Cảnh báo nguy cơ trẻ hóc dị vật, các địa phương đẩy nhanh tiêm mũi 3, 4 vaccine

Nhiều trường hợp trẻ nuốt phải dị vật có thể gây nguy hiểm tính mạng nếu không được xử lý kịp thời

Một số biện pháp tự kiểm tra sức khỏe dễ thực hiện tại nhà

Tiêu điểm Sức khỏe+ ngày 1/6/2022

5 sự kiện y tế nổi bật trong tuần

Cứu sống trẻ bị tăng men gan gấp 100 lần do tái nhiễm sốt xuất huyết

Tại cuộc họp trực tuyến với các địa phương kiểm điểm tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhắc các địa phương phải hoàn thành tiêm mũi 3 cho người trên 18 tuổi và tiêm cho trẻ từ 5 – dưới 12 tuổi đủ điều kiện trong quý II/2022. Thứ trưởng cũng yêu cầu triển khai tiêm mũi 4 cho đối tượng: Người từ 50 tuổi trở lên; Người từ 18 tuổi trở lên có suy giảm miễn dịch từ thể vừa đến thể nặng; Người từ 18 tuổi trở lên thuộc nhóm nguy cơ cao phơi nhiễm với COVID-19.

Theo VTV.vn, trong tháng 5, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An đã tiếp nhận và điều trị gần 10 trường hợp trẻ nuốt dị vật đường tiêu hóa, chủ yếu là ở trẻ dưới 5 tuổi. Trong quá trình ăn uống, sinh hoạt, chơi đồ chơi, trẻ vô tình hay cố ý nuốt phải dị vật như đồng xu, pin, ốc vít, que kẹo mút, móc ổ khóa, nhẫn, hạt trái cây… Những dị vật có hình thù sắc nhọn có thể gây chảy máu, thậm chí gây thủng nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng của trẻ. Trong kỳ nghỉ Hè, để tránh nguy cơ hóc dị vật và các tai nạn thương tích ở trẻ, gia đình và người trông trẻ cần thật sự cẩn thận khi cho trẻ ăn, hạn chế đặt vật dễ hóc trong môi trường xung quanh trẻ. Tuyệt đối không tự ý chữa hóc dị vật tại nhà bằng mẹo, cho nuốt thêm thức ăn…

Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long vừa phẫu thuật cứu thành công cho một bệnh nhân 70 tuổi bị tắc động mạch đùi - khoeo chân trái cấp tính do huyết khối, nguy cơ hoại tử chi. Trước đó, bệnh nhân đột ngột đau tê cẳng bàn chân trái, đã điều trị tại phòng mạch tư nhưng không giảm. Người này có bệnh nền suy tim - nhồi máu cơ tim đã đặt stent. Các bác sỹ tiến hành ca mổ kéo dài 1 giờ đồng hồ, lấy ra toàn bộ đoạn huyết khối dài hơn 80cm, tái thông mạch máu chân trái cho bệnh nhân.

Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai đang điều trị cho 2 bệnh nhân mắc sốt rét sau khi về nước từ Angola. PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới cho biết, thời gian gần đây, trung tâm tiếp nhận nhiều bệnh nhân sốt rét do đi từ châu Phi về, nên được gọi là sốt rét "nhập khẩu". Nguyên nhân là do giao thương, đi lại nhiều, sau một thời gian dịch bệnh, việc khôi phục lại các đường bay cho người Việt Nam đi lao động, công tác tại châu Phi, đặc biệt là Angola trở về nước gia tăng. Ông khuyến cáo người dân trở về nước từ vùng dịch tễ có sốt rét cần được khám sàng lọc, điều tra dịch tễ và xét nghiệm ngay xem trong máu có ký sinh trùng sốt rét hay không và cần khai báo y tế với cơ quan chức năng. Khi có biểu hiện sốt cần đi khám ngay để tránh nhầm lẫn và bỏ sót.

Hiện nay, bệnh đậu mùa khỉ đã xuất hiện ở 30 quốc gia trên thế giới, với hơn 550 ca mắc, nghi mắc được ghi nhận. Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo nguy cơ bệnh đậu mùa khỉ lây lan mạnh tại châu Âu và nhiều nơi khác trong mùa Hè này, nhưng cho biết đợt bùng phát này sẽ không trở thành đại dịch toàn cầu. BS. Trương Hữu Khanh - nguyên Trưởng khoa Nhiễm, Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho rằng: "Theo các nghiên cứu cho thấy, vaccine phòng đậu mùa có khả năng chống lại virus gây bệnh đậu mùa khỉ tới 80%. Loại vaccine này đã có từ rất lâu và đa số người dân đều đã được tiêm chủng đầy đủ vậy nên người dân không cần quá lo lắng".

 
Quỳnh Trang (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn