Vaccine Covaxin vừa được Việt Nam phê duyệt có hiệu quả và hoạt động thế nào?

Vaccine Covaxin là vaccine COVID-19 thứ 9 được cấp phép sử dụng tại Việt Nam.

Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện vaccine COVID-19 của Ấn Độ

ĐBQH: Tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em có ảnh hưởng sức khỏe sinh sản không?

Tại sao tiêm đủ 2 mũi vaccine vẫn mắc COVID-19?

Bộ Y tế yêu cầu làm rõ vụ tiêm nhầm vaccine COVID-19 cho trẻ sơ sinh ở Hà Nội

Theo đó, ngày 10/11, Bộ Y tế vừa phê duyệt có điều kiện vaccine Covaxin của Ấn Độ phục vụ nhu cầu cấp bách phòng chống dịch COVID-19 tại Việt Nam. Đây cũng là loại vaccine thứ 9 được Bộ Y tế Việt Nam phê duyệt sau 8 vaccine trước đó là: AstraZeneca, Pfizer, Janssen, Sputnik V, Moderna, Sinopharm, Hayat-Vax, Abdala.

Covaxin là vaccine COVID-19 dạng bất hoạt, được sản xuất bởi Công ty Bharat Biotech (Ấn Độ) với sự hợp tác của Viện Virus học Quốc gia và Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Ấn Độ.

Theo quyết định của Bộ Y tế, mỗi liều vaccine Covaxin có 0,5 ml chứa 6 mcg kháng nguyên toàn SARS-CoV-2 bất hoạt (chủng NIV-2020-770), bào chế ở dạng hỗn dịch tiêm. Vaccine được đóng gói hộp 16 lọ, mỗi lọ chứa 1 liều, 5 liều, 10 liều và 20 liều; mỗi liều 0,5 ml.

Cơ chế hoạt động và hiệu quả vaccine

Cơ chế hoạt động của vaccine virus bất hoạt - Ảnh: NY Times

Cơ chế hoạt động của vaccine virus bất hoạt - Ảnh: NY Times

Ngày 3/7, hãng Bharat Biotech công bố, vaccine Covaxin có hiệu quả 93,4% đối với những trường hợp mắc COVID-19 biểu hiện triệu chứng nghiêm trọng, trong khi có hiệu quả bảo vệ 63,6% đối với những trường hợp COVID-19 không triệu chứng. Đối với tác dụng ngăn ngừa biến thể Delta, vaccine cũng cho kết quả là 65,2%.

Dữ liệu được Công ty Bharat Biotech phân tích dựa trên thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 với 25.000 tình nguyện viên, tuổi từ 18 đến 98. Trong đó, 2.400 người trên 60 và khoảng 4.500 người có bệnh lý nền.

Theo nhà sản xuất, Covaxin điều chế bằng công nghệ virus bất hoạt, bằng cách đưa virus SARS-CoV-2 đã ngừng hoạt động vào cơ thể để "hướng dẫn" hệ miễn dịch tạo kháng thể chống lại mầm bệnh. Các kháng thể này liên kết với protein virus, đặc biệt là protein S (giúp virus bám vào tế bào người).

Để tạo ra virus bất hoạt, các nhà khoa học sử dụng mẫu virus do Viện Virus học Quốc gia phân lập, vô hiệu hóa chúng bằng hợp chất gọi là beta-propiolactone. Các virus SARS-CoV-2 bất hoạt không thể tái tạo được nữa, nhưng protein của chúng, bao gồm cả các protein S vẫn còn nguyên vẹn. Sau đó, các nhà khoa học trộn virus bất hoạt với lượng nhỏ tá dược, giúp kích thích hệ miễn dịch phản ứng với vaccine.

Vì SARS-CoV-2 trong Covaxin đã chết (bất hoạt), chúng không gây bệnh sau khi tiêm cho người. Khi đi vào cơ thể, chúng sẽ bị "nuốt chửng" bởi các tế bào miễn dịch, gọi là tế bào trình diện kháng nguyên. Tế bào này xé nhỏ virus và hiển thị một số mảnh của virus trên bề mặt.

Tế bào T (sát thủ đặc trị mầm bệnh) có thể giúp phát hiện các phân mảnh, "ghi nhớ" virus và huy động các tế bào khác của hệ miễn dịch đáp ứng vaccine. Một tế bào miễn dịch khác, gọi là tế bào B, cũng gặp phải SARS-CoV-2 bất hoạt. Nó tạo kháng thể nhắm vào protein S, ngăn chặn mầm bệnh xâm nhập các tế bào khác.

Được biết, virus bất hoạt đã được sử dụng trong hơn một thế kỷ. Jonas Salk đã sử dụng chúng để tạo ra vaccine bại liệt vào những năm 1950 và làm tiền đề giúp sản xuất vaccine chống lại các bệnh khác bao gồm bệnh dại và viêm gan A.

Các nước đã phê duyệt vaccine Covaxin và khuyến cáo từ nhà sản xuất

Ngày 3/11, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết đã phê duyệt cho phép sử dụng khẩn cấp vaccine ngừa COVID-19 Covaxin của Ấn Độ. Đây cũng là vaccine ngừa COVID-19 thứ 7 được WHO công nhận, sau các vaccine do các công ty Pfizer-BioNTech, Moderna, AstraZeneca, Johnson & Johnson, Sinovac Biotech và Sinopharm sản xuất. Hiện trên thế giới các quốc gia: Oman, Iran, Philippines, Mauritius, Mexico, Nepal, Zimbabwe cũng đã phê duyệt khẩn cấp vaccine Covaxin.

Theo nhà sản xuất, Covaxin không cần bảo quản ở điều kiện phức tạp, có thể lưu trữ ổn định với nhiệt độ 2-8 độ C trong tủ lạnh y tế thông thường. Người sau khi tiêm vaccine Covaxin có thể gặp phản ứng phụ nhẹ như: đau vùng tiêm, mẩn đỏ, ngứa, phát ban, sốt, nhức đầu, đau người, nôn và buồn nôn. Dựa trên thử nghiệm lâm sàng, các nhà khoa học cho biết trường hợp dị ứng nghiêm trọng rất hiếm khi xảy ra. Hãng vẫn tiếp tục nghiên cứu về những tác dụng phụ tiềm ẩn khác.

 
Hiệp Nguyễn H+ (Theo NY Times)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin