Việt Nam đã là cường quốc về dân số, nhưng...

Trao đổi với PV, bà Tô Thị Kim Hoa, phó giám đốc Sở Y tế, chi cục trưởng Chi cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình TP.HCM, nói:


Bà Tô Thị Kim Hoa Ảnh: Minh Mẫn

- Chất lượng dân số là vấn đề quan trọng. Hiện nay về quy mô dân số, Việt Nam là một "cường quốc" nhưng chất lượng dân số chỉ đạt ở mức trung bình so với thế giới.Những nội dung chất lượng dân số cần quan tâm là ý thức của giới trẻ về việc chăm sóc sức khỏe sinh sản chưa cao.

Tuổi thọ bình quân của người Việt Nam hiện là 73 nhưng tuổi thọ khỏe mạnh chỉ là 62.

Những bạn trẻ sắp kết hôn chưa quan tâm đến việc phải kiểm tra sức khỏe sinh sản của mình để đảm bảo hạnh phúc gia đình sau kết hôn. Ngoài ra còn vấn đề mang thai ngoài ý muốn, quan hệ tình dục không an toàn, nạo phá thai nhiều lần. Một số bà mẹ chưa quan tâm đến việc sàng lọc trước sinh nhằm phát hiện các dị tật thai nhi để đảm bảo các em khi sinh ra được khỏe mạnh.

Tuổi thọ trung bình của người dân Việt Nam đang tăng lên. Nhưng thực chất những năm sống khỏe mạnh hết vòng đời tuổi thọ của mình thì không nhiều. Ví dụ tuổi thọ bình quân của người Việt Nam hiện là 73 nhưng tuổi thọ khỏe mạnh chỉ là 62. Cùng với đó là vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh dẫn đến thừa nam, thiếu nữ sẽ gây ra những hậu quả không tốt về mặt xã hội. Tất cả đều đặt ra những thách thức trong công tác dân số.

* Nhưng con số 90 triệu dân cũng mang lại những điều tích cực, thưa bà?

- Bản thân tôi cũng thấy vui mừng trước sự kiện dân số Việt Nam đạt mốc 90 triệu. Con số này khẳng định chúng ta đã đạt được thành tựu công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình. Thay vì Việt Nam đạt mốc 90 triệu dân cách đây 11 năm thì đến bây giờ chúng ta mới đạt tới. Về mặt nhân khẩu học, nó mang một ý nghĩa quan trọng. 90 triệu dân là 90 triệu con người cùng góp sức mạnh vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

Hơn nữa Việt Nam đã bước vào giai đoạn dân số vàng, chúng ta phải tranh thủ thời cơ này để khai thác hết tiềm năng người trong độ tuổi lao động.

* Theo những thống kê gần đây, mức sinh ở TP.HCM đang rất thấp.Về lâu dài liệu nó có kéo theo dân số của thành phố già đi?

- Theo số liệu thống kê, số con trung bình của một bà mẹ ở TP.HCM năm 2005 là 1,52 con, năm 2009 là 1,45 con, nhưng đến năm 2012 xuống còn 1,33 con. Còn theo số liệu do Cục Thống kê và Sở Lao động - thương binhvà xã hội TP.HCM thì tỉ lệ người già (trên 60 tuổi) trong cơ cấu dân số TP.HCM là 6,02%. Một nơi được xem là đang già hóa dân số khi có 10% dân số là người già. Nếu tỉ lệ người già chiếm 20% trong cơ cấu dân số gọi là dân số già. Nếu không có sự điều chỉnh kịp thời, khi mức sinh giảm, tỉ lệ người già tăng lên thì dân số thành phố sẽ có xu hướng già đi.

Hiện chúng tôi đang nỗ lực tuyên tuyền mỗi gia đình nên sinh đủ hai con để kéo mức sinh của TP.HCM trở lại mức cho phép.

* Dân số già đi sẽ có những ảnh hưởng gì đến xã hội, thưa bà?

- Trước hết là ảnh hưởng đến nguồn nhân lực tham gia vào lao động sản xuất. Vì khi tỉ lệ trẻ em giảm, tỉ lệ người cao tuổi tăng thì tỉ lệ người trong độ tuổi lao độngsẽ giảm đi.

Số người già tăng lên thì chi phí an sinh xã hội để chăm lo cho bộ phận này tăng lên. Hiện nay, trong công tác dân số thì ngoài việc hướng đến chăm lo chất lượng dân số những năm đầu đời thì còn có chương trình chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi tại cộng đồng. Hiện điều kiện về kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn, đa số người cao tuổi không có lương hưu, không có bảo hiểm xã hội nên gặp nhiều khó khăn trong đời sống, chăm sóc sức khỏe.

* Những nguyên nhân nào dẫn đến tỉ lệ sinh ở TP.HCM giảm?

- Nguyên nhân thứ nhất là về mặt kinh tế. Do chi phí lo cho cuộc sống hằng ngày của người dân thành phố rất cao. Vì thế, những cặp vợ chồng thường chọn sinh ít con, thậm chí chỉ sinh một con, phù hợp với thu nhập để có điều kiện nuôi con trưởng thành, phát triển toàn diện. Việc sinh ít con cũng giúp bố mẹ có thời gian chăm sócsức khỏe cho con và cho chính bản thân. Người phụ nữ hiện đại cũng mong muốn có thời gian để phát triển sự nghiệp, tham gia kinh tế gia đình. Việc sinh nhiều con quá khiến họ bị gián đoạn công việc.

* Hằng năm TP.HCM có thêm lượng lớn dân nhập cư. Dự báo xu hướng này sẽ còn tăng. Những thách thức nào đặt ra cho thành phố, thưa bà?

- Tốc độ tăng dân số của TP.HCM bình quân hằng năm khoảng 3% thì mức tăng cơ học (dân nhập cư) đã chiếm 2%. Những người nhập cư đến TP.HCM cũng nhiều độ tuổi nhưng phần lớn vẫn là những lao động trẻ. Khi lượng nhập cư vẫn tăng như vậy dẫn đến một số khó khăn trong việc giải quyết công ăn việc làm, quá tải về giao thông, môi trường sống, an sinh xã hội, các vấn đề liên quan đến trật tự xã hội...

* Xin cảm ơn bà.

doandoan
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Góc nhìn quản lý