Mua phải sữa giả, người tiêu dùng biết kêu ai?

Trách nhiệm thuộc về ai khi người tiêu dùng mua phải sữa giả? - Ảnh minh họa.

Vụ sữa giả: 84 sản phẩm do Rance Pharma và Hacofood sản xuất được công bố

Vụ sữa giả: Cần công khai sản phẩm do Rance Pharma và Hacofood sản xuất

Vụ sữa giả thu lời 500 tỷ: Con voi chui lọt lỗ kim

Tiêu chí lựa chọn sản phẩm sữa phù hợp với bạn

Những ngày qua, khi thông tin về các loại sữa bột giả được công bố rộng rãi, nhiều người tiêu dùng bắt đầu kiểm tra lại sản phẩm đang sử dụng. Không ít người phát hiện loại sữa của người thân đang dùng là sữa giả. Tuy nhiên, khi mang sản phẩm đến đại lý để yêu cầu đổi trả, phần lớn đều bị từ chối tiếp nhận.

Chị Nguyễn Thị Mai, quận Thanh Xuân, Hà Nội cho biết: “Tôi mua 2 hộp sữa Talacmum Gludiabet cho bố bị tiểu đường, nhưng sau đó thấy trên báo có cảnh báo sản phẩm này nằm trong danh sách sữa giả. Mang ra cửa hàng thì chủ đại lý từ chối nhận lại với lý do “hàng đã bán ra không hoàn trả” và bảo tôi liên hệ với công ty sản xuất.”

Tương tự là trường hợp của chị Lê Thị Minh ở Minh Khai, Hà Nội có con 10 tháng tuổi, kể lại: “Tôi mua Cilonmum Colos Baby 24h cho con từ một địa chỉ quen trên Facebook. Sau khi thấy báo chí đưa tin mới biết là sữa giả, liên hệ với nơi bán để yêu cầu trả hàng và hoàn tiền nhưng không được”.

Không chỉ được bán ở các đại lý, một số bệnh viện thông tin loại sữa trong đường dây sữa giả của Rance Pharma và Hacofood Group cũng đã được cung ứng tại bệnh viện.

Như trường hợp mới đây, sau khi mổ u mỡ ở Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội), mẹ chị Nguyễn Thị Thắm (ở Nghệ An) được nhân viên y tế tư vấn uống sữa Hofumil Gold Plus. Sau đó, gia đình phát hiện sản phẩm sử dụng nằm trong đường dây sữa giả vừa bị phanh phui.

Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã chỉ đạo các bộ phận liên hệ với người bệnh đã được tư vấn sử dụng sản phẩm sữa Hofumil Gold Plus để khuyến cáo dừng sử dụng, yêu cầu đơn vị cung ứng hoàn trả số tiền đã mua sản phẩm để bảo vệ quyền lợi người bệnh.

Tuy nhiên, chị Thắm bày tỏ, nhà chị cách Hà Nội 300km, nếu mang vỏ hộp sữa ra để lấy lại tiền thì đúng là "một đồng gà, ba đồng thóc". Tiếc của, cả gia đình vừa buồn vừa bức xúc.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Từ tháng 8/2021, một đường dây sản xuất sữa giả quy mô lớn được vận hành dưới vỏ bọc hai công ty Rance Pharma và Hacofood Group. Chúng tung ra thị trường 573 nhãn hiệu sữa bột, nhắm thẳng vào những đối tượng dễ tổn thương: bệnh nhân tiểu đường, người suy thận, phụ nữ có thai, trẻ sinh non...

Sữa bị làm giả có tên gọi đầy đủ như: Cilonmum Colos Baby 24h dùng cho trẻ 0–12 tháng; Cilonmum Colos Pedia 24h dùng cho trẻ 6–36 tháng; Cilonmum Colos IQ Grow 24h dùng cho trẻ 2–12 tuổi; Talacmum For Mum dùng cho phụ nữ mang thai. Hay Talacmum Gludiabet dùng cho người tiểu đường…

Các sản phẩm được quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội sử dụng hình ảnh người nổi tiếng, được nhân viên y tế trong bệnh viện tư vấn sử dụng, lồng ghép những “giá trị dinh dưỡng” như tổ yến, đông trùng hạ thảo, macca, óc chó nhưng theo kết luận điều tra, tất cả đều không có thật.

Các nhãn hiệu sữa giả trong đường dây sản xuất, buôn bán sữa bột giả với gần 600 loại sữa suốt 4 năm thu lời 500 tỷ đồng

Các nhãn hiệu sữa giả trong đường dây sản xuất, buôn bán sữa bột giả với gần 600 loại sữa suốt 4 năm thu lời 500 tỷ đồng

Những ngày qua, lần lượt Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 rồi Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn đã thông báo dừng tư vấn sử dụng và thu hồi sản phẩm sữa Hofumil Gold Plus, Hapomil do phát hiện chúng thuộc công ty sản xuất sữa giả.

Ngày 19/4, ông Hà Anh Đức, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết đã yêu cầu các bệnh viện trên toàn quốc rà soát sản phẩm dinh dưỡng, sữa sử dụng trong bệnh viện, xác định sản phẩm kém chất lượng loại khỏi danh mục, báo cáo Bộ Y tế.

Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã ban hành công điện, giao Bộ Công an nhiệm vụ đẩy nhanh tiến độ điều tra và sớm đưa ra kết luận về vụ việc sản xuất, buôn bán sữa giả, đưa các đối tượng vi phạm ra xét xử.

Tuy nhiên, đã hơn 1 tuần trôi qua, Bộ Công Thương nói "không thuộc đối tượng quản lý", còn Bộ Y tế cho rằng "đã giao phần lớn về địa phương quản lý". Địa phương - Chi cục An toàn thực phẩm Hòa Bình - nơi bốn công ty trong "hệ sinh thái" sản xuất sữa giả công bố 305 loại sữa giả nói "không thể hậu kiểm vì không có sản phẩm trên địa bàn".

Mới đây, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa công bố danh sách 84 sản phẩm sữa trong đường dây sữa giả do Rance Pharma và Hacofood Group sản xuất. Trong đó có 12 sản phẩm đã được xác định là sữa giả và 72 sản phẩm vẫn còn đang được tiếp tục điều tra.

Suốt 4 năm qua, các công ty này đã thu lời 500 tỷ đồng - đó là số tiền mà người dân bỏ ra để mua "thực phẩm dinh dưỡng" cho người thân, người bệnh và trẻ nhỏ.

Việc sản xuất, bán hàng giả, nhất là các sản phẩm liên quan đến sức khỏe con người, đặc biệt là người lớn tuổi, phụ nữ có thai, không chỉ vi phạm pháp luật, mà đó là hành vi mất nhân tính khi kiếm lợi nhuận trên sức khỏe người khác, bất chấp hậu quả mang lại cho người dùng.

Trong khi việc bán sản phẩm đâu phải chỉ qua một hai bước là xong, chưa kể là quảng cáo, bán hàng rầm rộ, thậm chí có phần "lố", thổi phồng công dụng sản phẩm suốt thời gian dài mà các cơ quan chức năng lẽ nào không hay biết?

Việc hậu kiểm lơ là lại thêm phần tiếp tay của một số người nổi tiếng, người có sức ảnh hưởng, khiến niềm tin của người tiêu dùng gần như sụp đổ.

PGS.TS Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam, Nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) chia sẻ về vấn đề sữa giả - Ảnh: Hiệp Nguyễn/sức khỏe+

PGS.TS Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam, Nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) chia sẻ về vấn đề sữa giả - Ảnh: Hiệp Nguyễn/Sức Khỏe+

Đánh giá về mức độ nghiêm trọng của vụ việc này đối với sức khỏe người tiêu dùng, PGS.TS Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam, Nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, có thể nói đây là một vụ việc liên quan đến hàng giả với mức độ nguy cơ và phạm vi ảnh hưởng rất lớn, lan rộng trên toàn quốc. Do bản chất là sữa – một sản phẩm được tin tưởng sử dụng cho cả trẻ nhỏ và người già – nên hậu quả lại càng nặng nề hơn.

Vi vậy, theo PGS Trần Đáng, hiện nay việc cần làm là sớm có một cuộc thống kê chính xác về số lượng người đã sử dụng loại sữa này và từ thời điểm nào. Đồng thời, cần tiến hành kiểm nghiệm kỹ lưỡng các chỉ số như hàm lượng chất đạm, glucid, protid, vitamin và khoáng chất trong loại sữa này, nhằm đánh giá tác động và nguy cơ của sữa giả đối với người tiêu dùng.

Trách nhiệm rốt cuộc thuộc về ai khi bên nọ đổ bên kia, ai cũng có lý do biện minh cho rằng mình không sai? Người tiêu dùng biết kêu ai hay sẽ vẫn mãi là người phải tự chịu trách nhiệm vì họ đã lỡ xuống tiền mua phải sản phẩm giả, sản phẩm kém chất lượng?

 
Hiệp Nguyễn
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Xã hội