Trà nhân Đỗ Thanh Sơn gợi ý người trẻ cách thưởng thức trà và tiếp cận văn hóa trà
10 loại trà tốt cho sức khỏe
Trà xanh có thể gây suy gan cấp và tổn thương gan
6 loại trà tốt giúp giảm cân, đốt cháy mỡ thừa
Những người trẻ ngày nay đang phải đối mặt với nhiều áp lực từ việc học tập, kiếm sống, lâu dần dẫn đến nhiều vấn đề về tâm lý như stress, trầm cảm. Để cải thiện tình hình và cân bằng lại cuộc sống, họ có xu hướng tìm đến những hoạt động, phương pháp rèn luyện và thư giãn tâm trí nhiều hơn để tĩnh tâm, hồi phục năng lượng từ bên trong. Trong đó, thưởng trà là một trong những hoạt động đang được các bạn trẻ tìm hiểu và dành nhiều thời gian học hỏi, trải nghiệm. Không chỉ là thú vui giải trí, thưởng trà, học về trà còn giúp rèn luyện tính cách, phong thái nhã nhặn.
Trà đạo là nét đẹp truyền thống, văn hóa lâu đời ở nhiều quốc gia Á Đông, trong đó có Việt Nam. Trà đạo là quá trình thưởng trà, đàm đạo về triết lý cuộc sống. Trà đạo còn được xem như một môn nghệ thuật khi nó mang đến những bài học nhân văn sâu sắc cho con người. Trong một không gian tao nhã, nhẹ nhàng, bên cạnh tách trà ngon, tinh tế, tâm hồn con người cũng sẽ được tưới mát. Đó là lí do trà đạo dù được cho là thú vui của những người có tuổi lại đang có một sức hút nhất định với người trẻ, đặc biệt là với những người ưa sự tĩnh lặng, yêu và muốn tìm hiểu về những giá trị, nét đẹp xưa cũ hay sự tinh tế trong nghệ thuật thưởng trà.
Trong không gian văn hóa trà Việt tại Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2024, Trà nhân Đỗ Thanh Sơn (33 tuổi) đã chia sẻ với những độc giả trẻ của Tạp chí Sức khỏe+ về cách thưởng trà.
Trà nhân Đỗ Thanh Sơn là học trò của nghệ nhân trà Đào Đức Hiếu – người sáng lập thương hiệu trà Shan Tuyết Suối Giàng. Sau nhiều năm tìm hiểu và gắn bó với trà, trà nhân Thanh Sơn cho rằng trà đạo giúp kết nối thân - tâm, là sự kết nối bản thân mỗi con người với tâm trí của họ.
Về việc người trẻ tìm đến với trà đạo, Trà nhân Thanh Sơn chia sẻ: “Người trẻ nên thử và "chạm" vào trà. Với trà đạo truyền thống, ai muốn hiểu thì cần phải học. Học để hiểu về trà, phân biệt được các loại trà, biết cách pha trà, tiếp chuyện, sau đó cao hơn có thể trở thành trà nương hay trà nhân. Học về trà là một cách rèn luyện bản thân, rèn luyện sự tĩnh lặng, kiên trì cho bản thân. Những kỹ năng đó sẽ tốt cho cuộc sống của chính họ sau này.”
“Lúc đầu khi tôi lên núi, tiếp xúc với trà, tôi cũng không hào hứng. Nhưng sau một thời gian sống trên núi, thấy mọi người xung quanh ngày nào cũng pha và uống, tôi cũng làm theo. Uống trà và quây quần với mọi người giúp tôi như được tắm mát ở bên trong”.
Theo Trà nhân Thanh Sơn, trà đạo là nét văn hóa có chiều sâu. Người Trung Quốc xưa hay có câu “giàu uống trà, nghèo uống rượu”. Từ đó để thấy trà ngon là một thức uống mà không phải ai cũng thưởng thức được hết hương vị của nó. Muốn hiểu hết vị ngon của trà thì phải có kiến thức, biết cách cảm thụ bằng nhiều giác quan. Về cơ bản, trà là một loại thức uống tốt cho sức khỏe. Trà còn là một loại thuốc.
Trà đạo khó theo nhưng không có nghĩa là người trẻ không thể tiếp cận. Sẽ cần thời gian và tâm huyết để thật sự hiểu về thức uống này.
“Trà đạo là một khái niệm rộng. Tôi cho rằng, khi làm một việc gì đó và đẩy nó lên mức tốt nhất, đó chính là đạo. Và khi đưa mọi thứ liên quan đến trà lên tới mức tốt nhất, thì đó chính là trà đạo. Phải quan tâm từ nguyên liệu, cách trồng trà, thu hái trà, rồi giai đoạn chế biến trà. Hộp đựng trà cũng cần tiêu chuẩn. Bước nào cũng quan trọng và cần làm tốt tất cả. Những thứ đó đều cần phải học”, Trà nhân Thanh Sơn nói.
Ở các thành phố lớn như Hà Nội hay TP.HCM, hiện nay đã có nhiều quán trà dành riêng cho những người yêu và muốn thưởng trà. Với không gian thanh tịnh và được cung cấp đầy đủ dụng cụ để pha trà, người trẻ có thể tìm đến những địa điểm này để trải nghiệm. Một vài quán trà ở Hà Nội cũng đã mở các buổi học về trà miễn phí, được thực hành và đàm đạo cùng các Trà nhân. Đây cũng là một cách để người trẻ tiếp cận với trà đạo dễ dàng, gần gũi hơn.
“Tôi vẫn có thể gọi là người trẻ. Tôi hiểu cuộc sống có nhiều thứ cuốn chúng ta đi, không có thời gian cho bản thân. Nhưng phải nhớ rằng cân bằng cuộc sống bên ngoài là chưa đủ, phải cân bằng cả thế giới nội tâm. Hãy tìm hiểu bên trong tâm trí bạn có gì. Ngồi uống trà, học trà cũng là cách rèn giũa bản thân, suy nghĩ về mình trong không gian tĩnh lặng. Khi tập trung vào bản thân rồi mới thấy được những thứ sâu hơn xa hơn, biết mọi thứ vận hành như thế nào. Người trẻ nếu ý thức được việc này sớm thì sẽ học được cách sống ý nghĩa hơn”.
“Cứ để cuốn theo dòng chảy của cuộc đời thì chưa chắc đã là sống. Bên cạnh việc thiền để quay vào trong, uống trà cũng là cách tạo không gian tĩnh lặng. Trà cũng tốt cho sức khỏe, có trà uống để tỉnh táo, cũng có trà uống để ngủ ngon hơn. Trà thì dễ học, nhưng trà đạo thì khó, còn tùy thuộc vào cái tâm của mỗi người. Trà đạo có thể rèn luyện cả 5 giác quan, đó là nền móng để xây dựng bản thân chín chắn hơn”, Trà nhân Thanh Sơn bộc bạch.
Thưởng trà đòi hỏi sự tinh tế, kiên trì của người thưởng thức. Để có tách trà ngon, theo truyền thống Việt Nam, phải tuân thủ 5 nguyên tắc: "Nhất thủy - nhị trà - tam pha - tứ ấm - ngũ quần anh" (nước pha trà, loại trà, pha trà, ấm pha trà, người cùng thưởng trà). Áp dụng 5 nguyên tắc này vào việc pha trà sẽ tạo nên một thức uống đầy tinh tế, trọn vẹn. Muốn đánh giá trà ngon, còn phải dựa vào 4 yếu tố là Sắc, Hương, Vị, Khí. Đây là một quá trình đòi hỏi sự tập trung và đánh động các giác quan của người thưởng trà. Ngoài mang lại cái thi vị cho tâm hồn, nhiều loại trà cũng mang lại lợi ích cho sức khỏe, giúp thải độc tố và cân bằng cơ thể từ bên trong.
Bình luận của bạn