Mắc bệnh xơ gan cần có chế độ ăn uống như thế nào?

Chế độ ăn uống đặc biệt quan trọng đối với người mắc bệnh xơ gan.

Các loại vitamin thiết yếu giúp gan khỏe mạnh

Hà Nội thu hồi gấp lô thuốc Hepasyzin điều trị viêm gan, xơ gan

Điều gì sẽ xảy ra với lá gan khi bạn uống cà phê?

8 dấu hiệu cho thấy gan đang "kêu cứu"

1. Nguyên tắc dinh dưỡng cho người bệnh xơ gan

Năng lượng

Đối với bệnh nhân xơ gan, cung cấp đủ lượng calo từ 30 – 35 Kcal/kg cân nặng lý tưởng/ngày để làm giảm quá trình dị hóa và phân giải protein nội sinh (Lượng calo có thể điều chỉnh tùy mức độ suy dinh dưỡng hoặc thừa cân béo phì).

Chất đạm (protein)

Chất đạm là thành phần đáng lưu tâm nhất trong chế độ ăn ở bệnh nhân xơ gan. Khi đưa vào bệnh nhân quá nhiều đạm sẽ làm tăng gánh nặng cho gan suy, tăng sản sinh amoniac và nguy cơ gây bệnh não gan và hôn mê gan.

Vì vậy, nếu bệnh nhân xơ gan còn bù không bị suy dinh dưỡng, lượng protein tiêu thụ khuyến cáo là 1,2g/kg cân nặng/ngày. Đối với bệnh nhân xơ gan có tình trạng suy dinh dưỡng hoặc teo cơ nên đảm bảo protein 1,5g/kg cân nặng/ngày. Ưu tiên acid amin phân nhánh BCAA (0,25g/kg/ngày) do ít sinh amoniac khi tiêu hóa.

Chất béo (lipid)

Lượng mỡ nhiều sẽ gây tích lũy ở gan và làm tăng tiến triển xơ gan. Vì vậy nên ưu tiên chọn các loại chất béo tốt: chất béo không no có một nối đôi hay nhiều nối đôi. Nên sử dụng acid béo Omega-3 từ cá và các loại hạt.

Chất bột đường (glucid)

Cần cung cấp đủ glucid, để đảm bảo dự trữ glycogen ở gan.

Bổ sung các vitamin và chất khoáng

Việc bổ sung các vitamin và khoáng chất rất quan trọng trong dinh dưỡng điều trị xơ gan. Cung cấp đầy đủ các vitamin đặc biệt như vitamin A, D, E, K – các vitamin tan trong chất béo có xu hướng giảm trong bệnh xơ gan.

Chất xơ

Cần cung cấp chất xơ, đặc biệt là chất xơ hòa tan giúp giảm nguy cơ rối loạn đường huyết, hạn chế hấp thụ amoniac và phòng ngừa táo bón.

Ăn nhạt

Ăn dưới 5g muối/ngày để làm tăng hiệu quả điều trị.

Nước uống

Lượng nước trong ngày = lượng nước tiểu 24h ngày hôm trước + dịch mất bất thường (sốt, nôn, ỉa chảy...) + 300 – 500ml nước (tùy theo mùa).

Bữa ăn và cách chế biến

Chia nhỏ 4-6 bữa/ngày: để phòng hạ đường huyết đặc biệt ở các thời điểm xa bữa ăn chính vì người bệnh xơ gan có giảm dự trữ glycogen. Nên có 1 bữa ăn nhẹ lúc tối muộn hỗ trợ giảm sự tiêu thụ protein cơ (khoảng 200 kcal/bữa phụ) không nên ăn quá nhiều vào 1 bữa phụ tránh nguy cơ rối loạn dung nạp glucose và béo phì.

Không nên bỏ bữa, tránh nhịn ăn kéo dài, hạn chế chất béo quá nhiều trong một bữa ăn. Thức ăn nên nấu mềm, nhừ, dễ tiêu hóa.

2. Người mắc xơ gan nên ăn gì?

Để quá trình điều trị xơ gan đạt hiệu quả, chế độ ăn uống cho người bệnh xơ gan cần cung cấp đầy đủ dinh dưỡng, giảm áp lực cho gan, ngăn chặn các biến chứng liên quan và ngăn ngừa tổn thương gan thêm, cụ thể:

Thực phẩm nên dùng

- Thực phẩm giàu acid amin phân nhánh: đậu nành, giá đỗ, rau đay, hạt bí đỏ, sữa bột tách béo, bột đậu tương, cá thu, cá nục, cá hồi, cá mòi, thịt gà …

- Nên ăn đa dạng thực phẩm, để cung cấp đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng:

+ Nhóm chất bột đường : Gạo tẻ, gạo nếp, khoai tây, khoai lang, bánh ngọt, đường mật...

+ Nhóm chất đạm : Thịt bò, sữa, phomat, thịt lợn nạc, cá, sữa đậu nành.

+ Nhóm rau quả tươi, non, mềm: ít xơ sợi cứng.

+ Nhóm chất béo : Dầu thực vật (dầu đậu nành, dầu vừng, dầu hướng dương).

- Dùng các thực phẩm giúp nhuận tràng: khoai lang, đu đủ…

- Đảm bảo đủ nước để phòng tránh táo bón.

Thực phẩm hạn chế dùng, không nên dùng

- Thực phẩm xào, rán nhiều chất béo.

- Thức ăn chế biến sẵn, nhiều phẩm màu, nhiều chất bảo quản.

- Phủ tạng động vât.

- Quả gây táo bón: ổi xanh, hồng xiêm…

- Thực phẩm lạ dễ gây dị ứng: hải sản, nhộng tằm…

- Các chất kích thích: gia vị, rượu, chè, bia, cà phê.

Thực đơn mẫu cho bệnh nhân 50kg nhu cầu năng lượng 1500Kcal, Protein 1.2g/kg/ngày

Hướng dẫn dinh dưỡng cho người bệnh xơ gan - Ảnh: Bệnh viện Bạch Mai.

Hướng dẫn dinh dưỡng cho người bệnh xơ gan - Ảnh: Bệnh viện Bạch Mai.

 

Thực phẩm thay thế tương đương:

- Nhóm đạm: 100g thịt lợn nạc tương đương với: 100g thịt bò, 100g thịt gà; 120g tôm, 120g cá nạc.

- Nhóm chất bột đường: 100g gạo tương đương 2 lưng bát cơm; 100g miến, 100g phở khô; 100g bún khô; 250g bánh phở tươi; 300g bún tươi; 400g khoai củ các loại.

- Nhóm chất béo: 1 thìa dầu ăn (5ml) tương đương với 8g lạc hạt, 8g vừng.

- Muối: 1g muối ăn tương đương với 5ml nước mắm.

 
Việt An (Theo BV Bạch Mai)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Tiêu hóa