Nhân viên y tế đang chuẩn bị công tác tiêm chủng vaccine COVID-19 tại Copenhagen, Đan Mạch - Ảnh: Getty Images.
WHO: Omicron có thể là hồi kết của đại dịch ở Châu Âu
Châu Âu "đau đầu" với lệnh phong tỏa khi ác mộng COVID-19 trở lại
Đan Mạch ngừng hẳn tiêm vaccine COVID-19 AstraZeneca
Tại sao Thụy Điển, Đan Mạch ngừng tiêm vaccine Moderna cho người dưới 30 tuổi?
Theo CNBC, ngày 28/4, cơ quan y tế Đan Mạch tuyên bố: “Mùa Xuân đã đến, tỉ lệ bao phủ vaccine trong dân số Đan Mạch cao và dịch bệnh đã được kiểm soát. Do đó, Ủy ban Y tế Quốc gia đang dần kết thúc những chương trình tiêm chủng mở rộng ngừa COVID-19 cho mùa này".
Giới chức y tế Đan Mạch sẽ không mời người dân tiêm vaccine từ ngày 15/5, song, họ vẫn có thể đến các địa điểm tiêm chủng để hoàn thành nốt mũi tiêm của mình.
Chiến dịch tiêm chủng COVID-19 của Đan Mạch bắt đầu ngay sau Giáng sinh năm 2020. Khoảng 4,8 triệu công dân nước này đã được tiêm vaccine COVID-19, với hơn 3,6 triệu người được tiêm nhắc lại. Bên cạnh đó, nhiều người Đan Mạch đã mắc COVID-19 khi biến thể Omicron trở thành chủng virus chiếm ưu thế trên toàn cầu, đồng nghĩa với việc tỉ lệ miễn dịch cộng đồng ở Đan Mạch đang là rất cao.
“Chúng ta đang ở một vị thế tốt. Chúng ta đã kiểm soát tốt đại dịch và có vẻ dịch đang giảm. Tỷ lệ nhập viện vì COVID-19 đã ổn định, sẽ sớm giảm xuống. Bởi thế, chúng ta đang bước vào giai đoạn khép lại chương trình tiêm chủng đại trà”, ông Bolette Soborg, quan chức của Uỷ ban Y tế Quốc gia Đan Mạch, nhận định.
Ông Soborg nhấn mạnh, người dân vẫn có thể tiêm vaccine COVID-19 trong suốt mùa Xuân và mùa Hè nếu muốn và các điểm tiêm chủng sẽ vẫn mở trên toàn quốc. Việc tiêm chủng vẫn được khuyến khích cho người có nguy cơ cao khi mắc COVID-19, chẳng hạn nhóm trên 40 tuổi, phụ nữ mang thai chưa nhận vaccine.
Động thái tạm dừng chương trình tiêm chủng của Đan Mạch diễn ra trong bối cảnh tình hình COVID-19 trên khắp thế giới vẫn còn phức tạp. Châu Âu và Mỹ đã loại bỏ hầu hết hạn chế, song, Trung Quốc vẫn phong tỏa nhiều nơi khi virus SARS-CoV-2 lây lan mạnh ở Thượng Hải, Bắc Kinh.
Tuy nhiên, việc loại bỏ hoàn toàn chương trình tiêm chủng trên thực tế chưa thể thực hiện. Cơ quan Y tế và Dược phẩm Đan Mạch lưu ý, có thể sẽ cần phải tiêm vaccine COVID-19 vào mùa Thu khi virus tiếp tục đột biến.
Hàng loạt biến chủng mới xuất hiện và chúng ta đã bước sang năm thứ 3 của đại dịch. Các biến chủng mới làm suy giảm hiệu quả của vaccine ngừa COVID-19 vốn được bào chế trong thời gian ngắn kỷ lục. Dù vậy, vaccine hiện có vẫn giữ được hiệu quả trong việc ngăn ngừa nhiễm bệnh nặng, nguy cơ nhập viện và tử vong do COVID-19.
Với việc chương trình tiêm chủng có thể sẽ bắt đầu lại sau một vài tháng tới, các chuyên gia y tế của Đan Mạch sẽ xem xét ai nên tiêm vaccine, khi nào nên tiêm và loại vaccine nào nên được sử dụng.
Cơ quan Y tế và Dược phẩm Đan Mạch cho biết sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của dịch bệnh COVID-19 và sẵn sàng kích hoạt lại các chiến dịch tiêm chủng quốc gia bất cứ khi nào nếu người dân có nhu cầu tiêm nhắc lại vaccine COVID-19 trước mùa Thu.
Châu Âu tuyên bố kết thúc giai đoạn khẩn cấp của đại dịch
Cột mốc này đạt được sau khi tỷ lệ nhiễm bệnh và tử vong do đại dịch ở EU giảm dần do sự lây lan của biến thể Omicron, ít độc lực hơn biến thể trước đó và nhờ khả năng miễn dịch của hơn 70% dân số.
Theo Reuters, Ủy ban châu Âu (EC) tuyên bố khu vực này đang dần bước vào giai đoạn hậu đại dịch, chỉ xét nghiệm có mục tiêu và kiểm soát COVID-19 tương tự cúm. Tuyên bố nằm trong dự thảo ứng phó dịch giai đoạn mới do Ủy viên Y tế Stella Kyriakides chuẩn bị, được thông qua vào ngày 28/4.
"Chúng ta đang bước vào giai đoạn mới của đại dịch, khi chuyển từ tình trạng khẩn cấp sang quản lý bền vững hơn dịch COVID-19", Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) Ursula von der Leyen nói.
Trong dự thảo của EC cũng nhấn mạnh, vaccine vẫn cần thiết trong cuộc chiến chống lại COVID-19, EU kêu gọi các nước thành viên tiếp tục đẩy mạnh tiêm chủng cho người chưa tiêm, nhất là trẻ em trước học kỳ mới vào mùa Thu, và tiêm mũi tăng cường.
Ủy ban Châu Âu cũng kêu gọi các nước áp dụng càng sớm càng tốt các hệ thống giám sát tích hợp quanh năm đối với các bệnh hô hấp cấp tính (gồm COVID-19, cúm và các bệnh khác). Ngoài ra, cần đẩy mạnh giám sát các biến thể mới và phòng dịch tái bùng phát.
Tài liệu cũng nói EU "cân nhắc hỗ trợ các dự án nhằm mục tiêu phát triển thuốc kháng virus" và phát triển thế hệ vaccine mới với kỳ vọng giúp bảo vệ tốt và lâu dài hơn.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) quyết định thời điểm bắt đầu và kết thúc đại dịch, một động thái có ý nghĩa pháp lý rộng rãi đối với nhiều ngành bao gồm bảo hiểm và các hãng dược phẩm. Tuy nhiên, WHO vẫn chưa cho rằng đại dịch COVID-19 đã kết thúc.
Trong khi đó, EU cảnh báo rõ ràng "COVID-19 vẫn hiện diện ở đây," có khả năng là sự xuất hiện của các biến thể mới và "sự cảnh giác và chuẩn bị" do đó vẫn cần thiết.
Một số nước thành viên EU đã coi COVID-19 là "bệnh đặc hữu". Hồi tháng 1, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez nói COVID-19 nên được coi như bệnh cúm. Thụy Điển đã dừng xét nghiệm diện rộng và dỡ bỏ hạn chế vào tháng 2, Italia chấm dứt tình trạng khẩn cấp vào hôm 31/3.
Đến nay, hơn 2/3 dân số trưởng thành EU đã tiêm vaccine, nhưng một số nước vẫn có tỉ lệ tiêm chủng thấp, dân số của họ vẫn dễ bị tổn thương. Chẳng hạn trong khi 70% dân số Malta đã tiêm mũi tăng cường thì ở Bulgaria chỉ là 10%.
Bình luận của bạn