Việt Nam đã đi được chặng đường dài trong quá trình chuyển đổi xanh

Tọa đàm về triển vọng năng lượng Việt Nam diễn ra tại Hà Nội sáng 2/6.

Heineken tiếp tục vị thế dẫn đầu về phát triển bền vững ở Việt Nam

Cùng ca sỹ Mỹ Linh sống xanh vì môi trường trong "7 ngày thách thức"

Việt Nam - Đan Mạch hợp tác điều trị bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp

Đan Mạch trao tặng những "Giấc mơ Xanh" cho các bệnh nhi Việt Nam

Đây là lời phát biểu của Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Đan Mạch (DEA) Kristoffer Bottzauw tại Tọa đàm về triển vọng năng lượng Việt Nam và Lễ công bố báo cáo về triển vọng năng lượng Việt Nam 2021.

Chương trình nằm trong chuỗi sự kiện về triển vọng năng lượng Việt Nam do Đại sứ quán Đan Mạch phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức, với mục đích hỗ trợ phát triển ngành năng lượng tại Việt Nam. 

Phát biểu tại lễ công bố báo cáo về triển vọng năng lượng Việt Nam 2021, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết, từ năm 2013, chính phủ Đan Mạch và Việt Nam đã ký hiệp định hợp tác dài hạn trong lĩnh vực năng lượng. Các dự án, chương trình hợp tác với Đan Mạch trong thời gian qua đã đóng góp tích cực vào việc thực hiện các mục tiêu của Việt Nam về đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển ngành năng lượng theo hướng bền vững.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An phát biểu tại lễ công bố

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An phát biểu tại lễ công bố

Theo Thứ trưởng Đặng Hoàng An, Việt Nam đang nỗ lực mạnh mẽ để hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045. Trong bối cảnh đó, dự báo nhu cầu năng lượng và nhu cầu điện của Việt Nam trong những năm tới sẽ tiếp tục tăng nhanh để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế và dân sinh. Đồng thời, cùng với mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng, Việt Nam cũng đang xây dựng Chương trình chuyển đổi năng lượng mạnh mẽ tới năm 2050.

“Tại COP26, Việt Nam đã đưa ra cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, thể hiện quyết tâm của Chính phủ Việt Nam thực hiện các mục tiêu chuyển dịch từ nguồn năng lượng hóa thạch truyền thống sang các nguồn năng lượng xanh, sạch, giảm phát thải khí nhà kính, chống biến đổi khí hậu" - Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Kế thừa sự phát triển mạnh gần đây về phát triển năng lượng tái tạo, Chính phủ Việt Nam đang chỉ đạo tiếp tục tăng mạnh tỷ trọng các nguồn năng lượng tái tạo (thuỷ điện, điện gió trên bờ và ngoài khơi, điện mặt trời, sinh khối), các loại hình năng lượng mới (trong đó có Hydro, amoniac xanh... khi công nghệ được chứng thực) trong cơ cấu nguồn điện quốc gia, đồng thời tăng cường sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, giảm cường độ sử dụng năng lượng của nền kinh tế".

Cũng tại buổi lễ, Tổng giám đốc Cơ quan năng lượng Đan Mạch (DEA) Kristoffer Bottzauw cho biết, Việt Nam đã đi được một chặng đường dài trong quá trình chuyển đổi xanh, như được thể hiện qua cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại COP26.

Ông Kristoffer Bottzauw khẳng định: "Thông qua báo cáo triển vọng năng lượng Việt Nam được xây dựng trên cơ sở hợp tác chặt chẽ với các cơ quan của Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng, chúng tôi mong muốn chia sẻ làm thế nào để đạt được mục tiêu này đúng thời hạn với chi phí thấp nhất có thể vì lợi ích đất nước, người dân và đặc biệt là khí hậu toàn cầu".

Ông Kim Højlund Christensen, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam phát biểu tại buổi lễ

Ông Kim Højlund Christensen, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam phát biểu tại buổi lễ

Ông Kim Højlund Christensen, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam cũng cho biết: “Việt Nam là một đối tác quan trọng của Đan Mạch trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh. Chúng tôi rất vui được chia sẻ với các đối tác Việt Nam các giải pháp, bí quyết và thực tiễn tốt nhất mà Đan Mạch đã có được trong suốt 30 năm qua để hỗ trợ Việt Nam hiện thực hóa tiềm năng to lớn về chuyển đổi xanh và cam kết chống biến đổi khí hậu cũng như đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 một cách hiệu quả và công bằng nhất.”

Báo cáo triển vọng năng lượng Việt Nam (EOR21) trình bày các kịch bản phát triển của hệ thống năng lượng Việt Nam bao gồm kịch bản để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

EOR21 là sản phẩm hợp tác giữa Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo - Bộ Công Thương và Cục Năng lượng Đan Mạch với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Đan Mạch. Tài liệu đưa ra góc nhìn trung và dài hạn về các kịch bản phát triển ngành năng lượng Việt Nam đến năm 2050, cung cấp thông tin cho các nhà hoạch định chính sách và gợi mở các thảo luận về quá trình chuyển đổi xanh.

Toàn cảnh buổi lễ công bố Báo cáo triển vọng năng lượng Việt Nam 2021

Toàn cảnh buổi lễ công bố Báo cáo triển vọng năng lượng Việt Nam 2021

Điểm đặc biệt của EOR21 là đã xem xét kịch bản để Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và nghiên cứu chuyên sâu về chuyển đổi năng lượng trong lĩnh vực giao thông theo đó điện khí hóa ngành giao thông, chuyển đổi nhiên liệu hoá thạch sang nhiên liệu điện phân, và tăng cường phương thức vận tải bằng đường sắt điện khí hoá sẽ giúp giảm đáng kể lượng khí thải carbon và ô nhiễm không khí.

Ngoài ra, Báo cáo cũng cung cấp những thông tin đầu vào cụ thể nhằm hỗ trợ triển khai Quy hoạch phát triển điện quốc gia VIII, Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia của Việt Nam, Chiến lược quốc gia về Biến đổi khí hậu cũng như các kế hoạch và chiến lược khác của Chính phủ. 

Được biết, các phiên bản trước đó đã được ra đời lần lượt vào năm 2017 và 2019. Theo kế hoạch, Báo cáo triển vọng năng lượng sẽ được công bố hai năm một lần, đảm bảo các dữ liệu cập nhật và mô hình mới nhất phù hợp để hỗ trợ hiệu quả việc xây dựng kế hoạch năng lượng dài hạn tại Việt Nam.

 
Hiệp Nguyễn
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn