Trong tất cả các khớp, phục hồi chức năng khớp vai sau chấn thương là khó nhất vì tầm vận động quá rộng, nhiều gân cơ tham gia và cần thời gian khá dài sau chấn thương mới có thể trở lại chơi thể thao. Có hai dạng viêm gân khớp vai thường gặp.
Những vùng bị đau khi viêm gân khớp vai
1) Viêm gân chóp xoay
Viêm gân chóp xoay là thường gặp nhất ở vùng vai.
Nhóm gân cơ xoay ở vai gồm bốn gân cơ nằm bọc tròn quanh khớp vai có chức năng làm chắc vai, và giúp ta làm động tác giơ tay lên, đưa tay ra trước, ra sau và xoay vai.
Nhóm gân này rất mỏng nhưng lại rất quan trọng, phụ
trách gần như toàn bộ hoạt động của khớp vai. Do đó, nếu bị viêm sưng nề
sẽ làm đau và giảm hoặc mất vận động của vai, nếu không chữa trị đúng
sẽ trở thành mãn tính rất khó điều trị.
Triệu chứng xảy ra từ từ và thường không nhớ rõ nguyên nhân.
Biểu hiện: đau vùng vai, có thể đau lan lên trên cổ hoặc xuống dưới mặt trước cánh tay. Đau khi thực hiện động tác giơ tay quá đầu phát bóng, xì-mách trong cầu lông, tennis, bóng chuyền, bơi lội... hoặc khi thực hiện động tác ném trong ném lao, bóng ném...
Diễn tiến: nếu không điều trị đúng và kịp thời, đau vai sẽ ngày càng nặng, đau tăng khi vận động và đau cả khi ngủ. Về sau, có lúc đau dữ dội làm không thể cử động được vai. Khi đau vai kéo dài sẽ dẫn đến biến chứng cứng khớp, teo cơ, mất chức năng vận động, gây xáo trộn cuộc sống, suy sụp toàn thân, mất ngủ mãn tính.
Chẩn đoán: bác sĩ chuyên khoa sẽ khám đánh giá, sau đó cho chụp X-quang, siêu âm hay cộng hưởng từ (MRI) để chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây đau vai.
Điều trị: khi bị đau bạn nên ngưng chơi thể thao, chườm đá, tập cử động khớp vai nhẹ nhàng, làm các bài tập kéo giãn.
Nếu bị nặng, bác sĩ sẽ cho uống thuốc kháng viêm giảm đau, mang đai bất động vai hay cho tập vật lý trị liệu.
Trong trường hợp sau một tháng điều trị với các biện pháp trên mà không đỡ, các bác sĩ sẽ dùng phương tiện điều trị hiện đại là phẫu thuật hoặc nội soi khớp vai lấy mô viêm bằng các phương tiện chuyên dùng hoặc dùng sóng radio, là một kỹ thuật tiên tiến đốt hết các mô viêm, giúp gân trở lại bình thường. Sau mổ, tập phục hồi sớm và chơi lại thể thao sau bốn tháng.
2) Viêm đầu dài gân 2 đầu
Biểu hiện: đau mặt trước vai, lan xuống dưới khuỷu.
Nguyên nhân: vận động khớp vai mạnh quá mức, lặp đi lặp lại.
Tăng đột ngột cường độ, tần suất hay thời gian tập hoặc chơi thể thao.
Thường gặp ở các môn cầu lông, tennis, bơi thuyền, golf, bơi lội, thể dục dụng cụ, bóng ném, ném lao...
Chẩn đoán và điều trị: nghỉ ngơi, chườm đá, kháng viêm, vật lý trị liệu. Trong trường hợp nặng, hầu hết đều đáp ứng tốt với chích corticoid vào gân viêm, một số trường hợp phải dùng đến phẫu thuật với sóng radio.
Phòng ngừa: tập mạnh khối cơ vùng vai, thực hiện các bài tập kéo giãn.
Bình luận của bạn