Phát hiện ung thư phổi di căn giai đoạn cuối do thói quen 20 năm

Ung thư phổi nếu được phát hiện sớm có thể chữa khỏi bệnh.

Bỏ thuốc lá ngay hôm nay để giảm nguy cơ đột quỵ

Ngày Thế giới không thuốc lá 2023: Thuốc lá đe dọa an ninh lương thực

Lưu ý khi sử dụng thuốc điều trị bệnh vảy nến

Tìm hiểu về ung thư phổi giai đoạn cuối

Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Medlatec cho biết, mới đây, bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân B.V.V (62 tuổi, ở Hà Nội) đi khám sau một tuần đau tức ngực, ho húng hắng, cảm giác đau tăng khi ho, thi thoảng khạc đờm trắng. Quá trình thăm khám, ông V. cho biết có thói quen hút thuốc lá 20 năm qua, trung bình 2 bao/ngày.

Tại viện, bệnh nhân được chỉ định thực hiện các xét nghiệm cần thiết và chụp CT lồng ngực, siêu âm tuyến giáp, siêu âm ổ bụng. Hình ảnh chụp CT phát hiện nốt ở thùy trên phổi trái với kích thước 12 x 13mm, co kéo nhẹ nhu mô phổi lân cận, đặc biệt ngấm thuốc cản quang mạnh sau khi tiêm. Ngoài ra, có nhiều hạch lớn xung quanh trung thất và khối bất thường ở thượng thận trái kích thước 3,7 x 4,3 cm.

Nhận thấy có dấu hiệu tổn thương nghi ngờ ác tính, các bác sĩ đã cho chỉ định sinh thiết xuyên thành ngực khối ở phổi và khối thượng thận, kèm thêm các xét nghiệm dấu ấn ung thư. Kết quả, xét nghiệm dấu ấn ung thư đều xác định bệnh nhân mắc ung thư phổi giai đoạn IV đã di căn tuyến thượng thận và hạch trung thất.

Cầm tờ giấy báo kết quả như nghe “sét đánh ngang tai”, bệnh nhân bàng hoàng không muốn tin vào sự thật: “Tại sao bệnh có thể tiến triển nhanh như vậy, tôi chỉ mới xuất hiện triệu chứng bất thường từ 1 tuần nay, trước đó cơ thể vẫn hoàn toàn khỏe mạnh”.

Ảnh chụp CT cho thấy khối (đốm trắng khoanh đỏ) ở thùy trên phổi trái bệnh nhân - Ảnh: BVCC

Ảnh chụp CT cho thấy khối (đốm trắng khoanh đỏ) ở thùy trên phổi trái bệnh nhân - Ảnh: BVCC

BSCKI. Phạm Sơn Tùng - Chuyên khoa Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Medlatec cho biết: "Tôi không quá bất ngờ với kết quả này, bởi bệnh nhân có tiền sử hút thuốc lá nhiều năm qua. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư phổi. Căn bệnh này được coi là "sát thủ giết người thầm lặng"' bởi thông thường, chỉ đến giai đoạn cuối bệnh mới xuất hiện biểu hiện lâm sàng".

Theo Tổ chức Ung thư toàn cầu (Globocan) năm 2020, tại Việt Nam có đến hơn 26.000 ca mắc ung thư phổi, hơn 23.000 trường hợp tử vong và 90% bệnh nhân ung thư phổi đều có tiền sử hút thuốc lá.

“Hút thuốc lá có thể gây ung thư phổi”, đó là khẩu hiệu thường thấy trên bao bì các hộp thuốc lá hiện nay. Thế nhưng, khẩu hiệu vẫn nằm yên trên giấy, bỏ đi thói quen hút thuốc hàng ngày là việc gây đánh đố với các “con nghiện” thuốc lá. 

Lý giải nguyên do hút thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư phổi, BSCKI. Phạm Sơn Tùng cho biết: Khói thuốc có chứa tới khoảng 7.000 chất độc hại, trong đó có khoảng 80 chất có khả năng gây ung thư, điển hình là benzopyren, nitrosamine, cadmium, niken… Các chất này xâm nhập vào phổi khiến các tế bào phân chia bất thường và phát triển thành các tế bào ung thư. Do đó, dù là hút thuốc lá chủ động, hay thụ động hít phải khói thuốc đều có thể gây ung thư phổi.

Nhiều nghiên cứu y khoa chỉ ra rằng, nguy cơ ung thư phổi ở những người hút thuốc cao hơn gấp 10 lần so với những người không hút thuốc. Thời gian hút thuốc càng nhiều với tần suất càng lớn, nguy cơ mắc bệnh càng cao.

Trên thực tế, ung thư phổi nếu được phát hiện sớm có thể chữa khỏi bệnh, nếu nhận biết muộn (ở giai đoạn III, IV) tỷ lệ sống trên 5 năm chỉ khoảng 5%. Ở Việt Nam, đây là căn bệnh có tỷ lệ tử vong cao vì thường được phát hiện muộn, bởi bệnh diễn tiến âm thầm, lặng lẽ. Vì vậy, chủ động tầm soát phát hiện bệnh sớm là yếu tố tiên quyết để có thể chiến thắng trong cuộc chiến với ung thư.

Bác sĩ khuyến cáo chủ động tầm soát ung thư phổi định kỳ hàng năm, ngay từ khi chưa xuất hiện triệu chứng, nhất là người tuổi 50-80; đang hút thuốc lá hoặc bỏ thuốc lá trong vòng 15 năm; thường xuyên hít phải khói thuốc; gia đình có người mắc ung thư phổi hoặc tiền sử phơi nhiễm khí Radon (một loại khí phóng xạ xuất hiện tự nhiên, có thể tìm thấy trong môi trường, nhà ở, trường học, nơi làm việc).

 

Năm 2023, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chọn thông điệp “Chúng ta cần thực phẩm, không cần thuốc lá” làm chủ đề cho Ngày Thế giới không thuốc lá (31/5). Qua đó, kêu gọi các quốc gia thúc đẩy hoạt động nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của thuốc lá tới sức khỏe, kinh tế, môi trường, an ninh lương thực và dinh dưỡng; khuyến khích người nông dân chuyển đổi, thay thế cây thuốc lá bằng cây trồng phù hợp; đề cập đến mối liên hệ giữa thuốc lá và đói nghèo; bên cạnh đó kêu gọi người hút bỏ thuốc lá để dành chi cho thực phẩm...

Hiệp Nguyễn
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn