AstraZeneca: Câu chuyện về cuộc đua phát triển vaccine chống Covid-19 của các nhà khoa học Oxford

Cuốn sách do AlphaBooks phát hành (Ảnh do AlphaBook cung cấp)

Ngàn mặt trời rực rỡ: Câu chuyện của tình yêu và hy vọng

Giận dưới góc nhìn của Đạt Lai Lạt Ma

Muốn hạnh phúc: Hãy "dám bị ghét"

Sống hết mình, ngay tại đây, ngay lúc này

Trong bối cảnh Việt Nam đang căng mình khống chế và kiểm soát thành công đợt dịch Covid-19 thứ tư, Công ty cổ phần sách Alpha (AlphaBooks) kết hợp với Medinsights và Nhà xuất bản Thế giới vừa cho ra mắt bạn đọc quyển sách: “ASTRA ZENECA: Câu chuyện về cuộc đua phát triển vắc xin chống Covid-19 của các nhà khoa học Oxford” của hai tác giả đồng thời là hai nhà khoa học của Đại học Oxford: GS Sarah Gilbert và TS Catherine Green, những người được coi là “mẹ đẻ” của vaccine AZD 1222 được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cấp phép đầu tiên để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp phòng chống Covid-19 vào cuối năm 2020.
Nhìn lại trong vòng một trăm năm, từ 1918 đến 2020 nhân loại đã trải qua hai đại dịch: Dịch cúm Tây Ban Nha (1918-1920) và dịch Covid-19 bùng phát vào đầu năm 2020 chưa biết đến bao giờ sẽ kết thúc. Dịch cúm Tây Ban Nha đầu thế kỷ XX đã lây lan cho 500 triệu người (1 phần ba dân số thế giới thời đó) và làm tổn thất 50 triệu sinh mạng, một tỷ lệ tử vong quá cao (10%) vì đầu thế kỷ XX, loài người chưa tìm ra vaccine và thuốc điều trị.
Dịch Covid-19, sau gần hai năm bùng phát từ Vũ Hán (Trung Quốc) cũng đã nhanh chóng lan truyền trên thế giới với tốc độ kinh hoàng. Làn sóng lây nhiễm dịch bệnh được gia tốc trong bối cảnh các quốc gia trên thế giới đang cuốn vào cuộc đua toàn cầu hóa và phương tiện giao thông hiện đại, nhanh chóng, tiện lợi… đã làm cho Trái đất, ngôi nhà chung của nhân loại, hình như đang nhỏ lại. Cho đến đầu tháng 11 năm 2021, trên thế giới đã có gần 400 triệu người mắc Covid-19, với khoảng 5 triệu sinh mạng tổn thất. Có người cho rằng, trong thế kỷ XXI, toàn cầu hóa kinh tế sẽ đi kèm với nguy cơ toàn cầu hóa dịch bệnh và hơn bao giờ hết cá nhân, xã hội và các quốc gia đang phụ thuộc vào nhau nhiều hơn so với những gì đã xẩy ra trong thế kỷ XX và các thế kỷ trước đây.
Tuy nhiên, sau hơn một thế kỷ, chúng ta ghi nhận một điểm sáng trong bóng tối của đại dịch: Tỷ lệ tổn thất sinh mạng trong đại dịch này thấp hơn rất nhiều so với đại dịch cúm Tây Ban Nha. Đó là nhờ thành quả của khoa học, của cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Nhân loại đã nhanh chóng tìm ra vaccine để phòng ngừa và dược phẩm để điều trị SARS-CoV2 với một tốc độ cũng chưa từng thấy trước đây trong cuộc đua với tử thần. 
Lời giới thiệu của PGS.TS Lê Văn Truyền trong cuốn sách AstraZeneca: Câu chuyện về cuộc đua phát triển vaccine chống Covid-19 của các nhà khoa học Oxfords (ảnh do AlphaBooks cung cấp)
Bằng trực quan nhạy bén của những nhà khoa học trong lĩnh vực công nghệ sinh học và virus học, GS Sarah Gilbert và TS Catherine Green, ngay từ đầu mùa Xuân năm 2020 đã dự cảm được một làn sóng dịch bệnh bí ẩn (bệnh X) sẽ lan tràn khắp thế giới. Và với tinh thần xả thân vì khoa học, vì sinh mạng của đồng loại, họ đã nhanh chóng dấn thân vào công cuộc tìm kiếm, nghiên cứu và phát minh ra một loại vaccine để chống lại SARS-CoV2, bất chấp những rủi ro, hiểm nguy, thậm chí có thể đánh cược cả mạng sống của mình vì ở thời điểm đó các nhà khoa học cũng chưa lường hết được sự độc hại chết người và sự lây truyền nhanh chóng của virus. Trong bóng đen u ám của tử thần, họ đã “thắp lên một ngọn nến thay vì nguyền rủa bóng tối” và thực sự không chỉ một ngọn nến đã tỏa sáng mà là một kỳ tích chói lòa đã được nhân loại ghi nhận. 
Chỉ trong gần một năm kể từ khi SARS-CoV2 xuất hiện, loài người đã có vaccine để phòng, chống lại nó: Vaccine Oxford – Astra Zeneca (ký hiệu AZD 1222), một trong những vaccine hiếm hoi đầu tiên được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cấp phép vào cuối năm 2020 để sử dụng khẩn cấp trên toàn thế giới phòng chống dịch Covid-19. AZD 1222 cũng là vaccine phòng chống Covid-19 đầu tiên được Bộ Y tế Việt Nam cấp phép sử dụng trong trường hợp cấp bách vào ngày 1 tháng 2 năm 2021. Chúng ta sẽ cảm nhận được thành công này rực rỡ như thế nào khi biết rằng, thông thường phải mất từ 5 đến 10 năm mới có thể đưa một vaccine từ phòng thí nghiệm ra thị trường. Và cũng còn rất nhiều bệnh mà các nhà khoa học chưa thể tìm ra vaccine để phòng chống. Hơn ba mươi năm qua kể từ khi dịch HIV/AIDS xuất hiện, đến nay nhân loại vẫn chưa có vaccine phòng chống căn bệnh thế kỷ này. Hay khi chỉ mới rất gần đây thôi, đầu tháng 10 năm 2021, Tổ chức Y tế Thế giới mới phê duyệt vaccine phòng chống sốt rét, một căn bệnh có lịch sử hàng trăm năm gắn liền với kỷ nguyên thực dân trên toàn cầu. 
Qua cuốn sách này, chúng ta thấy được, ngoài trình độ chuyên môn và kiến thức khoa học, sự nhạy cảm, lòng trắc ẩn và nhân ái trong tâm hồn, sự kiên trì, bất chấp hiểm nguy và những khó khăn của cuộc sống thường nhật, sự hợp tác trên tinh thần vô tư, bất vụ lợi của các nhà khoa học… đã tạo nên một kỳ tích và viết nên một trong những câu chuyện phi thường nhất trong lịch sử y học hiện đại như thế nào. 
Với cuốn sách này, các nhà khoa học đã bước ra khỏi thế giới yên lặng và có phần nào bí ẩn của những phòng thí nghiệm, viện nghiên cứu để chia sẻ với độc giả những hy sinh thầm lặng của mình, về câu chuyện phi thường đầy sức lay động, truyền cảm hứng không chỉ cho các đồng nghiệp trên thế giới mà cho cả mỗi người chúng ta để có động lực tinh thần vượt qua những khó khăn, thách thức hàng ngày trong trạng thái bình thường mới: Sống chung với SARS-CoV-2.  
PGS.TS Lê văn Truyền - Chuyên gia cao cấp Dược học
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Văn hóa