Nghị lực sống của chàng trai bại liệt bẩm sinh chỉ cao 90cm
Bộ Y tế khuyến cáo về bệnh bại liệt
Nguy cơ dịch bại liệt là hậu quả chiến dịch truy lùng Bin Laden của Mỹ?
Bệnh bại liệt: Không thể lơ là!
Bại liệt lan rộng trên thế giới, Việt Nam tăng cường giám sát
Năm 2013, đã có 24 ca bại liệt ghi nhận tại 3 quốc gia Pakistan, Nigeria, Afganistan. Tuy nhiên, chỉ trong vòng 4 tháng đầu năm nay, đã có 68 ca nhiễm bại liệt hoang dã tại 8 nước. Trong đó, Pakistan có nhiều bệnh nhân nhất (54 ca). Vì thế, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khuyến cáo thành quả thanh toán bại liệt có thể bị phá vỡ nếu các quốc gia không tăng cường giám sát dịch bệnh này.
Tổ chức Y tế thế giới vừa ra khuyến cáo về sự lây lan virus bại liệt hoang dại. Bộ Y tế cũng chỉ đạo các đơn vị làm công tác dự phòng giám sát chặt chẽ sự xâm nhập của virus này. Vậy, ở một quốc gia đã công bố thanh toán bại liệt từ năm 2000 như Việt Nam, liệu có nguy cơ nào bệnh bại liệt quay trở lại? Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với GS – TS Hoàng Thủy Nguyên – Chủ nhiệm Ủy ban xác nhận thanh toán bại liệt quốc gia về vấn đề này.
Thưa GS, Việt Nam đang sử dụng vaccine bại liệt uống giảm độc lực sống. Vậy tỉ lệ bao phủ được vaccine này hiện ra sao, có khả năng có những khoảng trống miễn dịch với bệnh hay không?
- Trước khi Việt Nam công bố thanh toán bại liệt năm 2000, liên tục 3 năm liền, mỗi năm có khoảng gần 40 triệu liều được sử dụng, tương đương với ½ dân số lúc đó. Vaccine bại liệt là vaccine sống giảm độc lực, khi uống có miễn dịch ngay. Do đó, ở thời điểm năm 2000, Việt Nam đã có nền miễn dịch với bại liệt bền vững. Hiện nay, mỗi năm vẫn có khoảng 7 triệu liều vaccine bại liệt được sử dụng. Mỗi cháu bé được uống 3 lần vào tháng thứ 2 – 3 – 4.
Theo WHO, cần bao phủ được 85% trẻ trong diện cần uống phòng bại liệt mới đạt ngưỡng an toàn miễn dịch. VN, năm 2011 – 2012, đã có trên 90% huyện đạt mức độ bao phủ trên 90% trẻ được uống phòng.
Virus bại liệt lại lây qua đường phân – miệng nên khi người khác nhiễm virus qua chính virus sống giảm độc lực của vaccine, họ cũng có miễn dịch. Vì thế, ngay cả khi giả định rằng, có xảy ra một lỗ hổng nào đó về tiêm chủng đối với vaccine bại liệt thì việc miễn dịch qua các thế hệ như vậy cũng vẫn tiếp tục củng cố nền miễn dịch với bệnh này.
Chỉ dựa vào tỉ lệ tiêm chủng đạt trên 90%, làm sao kết luận chắc chắn là không còn ca bệnh bại liệt, thưa GS?
- Đạt tỉ lệ uống vaccine trên 90% chỉ là 1 tiêu chí. Ngoài ra, còn có hệ thống giám sát phát hiện chứng liệt mềm cấp (biểu hiện sớm của bệnh bại liệt). Thêm nữa là các đợt tìm kiếm tích cực tại các phòng khám, khoa thần kinh, khoa tiêu hóa để phát hiện các trường hợp liệt mềm cấp có thể bị bỏ sót. Kết quả cho thấy năm 2012 có 82 trường hợp, năm 2013 có 46 trường hợp. Các ca bệnh này đều được theo dõi chặt chẽ cho đến khi khỏi bệnh.
GS - TS Hoàng Thủy Nguyên
Việt Nam đã công bố thanh toán bại biệt, vậy vì sao vẫn ghi nhận những ca bệnh liệt mềm cấp như vậy? Và năm 2012, ở Đồng Nai vẫn ghi nhận 2 ca bệnh bại liệt?
- Vaccine hiện nay trong đó chứa virus bại liệt sống đã bị giảm độc lực. Người ta đã từng ghi nhận có ca bại liệt nhiễm bệnh do virus tip 2 nhân lên sau nhiều đời bị đột biến tăng độc lực trở lại và gây bệnh. Tỉ lệ rủi ro này khoảng 2 – 3 ca/1 triệu liều vaccine. Hai trường hợp ở Đồng Nai rơi vào trường hợp này, chứ không phải bị nhiễm virus bại liệt hoang dại. Việc cho uống vaccine cho trẻ vào cùng 1 ngày chính là để tránh việc nhiễm virus truyền qua nhiều đời và có thể gây đột biến như vậy.
Nhiều quốc gia trên thế giới, cũng như VN đã công bố thanh toán bại liệt. Theo nhận định của GS, bại liệt xuất hiện trở lại ở Việt Nam là khó. Vậy vì sao, cả WHO và Bộ Y tế nước ta lại đưa ra những khuyến cáo cần đề phòng bệnh?
- Bất cứ quốc gia nào cũng cần đề phòng sự xâm nhập của virus bại liệt hoang dại. Bởi virus này có thể lây lan rất nhanh qua đường phân miệng nên có thể nhanh chóng gây thành dịch bệnh. Nếu một ca bệnh được phát hiện, có thể rất nhiều người mang mầm bệnh mà không có triệu chứng. WHO đã khuyến cáo sự lây lan đã ra 8 nước trên thế giới như hiện nay là bất thường.
Vì thế, trong bối cảnh hiện nay, việc uống vaccine phòng bệnh trong cộng đồng cần được người dân có ý thức hơn nữa. Bà mẹ chỉ cần đưa con đi uống vaccine theo đúng lịch thì không cần phải lo lắng về việc con có thể bị nhiễm virus bại liệt. Việc uống vaccine này thường được các xã/phường thực hiện vào 1 ngày trong tháng, chứ không kéo dài qua vài ba ngày, nhằm tránh rủi ro có thể gây ra bệnh bại liệt do virus trong vaccine biến đổi.
Sử dụng vaccine bại liệt uống từ năm 1962, Việt Nam đã thanh toán được bệnh bại liệt sau đó gần 40 năm. Tuy nhiên, hiện nay thế giới đã chuyển sang sử dụng vaccine tiêm. Việt Nam có “đi” theo con đường này?
- Ưu điểm của vaccine tiêm là có thể ngăn chặn được rủi ro virus tip 2 đột biến như đã nói ở trên. Vì thế, WHO đưa ra chiến lược từ năm 2015 các nước sử dụng phác đồ phòng bại liệt gồm 2 liều uống và 1 liều tiêm. Đến năm 2018 thì chỉ dùng vaccine tiêm. Vaccine bại liệt sử dụng hiện nay ở Việt Nam do Cty Polivax sản xuất. Công ty này cũng đang trong quá trình tiếp nhận công nghệ sản xuất vaccine bại liệt tiêm của Nhật Bản. Hy vọng việc nghiên cứu phát triển vaccine này trong điều kiện Việt Nam có thể bắt đầu vào năm 2015.
Vậy sớm nhất khi nào vaccine bại liệt tiêm sản xuất trong nước có thể đưa ra?
- Theo các quy trình phát triển, thử nghiệm, cấp phép vaccine hiện nay, tối thiểu phải mất 3 năm.
- Xin cảm ơn GS.
Bình luận của bạn