Lời chúc Tết không chỉ là lời chào mà còn là mang tâm nguyện của người chúc gửi tới người được chúc (Ảnh: Chúc Tết xưa của một gia đình người Việt)
ĐT Việt Nam sự thay đổi mới chỉ ở hình thức
Khi COVID-19 đã lướt qua mỗi mảnh đời
Điểm mới trong hướng dẫn đánh giá cấp độ dịch của Bộ Y tế
Tăng huyết áp: Những điều bạn cần biết
Chúc Tết: Tín ngưỡng văn hóa
Chúc Tết tức là chúc mừng nhau nhân dịp Tết. Người ta có thể quên một việc gì đó (như quên sắm Tết hoặc quên chơi Tết) nhưng gặp gỡ và chúc tụng nhau nhân dịp Tết thì chắc chắn là không ai có thể quên được. Tết nhất gặp nhau, lời chúc cũng như lời chào. Mà lời chào với người Việt là rất quan trọng, còn “cao hơn mâm cỗ” kia đấy. Lời chào là cử chỉ làm quen, bày tỏ một thái độ thiện chí, mở ra những mối quan hệ vốn không thể thiếu trong cuộc sống mỗi cộng đồng. Nhưng lời chúc Tết không chỉ là một lời chào. Nói cao hơn hành vi chào hỏi ở tâm nguyện sâu xa từ cả hai phía : người chúc và người được chúc.
Theo quan niệm dân gian, khoảng thời gian lúc 12 giờ đêm 30 Tết (chuyển sang ngày mồng một đầu năm mới) là một khoảnh khắc rất thiêng liêng. Đó là giờ phút giao thừa. Là sự “bàn giao và tiếp nhận” của trời đất do một vị thần (gọi là ông Hành Khiển) chịu trách nhiệm thực hiện. Lúc đó ông Hành Khiển đi từng nhà. Nhưng vì vội nên ông không vào trong nhà ai cả. Gia chủ sắm sửa lễ cúng (xôi thịt, bánh trái, hương hoa, vàng mã, rượu...) và đặt lộ thiên giữa trời và đất. Có sự chứng giám của ông Hành Khiển, công việc chuyển giao giữa hai vị thần coi như hoàn tất. Từ giờ khắc đó, mỗi gia đình đón nhận cuộc sống với ý nghĩa hoàn toàn mới mẻ. Người nào ở ngoài đến nhà sau giao thừa được coi là người xông đất gia chủ.
Người Việt giữ cái nếp cúng gia tiên đầu năm
Người xông đất giữ một sứ mệnh rất quan trọng. Họ có thể đem đến điều may mắn tốt lành hoặc điều “xung” bất lợi. Mà chuyện này phụ thuộc rất nhiều vào giới tính (đàn ông hay đàn bà?), tuổi tác (cầm tinh con gì, có bị “xung” không?), đặc điểm thực tế (bình thường hay đang có hoạ, như chịu tang ai (nhất là đang đại tang) chẳng hạn...). Nhưng bất luận thế nào, người đầu tiên đến nhà cũng phải có lời chúc Tết gia chủ: “Năm mới, chúng tôi (chúng em, chúng con, chúng cháu) xin chúc gia đình ta mạnh khoẻ, làm ăn tấn tới, con cháu phát đạt, tài lộc dồi dào...”. Lời chúc ấy coi như được “vận” vào người được chúc. Cho nên người ta rất thận trọng khi chọn lựa. Nếu không, rất có thể sẽ “rông” cả năm: làm ăn không ra gì, sức khoẻ sút giảm, gia đình lục đục... Không hiếm các gia đình “kén” người xông đất. Họ phải “com-măng” (t. Pháp, commande: đặt hàng) trước với những ai hợp tuổi, không có “dớp” gì, tính tình vui vẻ phóng khoáng, làm ăn thành đạt... Nếu không, “đen” cả năm chưa biết chừng. Vớ phải người vía xấu, gia chủ rất áy náy, đứng không yên ổn ngồi không vững vàng cả năm như chơi. Và cũng chính vì vậy, nhiều người ngại và tránh, không muốn “lĩnh ấn tiên phong” đi chúc Tết trước. Ta thấy sáng mồng một Tết, làng quê phố xá nói chung đều vắng : Phần vì người ta ngủ muộn sau đêm đón giao thừa vất vả. Phần vì còn lo cúng gia tiên sáng đầu năm (Nguyên Đán). Nhưng phần cũng có ý nấn ná đợi cho khách khứa đến chúc Tết chủ nhà rồi mới mạnh dạn vào. Có thờ có thiêng, có kiêng có lành mà. Mình là người đến sau, có sao cũng yên tâm, không bị “chiếu tướng” (!). Đầu năm năm mới, cứ tự nhiên xồng xộc vào chúc Tết “bừa” nhà người ta, nhỡ không may nhà họ sau đó có điều gì, vía xấu có khi mình phải đeo mãi ấy chớ!
Chúc sao cho phải?
Chúc Tết thì ai cũng chúc được, nhưng chúc sao cho phải là cả một vấn đề. Chúc Tết, hiển nhiên là phải bắt đầu từ lời nói. Nhưng để tăng thêm thịnh tình, người ta phải kèm theo lễ Tết. Lễ cũng năm bảy đường lễ. Đối với người trên thân thiết ruột thịt như bố mẹ, ông bà, hoặc thầy dạy học (như thầy đồ ngày trước) thuộc loại thiết thân “sống Tết, chết giỗ” thì phải sắm lễ trọng, như xôi gà, thủ lợn, rượu thịt, nấm, măng, miến, sản vật quý hiếm... Bây giờ, người ta có thể thay đổi đôi chút, như chỉ mang gạo nếp, gà trống thiến (tuỳ người), rượu mứt, bánh kẹo và cả... tiền nữa. Nhưng mang gì thì tuỳ, phải đem Tết trước lễ cúng giao thừa, tức trước đêm ba mươi. Thường cứ từ 23 tháng Chạp, tức lễ cúng ông Công ông Táo, là người ta đã lục tục sắm sanh đi lễ Tết được rồi. Có người phải lặn lội về tận quê, từ Nam ra Bắc (hay ngược lại) để lo kì được việc Tết lễ, đặc biệt là ở nhà còn bố mẹ già. Không lo xong không thể yên tâm ăn Tết được.
Sáng mồng Một, con cháu các thế hệ quây quần bên bố mẹ ông bà chúc tụng
Còn sang ngày mồng một Tết, người ta cũng có thể chúc Tết kèm với quà mang giá trị vật chất, nhưng ít thôi. Lúc đó, nếu có thì chỉ có nghi thức mừng tuổi (nghi thức đón một tuổi mới, coi như là cái lộc lớn nhất của trời đất). Ngày xưa, sáng mồng một, con cháu các thế hệ quây quần bên bố mẹ ông bà chúc tụng. Lúc đó, một người cao tuổi có vai vế nhất trong gia tộc đứng ra mừng tuổi tất cả. Thường là một chút tiền chinh lấy “khước”, để con cháu có “vốn liếng” mà làm ăn. Do đó, không ai mừng tuổi nhiều. Con cháu nếu hiếu thảo thì biếu bố mẹ, người trên một chút tiền dưỡng già [xem Việt Nam phong tục, Phan Kế Bính] Điều này khác hẳn bây giờ, chuyện mừng tuổi trở thành một thủ tục phổ biến, nhất là lớp trẻ coi việc mừng tuổi như một cơ hội để tăng “thu nhập”. Người ta có thể mừng tuổi “lì xì” cho con trẻ hàng chục, hàng trăm ngàn, hàng triệu là chuyện thường. Bởi mấy khi có cơ hội để thể hiện sự nhiệt tình hết lòng, để trả nghĩa, để hi vọng cầu cạnh “sếp” hay những vị chức sắc một cái gì. Nên đồng tiền mừng tuổi dần mất đi ý nghĩa trong sáng thiêng liêng của nó. Mừng tuổi không khéo lại trở thành một thứ “lễ lạt” mang tính hối lộ.
Còn lời chúc ư? Cũng thiên hình vạn trạng. Thường thì người ta chúc nhau sức khoẻ “trăm tuổi bạc đầu râu”, chúc nhau nhiều con cái đề huề, chúc nhau làm ăn phát đạt giàu có, và rồi chúc nhau “thăng quan tiến chức”, danh vọng đem lại nhiều bổng lộc. Ta thường nghe “Chúc hai bác mạnh khoẻ, làm ăn bằng năm bằng mười năm ngoái”, “Chúc anh chị năm nay nhanh có cháu bế (với ai mới xây dựng gia đình)”, “Chúc ông bà năm nay có cháu nội nối dõi tông đường (với gia đình có con trai nhưng chưa có cháu đích tôn)”, “Chúc bác sang năm tới lo xong chuyện nhà cửa mà an cư lạc nghiệp”,... Trong những lời chúc, ta thấy thấp thoáng nguyện vọng của gia đình được chúc. Đó là những tâm tư, mong muốn thiết thực mà mọi gia đình đang hướng tới. Người chúc cũng bày tỏ ước muốn đó chóng được thực hiện. Đó cũng là một điều hay trong phong tục dân gian ta.
Nhưng đôi lúc, cũng có những lời chúc tuỳ hứng, thiếu cân nhắc, chúc lấy được (vì có mất gì đâu mà không chúc cho thật “oách”?). Đành rằng, chúc là mong cho điều tốt sẽ đến nhưng nó không nên thoát li quá xa hiện thực. Một cậu học sinh học kém, thi lên thi xuống, mà cứ chúc “đậu thủ khoa, đỗ ba trường đại học” là lạc quan tếu (Có khi gia chủ phật ý, cho là có ý “giễu” khéo người ta). Chúc người ta phát tài nhưng “tiền vào như nước, tiền ra từ từ” hay “Tiền vào như nước sông Đà. Tiền ra nhỏ giọt như cà phê phin” là phi lôgích, không hợp với lẽ thường. Vì không ai lại bo bo chỉ nghĩ đến thu vén cho mình mà chẳng chịu chi, chịu hi sinh cho công việc cần thiết. Chúc người ta được thăng giám đốc trong khi giám đốc trẻ, có năng lực vừa mới lên thì có khác là khuyên họ “hất cẳng” người khác để thế chỗ? Quả là thiếu tế nhị!
Lời chúc tuy đơn giản, quen thuộc, có khi nhắc đi nhắc lại hàng ngàn lần, năm này qua năm khác nhưng không phải vì thế mà bớt thiêng. Hãy chúc những gì thật cụ thể, đúng với khả năng và đúng bản chất của cuộc sống. Và trong lời chúc, ta thể hiện được mong muốn chân thành của mình. Có như vậy thì lời chúc của chúng ta mới thật có ý nghĩa nhân dịp đầu năm mới. Người chúc vui vì bày tỏ được nguyện vọng, mong muốn, thịnh tình của mình, còn người được chúc thì cảm động vì mong muốn của mình có người hiểu, thông cảm, sẻ chia... Sự hoà đồng, thân thiện giữa hai bên là dấu hiệu may mắn tốt lành đầu xuân mới.
Bình luận của bạn