Người dân hiến máu tại Viện huyết học - Truyền máu Trung ương - Ảnh: TVK
Lưu ý trước khi hiến máu: Cần tránh ăn gì?
Người bị bệnh đái tháo đường có hiến máu được không?
Hở van 2 lá có thể khiến máu chảy ngược trong các buồng tim
Nhiều hoạt động hiến máu nhằm khắc phục tình trạng khan hiếm nhóm máu O
Theo Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, thời gian vừa qua, khi dịch COVID-19 được kiểm soát, nhiều cơ quan, đơn vị, trường học đã tích cực đồng hành, tổ chức các ngày hiến máu đạt kết quả cao. Ý thức và tinh thần hiến máu của người dân đã tốt hơn rất nhiều, thể hiện ở số người hiến máu, hiến tiểu cầu đều đặn đến Viện và các điểm hiến máu cố định ngày càng tăng.
Chính nhờ sự hưởng ứng đó mà lượng máu tiếp nhận các tháng gần đây đều đạt trung bình 34.000 đơn vị máu mỗi tháng, tháng 11 này đạt xấp xỉ 39.000 đơn vị máu. Chính vì vậy, từ đầu tháng 11/2022 đến nay, lượng máu dự trữ của Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cũng luôn duy trì ở mức cao, khoảng 17.000 - 18.000 đơn vị máu.
Tuy nhiên, tỷ lệ các nhóm máu trong tổng số máu dự trữ lại có phần mất cân đối. Lượng máu dự trữ nhóm O chỉ luôn duy trì ở mức 38-40%, trong khi tỷ lệ an toàn cần đạt để đáp ứng nhu cầu cấp cứu và điều trị là trên 45%. Đối với nhóm A, tỷ lệ trong kho dự trữ đạt khoảng 25-26%, thực tế chỉ cần khoảng 20%.
Do đó, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương kính mong nhận được sự thông cảm, đồng hành của các cơ quan, đơn vị và người hiến máu. Viện kính mong người có nhóm O tích cực hiến máu và xin phép tạm ngừng tiếp nhận máu nhóm A và B kể từ ngày 2/12 cho đến khi có thông báo tiếp theo.
Trong thời gian tạm ngừng tiếp nhận máu toàn phần, người hiến máu vẫn có thể đăng ký hiến tiểu cầu tại địa chỉ: tieucau.hienmau.vn. Việc đăng ký trước là rất cần thiết với hiến tiểu cầu để người hiến có thể nắm bắt được nhu cầu tiếp nhận và lựa chọn khung giờ hợp lý cho bản thân mình.
Theo số liệu của Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), trong thời gian qua, trung bình, cả nước liên tục ghi nhận thêm khoảng 10.000 ca mắc sốt xuất huyết mới mỗi tuần. Bệnh nhân sốt xuất huyết nếu hạ tiểu cầu quá nhiều có thể bị chảy máu tự nhiên dưới da, chảy máu cam, chân răng, xuất huyết nội tạng… Vì vậy, các cơ sở y tế rất cần sự chung tay, giúp đỡ của cộng đồng để có nguồn tiểu cầu từ người hiến máu tình nguyện để cấp cứu, điều trị cho người bệnh sốt xuất huyết nói riêng và bệnh nhân cần tiểu cầu nói chung.
Bình luận của bạn