WHO công bố cảnh báo mới nhất về bệnh đậu mùa khỉ

WHO nhận định rủi ro sức khỏe cộng đồng trên toàn cầu của đậu mùa khỉ ở mức trung bình - Ảnh: NatGeo.

TP.HCM xây dựng kịch bản ứng phó bệnh đậu mùa khỉ

Việt Nam giám sát người đến từ 12 quốc gia lưu hành bệnh đậu mùa khỉ

Bệnh đậu mùa khỉ đã lan sang 12 nước, WHO họp khẩn

Bệnh đậu mùa khỉ hiếm gặp đang lây lan ở Châu Âu, Mỹ nguy hiểm thế nào?

Ngày 30/5, một chuyên gia hàng đầu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ hiện tại khó có thể trở thành đại dịch toàn cầu như COVID-19, hãng Reuters đưa tin.

Khi được hỏi liệu đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ ở thời điểm hiện tại có khả năng lan rộng thành đại dịch hay không, trưởng nhóm kỹ thuật của WHO về bệnh đậu mùa khỉ - bà Rosamund Lewis bác bỏ khả năng này.

"Chúng tôi không biết rõ nhưng tình hình có thể sẽ không trở nên tồi tệ như vậy. Hiện tại, chúng tôi không lo ngại về một đại dịch toàn cầu” - bà Lewis trả lời.

Tuy nhiên, giáo sư Isabelle Eckerle từ Trung tâm Geneva về các bệnh virus mới nổi ở Thụy Sĩ cho biết: "Nếu đậu mùa khỉ trở thành dịch bệnh lưu hành, chúng ta cũng sẽ phải đối phó với một căn bệnh khó chịu khác và nhiều quyết định khó thực hiện", theo Reuters.

Ngay từ đầu, đậu mùa khỉ đã được nhận định là không có khả năng bùng phát thành đại dịch như COVID-19 bởi nó khó lây hơn nhiều, song từ một bệnh hiếm gặp trở thành bệnh lưu hành - tức thường xuyên xảy ra, dù trong phạm vi dự báo - vẫn là rắc rối lớn. Các chuyên gia cho rằng cần tránh "lặp lại những sai lầm" đầu dịch COVID-19 (sự phản ứng chậm trễ).

Giám đốc chương trình khẩn cấp về y tế của WHO Mike Ryan nói với Reuters bên lề một cuộc họp ở Geneva (Thụy Sĩ): "Đậu mùa khỉ luôn được xem xét nhưng hiện chưa có ủy ban khẩn cấp nào".

Phát ngôn này liên quan đến việc WHO đang xem xét có nên đánh giá đợt bùng phát đậu mùa khỉ ở hơn 20 quốc gia ngoài Châu Phi vừa qua là một trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng được quốc tế quan tâm (PHEIC) hay không. Các nghiên cứu và tài trợ để ngăn chặn dịch bệnh sẽ được đẩy mạnh nếu một bệnh được coi là PHEIC.

Giáo sư Isabelle Eckerle kêu gọi WHO khuyến khích các quốc gia tăng cường cách ly kiểm dịch ngay cả khi bệnh đậu mùa khỉ không được coi là PHEIC. Bà lo ngại sự chủ quan rằng bệnh nhẹ, vaccine và phương pháp điều trị sẵn có ở một số quốc gia "có khả năng dẫn đến hành vi lười biếng của các cơ quan y tế công cộng".

 

Theo CNN, tính đến ngày 29/5, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã nhận được báo cáo của 257 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ và khoảng 120 trường hợp nghi ngờ tại 23 quốc gia ngoài Châu Phi. Tại Mỹ, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) ghi nhận 12 ca mắc ở 8 tiểu bang.

Ở 5 quốc gia Châu Phi - nơi bệnh đậu mùa khỉ thường được phát hiện - WHO cho biết họ đã nhận được báo cáo về 1.365 ca mắc, 69 trường hợp tử vong. Những ca bệnh này được báo cáo trong nhiều giai đoạn khác nhau từ giữa tháng 12/2021 đến cuối tháng 5/2022.

WHO nhận định rủi ro sức khỏe cộng đồng trên toàn cầu của bệnh đậu mùa khỉ ở mức trung bình. “Bởi đây là lần đầu tiên các trường hợp và cụm dịch được báo cáo đồng thời ở các khu vực địa lý rộng rãi khác nhau, không có mối liên hệ dịch tễ học với những nước Tây hoặc Trung Phi”, WHO giải thích.

Trong bản báo cáo mới, tổ chức này cũng cho biết: "Nguy cơ sức khỏe cộng đồng có thể cao hơn nếu loại virus này lợi dụng cơ hội để tiến hóa thành mầm bệnh lây từ người sang người và lây sang các nhóm có nguy cơ cao như trẻ nhỏ, trường hợp bị ức chế miễn dịch”.

WHO kêu gọi các nhà dịch vụ chăm sóc sức khỏe theo dõi chặt chẽ những triệu chứng có thể xảy ra như phát ban, sốt, sưng hạch bạch huyết, đau đầu, đau lưng, đau cơ và mệt mỏi, đồng thời xét nghiệm với bất kỳ ai có triệu chứng.

Hầu hết trường hợp ban đầu của đợt bùng phát là nam giới quan hệ tình dục đồng giới, nên WHO nhấn mạnh tránh kỳ thị những người bị ảnh hưởng và cộng đồng của họ. Các nhà khoa học cũng đang giải trình tự gene của những mẫu virus từ bệnh nhân trong đợt bùng phát này để tìm hiểu nguồn gốc. Dữ liệu sơ bộ xác nhận bộ gene thuộc chủng virus đậu mùa khỉ ở Tây Phi.

Bệnh đậu mùa khỉ, bệnh đậu mùa người và bệnh đậu mùa bò?

Các mẫu xét nghiệm dán nhãn dương tính với đậu mùa khỉ được chụp ngày 23/5 - Ảnh: China Daily

Các mẫu xét nghiệm dán nhãn "dương tính với đậu mùa khỉ" được chụp ngày 23/5 - Ảnh: China Daily

Theo bác sỹ Trương Hữu Khanh, cố vấn khoa Nhiễm Thần Kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM cho biết, đậu mùa khỉ không phải bệnh mới mà là bệnh hiếm. Sách vở y khoa đã viết từ lâu.

Theo BS Khanh, có 3 loại bệnh đậu mùa bao gồm: Bệnh đậu mùa (do virus đậu mùa trên người), bệnh đậu mùa khỉ (phát hiện ở khỉ đầu tiên) và bệnh đậu mùa bò (một bệnh truyền nhiễm do virus đậu bò gây ra). Cả 3 loại bệnh này có nhiều điểm chung tương tự nhau bởi virus gây bệnh đều thuộc họ Orthopoxvirus, nguồn lây nhiều nhất là loại gậm nhấm, gặp nhiều ở dân Châu Phi và cũng do tiếp xúc với động vật.

BS Khanh cũng cho biết, hiện virus đậu mùa khỉ vẫn chưa lây nhanh qua đường hô hấp, con đường lây nhiễm phổ biến nhất vẫn qua quan hệ tình dục đồng tính nam. Hiện tại chưa có vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ nhưng các dữ liệu y tế cho thấy vaccine phòng bệnh đậu mùa thông thường cũng có hiệu quả phòng bệnh đậu mùa khỉ. "Đa số nhóm người 7x đời đầu trở về trước đã được chích ngừa đậu mùa người. Cho nên ai đã chích đậu mùa người thì sẽ khó bị bệnh này", BS Khanh chia sẻ.

Theo TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, người dân cũng không nên quá lo lắng mà làm các xét nghiệm không cần thiết, thay vào đó nên duy trì thói quen vệ sinh đúng cách và đeo khẩu trang để phòng bệnh.

"Riêng về đậu mùa khỉ thì người dân không nên quá lo lắng. Đây là căn bệnh lây lan chậm, không nhanh như đậu mùa trước đây; hai là triệu chứng không nặng, tỷ lệ tử vong thấp. Tôi cho rằng những biện pháp phòng bệnh như đeo khẩu trang, rửa tay khử khuẩn là hai yếu tố vô cùng quan trọng…", TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh, theo VOV.

 

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) định nghĩa các ca bệnh mắc đậu mùa khỉ cụ thể như sau:

1. Trường hợp nghi ngờ: là người ở mọi lứa tuổi, đang sinh sống tại quốc gia không lưu hành bệnh đậu mùa khỉ, bị phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân và có một hoặc nhiều dấu hiệu, triệu chứng sau kể từ ngày 15 tháng 3 năm 2022: Đau đầu, sốt (> 38,5oC), nổi hạch (sưng hạch bạch huyết), đau cơ, đau lưng, suy nhược.

2. Trường hợp có thể: là trường hợp nghi ngờ và có một hoặc nhiều yếu tố

Dịch tễ: tiếp xúc trực tiếp với người mắc; tiếp xúc vật lý trực tiếp với da hoặc tổn thương da, bao gồm cả quan hệ tình dục; hoặc tiếp xúc với các vật dụng bị ô nhiễm như quần áo, giường hoặc đồ dùng của ca bệnh có thể hoặc xác định mắc bệnh đậu mùa khỉ trong 21 ngày trước khi bắt đầu có triệu chứng; có tiền sử đi du lịch đến các quốc gia có lưu hành bệnh đậu mùa khỉ trong vòng 21 ngày trước khi khởi phát triệu chứng; có nhiều bạn tình trong 21 ngày trước khi xuất hiện triệu chứng; có kết quả xét nghiệm huyết thanh dương tính với virus orthopoxvirus (trong trường hợp chưa tiêm phòng bệnh đậu mùa hoặc chưa tiếp xúc với các chủng vi rút orthopoxvirus đã biết khác); có các triệu chứng nêu trên đến mức phải nhập viện.

3. Trường hợp xác định: là trường hợp nghi ngờ hoặc có thế và có kết quả xét nghiệm Realtime PCR dương tính với virus đậu mùa khỉ.

4. Trường hợp loại trừ: là trường hợp nghi ngờ hoặc có thế nhưng có kết quả xét nghiệm Realtime PCR âm tính với virus đậu mùa khỉ. Theo khuyến cáo của WHO, các trường hợp bị nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ đều phải được điều tra và nếu được chẩn đoán xác định phải cách ly cho đến khi các tổn thương trên da của người mắc khô, bong vảy và lành hẳn.

Hiệp Nguyễn (Theo Reuters/CNN)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin