Các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thực hiện phẫu thuật ghép gan - Ảnh: VGP
20 quốc gia có dịch vụ y tế đắt đỏ nhất trên thế giới
Bộ trưởng Y tế giải trình các vấn đề tồn tại của ngành y
Y tế tuần: Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương có Viện trưởng mới
3 mục tiêu về y tế trong Kế hoạch phát triển Kinh tế - Xã hội năm 2024
Ghép gan bất đồng nhóm máu cứu bệnh nhân 15 tuổi ung thư gan
Bệnh nhân nữ 15 tuổi mắc ung thư biểu mô tế bào gan vừa được các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (hay Bệnh viện 108) cứu sống nhờ ghép gan bất đồng nhóm máu từ người cho là bà nội.
Bệnh nhân phát hiện xơ gan cách đây 6 năm không rõ căn nguyên. Gần đây, nữ sinh đi khám, phát hiện có khối u gan, được chẩn đoán ung thư biểu mô tế bào gan trên nền xơ gan.
PGS.TS Lê Văn Thành - Viện trưởng Viện Phẫu thuật tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết với trường hợp này, phẫu thuật cắt u không khả thi vì chức năng gan kém do xơ gan, lách to. Ghép gan là phương án tốt nhất dành cho bệnh nhân.
Cũng theo BS Thành, khi ghép bất đồng nhóm máu, người hiến gan phải trải qua quá trình điều trị để đưa nồng độ kháng thể nhóm máu của người này xuống thấp mới có thể hiến gan. Do đó, toàn bộ ca ghép trở nên khó khăn hơn. Nhờ nỗ lực của đội ngũ y bác sĩ, chỉ một tuần sau cuộc đại phẫu kéo dài 8 tiếng đồng hồ, sức khỏe của người hiến và người nhận đều ổn định.
Tại Việt Nam, ghép tạng từ nguồn cho bất đồng nhóm máu ABO đã được thực hiện trên bệnh nhân ghép thận và trên nhóm ghép gan ở trẻ em. Tuy nhiên, kỹ thuật này chưa được áp dụng ở người trưởng thành bởi miễn dịch của người lớn phức tạp hơn trẻ em.
"Trong khi số lượng bệnh nhân cần ghép gan ngày càng tăng, nguồn tạng hiến từ người chết não lại hạn chế, việc triển khai ghép gan bất đồng nhóm máu giúp tăng cơ hội sống cho người bệnh", bác sĩ Thành thông tin. Tỷ lệ ghép ở Bệnh viện 108 chủ yếu đến từ người hiến sống chiếm tới 98%. Việc hiến gan không gây ảnh hưởng sức khỏe cũng như khả năng lao động của người hiến.
Ca phẫu thuật này cũng là ca thứ 200 được thực hiện tại Bệnh viện 108. Từ ca ghép gan đầu tiên vào 6 năm trước, đến nay Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 ghép được 205 trường hợp, trở thành cơ sở ghép gan nhiều nhất Việt Nam. Tỷ lệ sống sau 5 năm của bệnh nhân ghép gan tại Bệnh viện 108 là 75%, tương đương với các nước trên thế giới.
Bóc khối u phổi nặng 2kg
Bệnh viện Phổi Trung ương đã thực hiện thành công ca phẫu thuật cắt khối u phổi với kích thước lớn cứu sống người bệnh. Khối u nặng hơn 2kg nằm trong lồng ngực, chèn ép một số cơ quan trong lồng ngực.
Ca phẫu thuật thành công với sự tham gia của GS.TS Lê Ngọc Thành – Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược, ĐHQGHN, Chủ tịch Hội Phẫu thuật Tim mạch và Lồng ngực Việt Nam cùng đội ngũ phẫu thuật viên, gây mê hồi sức của Bệnh viện Phổi Trung ương.
Theo BS.CKII Nguyễn Sĩ Khánh – Phó Trưởng khoa Phẫu thuật lồng ngực, Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết: "Các phẫu thuật viên phải phối hợp hai đường vào để tạo góc tiếp cận tối ưu nhất, đây là yếu tố quyết định sự thành công trong quá trình bóc tách khối u khỏi lồng ngực". Ca phẫu thuật đã thực hiện thành công dù có những lúc phải ngừng ca mổ vì cấu trúc giải phẫu của khối u quá phức tạp.
Phẫu thuật thành công trường hợp ung thư da đầu ác tính hiếm gặp
Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp, Hải Phòng vừa thông tin về ca bệnh ung thư da hiếm gặp được các bác sĩ liên khoa trong viện phẫu thuật vi phẫu thành công. Nữ bệnh nhân 63 tuổi đi khám khi phát hiện vết loét lan rộng trên vùng da đầu và có xu hướng ngày càng rộng, chảy dịch nhiều.
Kết quả thăm khám cho thấy người bệnh mắc một trong những ung thư hiếm gặp, có thể tước đi tính mạng của người bệnh tức thì nếu xảy ra biến chứng chảy máu trước và trong phẫu thuật.
Người bệnh đã được hội chẩn bởi Khoa Phẫu thuật Sọ não - Cột sống, Khoa Ngoại Ung bướu và chăm sóc giảm nhẹ, Kíp Tạo hình vi phẫu cùng bác sĩ khoa Gây mê hồi sức để lên kế hoạch phẫu thuật. Sau gần 5 giờ phẫu thuật, khối u đã được kíp lấy bỏ an toàn và tạo hình lại hộp sọ bằng Mesh – Titanium. Đây kĩ thuật hiện đại nhất hiện nay, bảo đảm được tính chất bảo vệ hộp sọ, phục hồi lại hình thể đầu như cũ. Sau đó, kip tạo hình vi phẫu lấy vạt phức hợp vùng gáy - lưng đưa lên che phủ hộp sọ nhân tạo. Ca phẫu thuật kéo dài hơn 10 giờ đã kết thúc thành công.
Cắt bỏ thành công khối u máu "khủng" cho trẻ sơ sinh
Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai, đơn vị này đã phẫu thuật cho bệnh nhi sơ sinh nhi 14 ngày tuổi (dân tộc Mông) với khối u máu khổng lồ hiếm gặp ở vùng cổ gáy.
Trẻ được sinh thường tại Trung tâm y tế huyện Yên Minh, cân nặng lúc sinh 3.100 gam. Ngay sau sinh, trẻ xuất hiện một khối u vùng cổ gáy, kích thước 2x3cm, sờ mềm, bầm tím, khối u to nhanh lên, kèm da vàng sậm.
Khi chuyển tới Bệnh viện Bạch Mai, qua thăm khám và kết quả các xét nghiệm, các bác sĩ chẩn đoán trẻ mắc hội chứng Kasabach - Merritt. Trẻ được điều trị tích cực nhưng khối u có xu hướng to ra rất nhanh, bầm tím lan rộng và có nguy cơ vỡ bất cứ lúc nào, ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ.
Trước tình trạng nặng và nguy cơ cao, Ban Giám đốc Trung tâm Nhi khoa đã mời hội chẩn toàn bệnh viện để đưa ra phương án điều trị tối ưu. Sau khi thảo luận, các chuyên gia thống nhất phẫu thuật cắt bỏ khối u máu. Với sự phối hợp đa chuyên khoa, ca phẫu thuật đã thành công tốt đẹp. Sau 6 ngày phẫu thuật, trẻ được hồi sức tích cực đã tự thở, ăn bú tốt, vết mổ liền tốt.
Bình luận của bạn