Giờ vàng để cứu… tinh hoàn!

Xoắn tinh hoàn - căn bệnh phái nam không nên chủ quan

Dễ rối loạn cương dương vì viêm mào tinh hoàn

Đường saccarin và cyclamate có nguy hiểm không?

Đồng tính, song tính đều có thể hiến máu

Đồng tính, song tính đều có thể hiến máu

Vì nhiều lý do mà ít khi bệnh nhân bị xoắn tinh hoàn được đưa tới khám tại các cơ sở chuyên khoa sớm, Hậu quả là tinh hoàn đã bị hoại tử và phải cắt bỏ. Xoắn tinh hoàn là một bệnh lý cần phải xử lý và cấp cứu, từ lúc xuất hiện triệu chứng đau đến khi được phẫu thuật không quá 6 giờ.

Đau vùng bìu là phải nghĩ tới xoắn tinh hoàn!

Bệnh nhân nam Phạm Thanh Nh., 17 tuổi, nhập khoa Ngoại niệu - ghép thận, BV. Nhân Dân 115 TP.HCM vì sưng đau bìu trái kèm theo sốt, được bệnh viện tuyến trước chẩn đoán viêm tinh hoàn trái, điều trị kháng sinh, giảm đau nhưng không đỡ. Các bác sỹ ở khoa Ngoại niệu - ghép thận khám và phát hiện tinh hoàn trái của bệnh nhân sưng to hơn bên phải, nắn đau dọc theo thừng tinh, bìu trái sưng mọng, đỏ. Siêu âm không thấy phổ tưới máu ở tinh hoàn. Chẩn đoán bệnh nhân bị xoắn tinh hoàn. Bác sỹ đã rạch da dọc bìu trái vào khoang tinh mạc thấy tinh hoàn xoắn ngay tạo gốc tinh hoàn trong khoang tinh mạc, tinh hoàn trái tím. Thanh Nh. được tháo xoắn và đắp nước muối sinh lý ấm lên tinh hoàn, khoảng 15 phút sau tinh hoàn hồng trở lại và 5 ngày sau xuất viện.

Các trường hợp xoắn tinh hoàn phải được khám chữa kịp thời

Theo Ths.BS.Trương Hoàng Minh - Trưởng Khoa Ngoại niệu - Ghép thận, xoắn tinh hoàn là một cấp cứu niệu khoa, tinh hoàn tự xoay quanh trục của nó đưa đến tình trạng tắc nghẽn một phần hay toàn bộ mạch máu nuôi tinh hoàn làm cho tinh hoàn thiếu máu nuôi và hoại tử. Hiện nay chưa tìm được nguyên nhân chính xác của xoắn tinh hoàn. Tuy nhiên, những yếu tố thuận lợi gây xoắn tinh hoàn là do sự thay đổi nội tiết trong cơ thể khi tuổi dậy thì. Bên cạnh đó, do co cơ bìu đột ngột và dữ dội. Trên thực tế bệnh này chỉ xảy ra trên bệnh nhân có dị dạng giải phẫu như: màng tinh hoàn rộng, tinh hoàn dễ di động như quả lắc, mạc treo tinh hoàn rộng, thừng tinh dài…Để phòng tránh xoắn tinh hoàn cần kiểm tra bìu thường xuyên. Nếu thấy bìu thỉnh thoảng bị trống chỉ có 1 bên tinh hoàn thì cần phải đến bệnh viện để được thăm khám kịp thời.

Triệu chứng thường gặp nhất của bệnh lý xoắn tinh hoàn là trẻ đau đột ngột vùng bìu. Đau thường khởi phát vào ban đêm và thường đau một bên, có thể lan lên bẹn và hông lưng. Một vài trường hợp trẻ có thể buồn nôn, nôn và tiểu khó. Đau có thể tăng lên khi vận động nên trẻ thường nằm yên trên giường. Trẻ rất sợ chạm vào bìu và thường gấp đùi vào nên khó khám. Dưới da bìu nổi lên 1 khối (tinh hoàn và mào tinh) co rút về phía bẹn. Đau không giảm khi nghỉ ngơi và ngay khi ngủ. Triệu chứng này thường gặp ở trẻ lớn và ở độ tuổi dậy thì. Bìu to dần, da bìu đỏ hay bầm tím, phù lan sang cả bìu bên đối diện. Ths.BS.Trương Hoàng Minh nhấn mạnh: chẩn đoán xoắn tinh hoàn không phải dễ bởi nhiều bệnh lý ở tinh hoàn có triệu chứng tương tự như viêm tinh hoàn, viêm mào tinh, chấn thương tinh hoàn. Vì thế có một nguyên tắc là phải nghĩ đến xoắn tinh hoàn khi có triệu chứng đau vùng bìu cho đến khi loại trừ được bệnh lý này.

Giảm 50% khả năng sinh con

“Thời gian vàng” điều trị bệnh xoắn tinh hoàn chỉ gồm 6 giờ đầu tiên tính từ lúc có biểu hiện đau. Theo BS. Minh, đến trước 6 giờ, 100% bệnh nhân được cứu tinh hoàn, đến trong khoảng 6 - 12 giờ khả năng cứu được tinh hoàn chỉ còn 50%, nếu đến trong khoảng 12 - 24 giờ thì chỉ còn 20% được cứu và đến trên 24 giờ sẽ không cứu được tinh hoàn. Nhiều trẻ đến bệnh viện khi tinh hoàn đã bị hoại tử và buộc phải cắt bỏ. Trẻ bị cắt bỏ một tinh hoàn sẽ giảm 50% khả năng sinh con. Đặc biệt, chuyện chỉ có một tinh hoàn là một di chứng nặng nề về mặt tâm lý cho trẻ khi lớn. Vì đây là một bệnh lý không thể dự phòng, các bậc cha mẹ cần chú ý con mình mỗi ngày khi vệ sinh tắm rửa cho con, nhất là ở trẻ nam. Cần dạy cho trẻ những kiến thức cơ bản về những triệu chứng của bệnh lý này, khuyến khích động viên trẻ tâm sự với cha mẹ khi có chỗ nào đó đau trong cơ thể. Cần đặc biệt lưu ý khi nghe con mình than đau vùng bẹn bìu thì nên đưa con đến ngay cơ sở chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Với những trẻ có tinh hoàn di động (sờ thì lúc thấy có, lúc lại không thấy tinh hoàn trong bìu), cần đưa trẻ đến bệnh viện khám xem có nguy cơ hay không. Nếu có, các bác sỹ sẽ cố định tinh hoàn bằng một phẫu thuật nhỏ, nhẹ nhàng để tránh nguy cơ xoắn tinh hoàn về sau. Các trẻ nam cần tránh những va chạm mạnh làm tổn thương đến tinh hoàn. Với những trường hợp đã từng bị cắt bỏ một tinh hoàn do bị hoại tử thì càng phải thận trọng hơn.

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Nam khoa