Cấp cứu vì dùng thuốc tránh thai vô tội vạ

Không nên dùng tuỳ tiện thuốc tránh thai

Đàn ông nghĩ gì về việc tránh thai?

Thuốc tránh thai: Nơi phát miễn phí, nơi lại cấm dùng

Trì hoãn kinh nguyệt bằng thuốc tránh thai: Nên hay không?

Có thật uống thuốc tránh thai làm đẹp da?

Bệnh nhân N.T.K.N. (23 tuổi, ở Tiền Giang) mới đây đã phải nhập viện trong tình trạng chân trái đau nhức dữ dội và sưng to. Chị đã điều trị ở cơ sở y tế địa phương nhiều ngày nhưng bệnh không giảm và phải chuyển lên bệnh viện tuyến trên. Các bác sỹ nhận định chị bị cục máu đông gây tắc nghẽn tĩnh mạch chân trái. Hình ảnh chụp cắt lớp mạch máu phổi cũng phát hiện cục máu đông ở cả động mạch phổi hai bên. Tuy nhiên khi tầm soát các yếu tố nguy cơ huyết khối tĩnh mạch như nghề nghiệp, bệnh ác tính, rối loạn đông máu, bất động dài ngày, sau phẫu thuật, béo phì... thì đều bình thường. 

Chị N. cho biết có uống thuốc tránh thai tự mua tại tiệm thuốc gần nhà với giá 10.000 đồng cho 28 viên uống trong một tháng, sau khi uống được vài tháng thì chân có hiện tượng sưng đau. Các bác sỹ cho biết, thuốc tránh thai chị N dùng thuộc thế hệ thứ hai, có chứa levonorgestrel, là nhóm thuốc tránh thai đang được dùng rộng rãi trên thị trường. Không chỉ dùng ngừa tránh thai mà các loại thuốc này này còn được nhiều bạn trẻ dùng một cách tùy tiện để điều trị mụn, làm đẹp da... theo lời truyền miệng.

 Nên tham khảo ý kiến bác sỹ và dược sỹ trước khi sử dụng thuốc tránh thai 

Thuốc tránh thai đặc biệt nguy hiểm với phụ nữ bị chứng đông máu bất thường, có tiền sử viêm tĩnh mạch hay nghẽn mạch phổi. Theo nghiên cứu tại Anh năm 2009, tỉ lệ huyết khối tĩnh mạch sâu ở nhóm dùng thuốc ngừa thai uống tăng gấp 5 lần so với nhóm không dùng thuốc ngừa thai. Sử dụng thuốc ngừa thai uống chứa levonorgestrel làm tăng nguy cơ huyết khối tĩnh mạch gấp 4 lần so với người không dùng, trong khi nguy cơ huyết khối tĩnh mạch đối với nhóm thuốc ngừa thai thế hệ mới hơn có chứa gestodene là 5,6 lần và nhóm desogestrel là 7,3 lần, nhóm cyproterone acetate là 6,8 lần và nhóm drospirenone là 6,3 lần so với nhóm không dùng thuốc ngừa thai. Như vậy, nguy cơ huyết khối tĩnh mạch tương quan thuận với liều estrogen.

Ngoài ra, với phụ nữ trên 35 tuổi có thói quen hút thuốc, người có huyết áp cao, người có hàm lượng cholesterol quá cao, người mắc bệnh đái tháo đường và viêm gan, bệnh nhân ung thư vú hay tử cung… cũng chỉ nên dùng thuốc ngừa thai khi được kiểm tra đều đặn về mặt y học.



Riêng việc dùng thuốc tránh thai để ngừa mụn, đẹp da, theo các chuyên gia y tế, nó có tác dụng trong một số trường hợp bị mụn trứng cá vừa hoặc nặng do vấn đề nội tiết, vì thuốc chứa chất dẫn xuất estrogen - hormone giới tính nữ có tác động tích cực với da. Chất này làm giảm mức độ sản xuất tuyến nhờn trên da, hạn chế tối thiểu sự xuất hiện của mụn. Song việc dùng thuốc loại nào, liều lượng bao nhiêu phải theo đúng chỉ định của bác sĩ. Việc sử dụng không đúng, tùy tiện sẽ gây tai biến cho người dùng thuốc như buồn nôn hoặc có thể phản tác dụng, gây hiện tượng nám, sạm da, tàn nhang… Tốt nhất là đi khám bác sĩ để được chữa trị đúng cách, nếu cần thiết bác sỹ sẽ cho dùng thuốc tránh thai và hướng dẫn dùng an toàn, hiệu quả. Với nam giới thì tuyệt đối không dùng thuốc tránh thai để trị mụn.

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Khỏe đẹp