng du mục ở phía Bắc.
Để đảm bảo tiến trình tiêm chủng cho trẻ em, các đối tác đang hợp tác với nhiều quốc gia để tăng cường lực lượng chăm sóc sức khỏe, cải thiện dịch vụ y tế, xây dựng niềm tin và nhu cầu về vaccine trong cộng đồng, đồng thời giải quyết những trở ngại trong khôi phục tỷ lệ tiêm chủng.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho hay: "Hàng triệu trẻ em và thanh thiếu niên, đặc biệt là ở các quốc gia có thu nhập thấp, đã bỏ lỡ các đợt tiêm phòng quan trọng. WHO đang hỗ trợ hàng chục quốc gia khôi phục hoạt động tiêm chủng và các dịch vụ y tế thiết yếu khác. Chương trình tiêm chủng mới là ưu tiên hàng đầu. Không một trẻ em nào phải chết vì căn bệnh có thể phòng ngừa được bằng vaccine".
Chiến dịch "The Big Catch-up" đặt mục tiêu nâng mức tiêm chủng ở trẻ em trở lại mức trước đại dịch và vượt xa hơn nữa. Giám đốc điều hành GAVI Seth Berkley nhấn mạnh: "Chúng ta không thể để di chứng của đại dịch hủy hoại nỗ lực bảo vệ trẻ em nhiều năm qua khỏi những căn bệnh chết người, có thể phòng ngừa được".
“Tuần lễ Tiêm chủng Thế giới” được tổ chức hàng năm vào tuần cuối cùng của tháng 4, nhằm thúc đẩy việc sử dụng vaccine để bảo vệ mọi người ở mọi lứa tuổi chống lại bệnh tật. Tiêm chủng giúp cứu sống hàng triệu người mỗi năm và được công nhận là một trong những can thiệp y tế thành công nhất trên thế giới.
Tuần lễ Tiêm chủng Thế giới 2023 (24 - 30/4) có chủ đề “The Big Catch Up – Bắt kịp” được tổ chức với mong muốn hỗ trợ các quốc gia quay trở lại đúng hướng nhằm đảm bảo nhiều người hơn được bảo vệ khỏi các bệnh có thể phòng ngừa được. Chúng ta cần hành động ngay để bù đắp cho hàng triệu trẻ em đã bỏ lỡ cơ hội tiêm vaccine trong đại dịch COVID-19, khôi phục tỷ lệ tiêm chủng thiết yếu ít nhất bằng mức của năm 2019 và tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu để cung cấp dịch vụ tiêm chủng.
Bình luận của bạn