Empty
Empty

Sử sách chép lại rằng, Lê Hữu Trác sinh năm 1724 ở xã Liêu Xá, huyện Đường Hào quê cha (Hưng Yên ngày nay), từ nhỏ đã nổi tiếng hay chữ nhưng ông phải xếp bút nghiên theo việc đao cung, rồi về quê mẹ ở huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh ngày nay) để thay anh phụng dưỡng mẹ già. Không may ông mắc một chứng bệnh dai dẳng, phải nhờ người thầy thuốc tên là Trần Độc (ở Nam Đàn, Nghệ An ngày nay) tận tình cứu chữa, từ đó ông được truyền nghề, dốc lòng tìm tòi, trở thành một thầy thuốc giỏi, vừa viết sách, vừa mở lớp truyền dạy người gần, người xa, được người cùng thời khen “lão sư bão học hoài tài, nhởn nhơ nơi núi hang, cây đàn chén rượu làm vui, lại có lòng cứu giúp người, khen rằng hiện nay về nghề thuốc không ai ở trên lão sư”.

Empty

Năm 1782, ông được tiến cử ra Kinh đô chữa bệnh cho Thế tử Trịnh Cán (con chúa Trịnh Sâm và Tuyên phi Đặng Thị Huệ). Là một người “tinh thông cái học về tính mệnh lại có cái thi tứ phong lưu của Lý Đỗ” nên quá trình ra Kinh đô này được ông chép lại trong cuốn tùy bút “Thượng Kinh Ký Sự”, được coi là một thiên tùy bút hiếm có trong lịch sử văn học nước nhà. Ngoài những ghi chép về cuộc sống xa hoa ở Kinh đô và phủ nhà Chúa lúc bấy giờ, những trang viết, những bài thơ về Hương Sơn và Xứ Nghệ đã để lại những dấu ấn riêng đậm nét.

Empty

Trong Thượng Kinh Ký Sự, ngày lên đường ra Kinh đô (năm Nhâm Dần - 1782), tháng Mạnh Xuân, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 43, Lê Hữu Trác viết về cảnh sắc Hương Sơn hoang sơ, tĩnh mịch, đúng như nhiều người hình dung cuộc sống thanh sạch, gắn bó với chim muông, cây cỏ của một ẩn cư: “Buổi ấy ánh sáng xuân sáng dịu, hoa cỏ đua tươi. Tôi ở trong nhà U trai (nhà học, tu luyện); trước sân vài ba cây trổ hoa, kết quả, ngậm hương mang tuyết, ánh mặt trời chiếu xiên ngang, tạo nên những bóng hình tựa các bà phi nơi sông Tương ngồi quỵ. Những con rắn mối đuổi nhau chạy từng đàn. Thỉnh thoảng mùi hương lạ bay qua. Chốn tây viên, trong ao phẳng lặng, cá nhởn nhơ nhô lên lặn xuống mà hớp lấy bóng trăng hoặc nuốt lấy làn sóng. Những con chim oanh hay hót, do chân tính của trời phú cho, thời thường tới những chỗ có bóng mát mà nhảy nhót tung tăng. Lúc ấy tôi dắt tiểu đồng trèo lên núi, đưa mắt ngắm khói mây, biết bao hứng thú! Lại thả câu ở đình Nghinh Phong, hoặc gảy đàn cầm trong nhà “tị huyên”, hoặc đọc sách ở đình “Tối quảng”, hoặc chơi cờ ở nhà “Di chân” rồi ngủ tại đó…

Rồi tháng ngày tưởng như thanh nhàn đó bỗng chốc thay bởi cuộc “nhọc nhằn vào kinh, lăn lộn trong cái phồn hoa đất đô hội, phụ tình hoa cỏ chốn non xưa”. Ấy là lúc ông “đồ thư nửa gánh, gươm đàn một bao” bước lên thuyền theo đường thủy, nhắm huớng Vĩnh Dinh (Vinh ngày nay), lòng cất lên thi hứng: “Lưu thủy hà thái cấp/Hành nhân ý dục trì/Quần sơn phân ngạn tẩu/Nhất trạo phích yên phi…” (Nước chảy sao mà lẹ/Người đi những muốn thư/Non chia đôi ngạn chuyện/Mái rẽ đám sương mờ…)

Ông lại lắng lòng để nhập tâm từng hình bóng quê mẹ khi đi thuyền từ Ngàn Phố, xuôi sông La ra sông Cả: “Đêm hôm ấy người đi trong bóng trăng sáng, thôn xóm bên sông đều yên lặng; chó sủa mỗi khi thuyền bơi qua. Một vầng trăng bạc chiếu dòng sông, đôi bờ hải trào nghênh đò khách. Xa xa vẳng tiếng chuông chùa, mờ mờ sương phủ lùm cổ thụ. Mấy nơi đèn chài lạnh lẽo rọi sáng, hai con hải âu sóng đôi nghỉ ngơi...” rồi tất cả lại ùa về thi tứ: “Nhất giang yên thùy tĩnh/Khách tứ mãn quan hà/Phong trọng chinh phàm cấp/Sương thâm khứ nhạn tà...” (Nước mây sông phẳng lặng/Nỗi khách chốn quan hà/Gió mạnh buồm đưa gấp/Sương dày nhạn lượn qua…)

Đi thuyền suốt đêm sáng, lên bờ nghỉ ngơi rồi lại sang đò Cấm Giang (sông Cấm ngày ngay) thì đoàn đến Thiết Cảng (Cửa Sắt ở đông bắc huyện Hưng Nguyên). Phong cảnh núi non, sông biển hiện ra thật huyền sử lung linh: “Toàn là hơi khói trên non, sương mù ngoài biển, hang động thì mờ ảo. Đây chính là 106 ngọn núi, có tăng già đi lại mà chẳng biết từ xứ nào vậy. Trong năm bước không nom rõ được người hoặc vật, chỉ nghe vượn hót chim kêu trong mây; một màu hơi khói, một thú sơn lâm khiến người xúc cảnh sinh tình: “Bán đản yên hà lao dịch mã/Mãn san yên hạc tống chinh nhân”(Nửa cõi khói mây chồn bước ngựa/Đầy non hạc vượn tiễn hành nhân)

Rời quê nhà ở Hương Sơn từ ngày 17, đi qua Đông Lũy (Diễn Châu nay) rồi Hoàng Mai (Quỳnh Lưu nay) mà đã hết 5 ngày đường: Khi đi đến mé tây núi chúng tôi mói nhận ra một dãy cao phong, chỏm núi trùng điệp, ẩn ẩn hiện hiện trong mây trắng; bên đường đi mấy ngọn mọc tách ra để lộ những hang hốc nhỏ. Trời về chiều đồng ruộng nom chỗ trắng trắng chỗ vàng vàng. Đến Long Sơn (Quỳnh Lưu nay) thấy nhiều cổ thụ xanh um, một cung đất dâm mát, cảnh thật đáng yêu. Lại có những tấm đá mọc rải rác như những cái bàn thấp bé, hàng lối chỉnh tề, Lê Hữu Trác đề thơ trên vách đá: “Tế vũ miêu xuân thảo/Minh hà lạc vân tùng/Nhân ngâm tàn chiêu lý/Điểu ngữ loạn lâm trung” (Mùa xuân tươi cỏ sớm/Ráng đỏ phủ thông chiều/Chim hót trong rừng rậm/Người ca buổi bóng xiêu…)

Đi loanh quanh, vòng vèo rồi đến khe Lãnh Thủy (nay gọi là Khe Nước Lạnh, nơi phân giới Thanh Hóa và Nghệ An) gặp người từ kinh đô trở về, tình quê nỗi khách dào dạt: “Hoan Ái phân cương địa/Quần sơn hỗ tống nghênh/Tiều ca vãn lộ xuất/Điễu ngữ cốc phong sinh” (Hoan Ái chia đôi vực/Nghênh tống núi bên đường/Tiều hát trong mây ngút/Chim ca đáy cốc vang.)

Để có được những bức tranh “hoa cỏ chốn non xưa” đó, Danh y/Thi sĩ Lê Hữu Trác đã trải đoạn đường dài từ ngày 17 tới những ngày đầu tháng sau mới tới được Kinh thành.

Empty

Trong thiên tùy bút này, Thi sỹ Lê Hữu Trác quan niệm “Thơ là để nói lên cái chí của mình, cái chí ắt hiện ra ở lời thơ”. Vậy nên khi gặp ở Kinh đô vị Giám sinh tên Hằng, người ở Nộn Liễu (thuộc huyện Nam Đàn) học hành và đỗ đạt cao, hay gặp Phạm Nguyễn Du người “đồng quận” Hoan Châu (tức Nghệ An) đang làm Hiến sứ Kinh Bắc, họ đều tỏ ra tâm đắc khi cùng họa thơ để rồi sớm nhận ra nhau, tôn trọng, phục tài đức nhau hết mực “Một dòng khí vị do cảnh khói mây tạo ra cho thấy rõ ràng ngài là bậc ẩn giả vậy”, vô cùng tâm đắc với “ý thơ mạnh mẽ, cốt cách cao quý, tỏ nỗi lưu luyến non xưa với đá trắng mây hồng” và “Tiên sinh tuổi trọng đức cao, có thủ đoạn Hiên Kỳ, có thi tài Lý Đỗ, với thái độ nhã đạm, tình tứ cao dật, lâng lâng thành cao sĩ”.

Ở Kinh thành, hễ gặp người quê hay có người về quê nhà, Lê Hữu Trác lại suốt đêm “ngồi ngơ ngẩn một mình lại nhớ tới quê xưa. Trăng trong chiếu cửa sổ, mối tình thao thức chẳng chớp mắt được. Canh khuya mỏi mệt nằm trong cửa sổ mà ngủ. Nhưng tâm hồn sầu muộn cứ quấn quít bên gối, chợp chờn nghe tiếng chim vừa bay vừa kêu… “Tỉnh hậu vị quy khứ/Giai tiền nguyệt hựu sinh” (Tỉnh giấc quê đâu tá/Trước thềm trăng hiện ra..”)

Chỉ chuyện vị Giám sinh nói trên nhân dịp về Hoan Châu đến từ biệt cũng khiến Lê Hữu Trác cả nghĩ: “Tôi cùng ông đều là khách Trường Yên. Ông thì đi Nam đi Bắc, còn tôi như chim trong lồng, không tự do mà đi hay ở được. Kẻ ở người về đều buồn bã cả, biết làm sao được” thậm chí nghĩ tới chuyện: “Đồng loại thì tìm đến nhau, đồng đạo thì tin cậy lẫn nhau. Một ngày chẳng nom thấy nhau thì dài ghê. Huống nay đường trở về Hoan xe đi vạn dặm, Lãn tôi há không tưởng nhớ sao? – Từ nay tôi ở nhà trọ, gió sớm trăng đêm buồn bã. Sau ba chén trà biết cùng ai nói chuyện thơ. Còn như ông trên đường đi, mỗi khi gặp danh thắng, muốn xướng muốn ngâm dễ quên tôi được chăng? – Tình khôn xiết kể, có thơ để dãi lòng”: “Phân huề hà mặc mặc/Nan ngữ vị tình đa/Liễu ngạn hàm kim sắc/Hương sơn chiếu ngọc nga” (Chia tay cùng lẳng lặng/Khó nói bởi tình dài/Ngàn liễu màu vàng ánh/Non Hương bóng nguyệt soi.)

Nhớ nhà, nỗi nhà thắt ruột, Lê Hữu Trác làm thơ gửi nhà Chúa để nói lên nỗi lòng mình và nhìn trăng soi ở Kinh thành lại nao nao nhớ Hương Sơn quê nhà. Đến mức người nhà Chúa phải thốt lên rằng: “Người xưa nhớ đến rau rút cá mè, bỏ quan mà về; lão sư thanh dật lạc thú hơn cả câu chuyện rau rút cá mè nữa; sao mà chẳng khẩn khoản đòi về làng”.

Sau những tháng ngày “khẩn khoản” chờ đợi đó, giây phút trở về quê nhà được Lê Hữu Trác mô tả khi rời Kinh thành: “Tôi ở trong thuyền, thong thả trông ra xa, pha trà mà uống, lấy làm khoan khoái, chuyện trò giòn giã khác nào như cá thoát lưới, như chim sổ lồng. Lòng muốn về cho nhanh ví như tên bắn. Trông về tây, hàng nghìn trái núi xa thẳm hiện ra. Hễ thấy nơi nào cách xa và sâu kín thì ngỡ là nhà mình ở đó.

Empty

Trong “Thượng Kinh Ký sự”, Lê Hữu Trác bên cạnh việc kể chuyện chữa bệnh cho nhà Chúa, còn kể về chuyện thăm thú, gặp gỡ bạn cũ, trong đó có bài thơ rất hay “Ngộ cố nhân”(Gặp người xưa) xin nói một dịp khác, chuyện ông nằn nì xin phép cả tháng trời mới được về thăm làng cũ ở xã Liêu Xá, huyện Đường Hào quê cha (Hưng Yên ngày nay), viếng mộ tiên tổ, lên chùa chuyện với nhà sư, ngâm họa thơ cùng bầu bạn… Nhưng cuối cùng thì nỗi nhớ quê mẹ “cách xa và sâu kín” vẫn bao trùm lên hết thảy và Ông khẳng định “nhà mình ở đó”!

“Nhà mình ở đó” là Hương Sơn, là xứ Nghệ, là miền “hoa cỏ chốn non xưa” nơi ông phụng dưỡng mẹ già, sống với thiên nhiên thanh sạch, bao dung, sống với tấm lòng và trách nhiệm cao cả chữa bệnh cứu người, với niềm thi hứng bất tận. Đó là nơi Ông được chữa khỏi bệnh để rồi từ đó ngày đêm dốc lòng trả ơn, trả nghĩa cho không chỉ miền đất yêu dấu đó, con người nơi đó mà cả đất nước này, muôn khắp thế gian này.

Empty
Empty
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Bạn đọc viết