Vaccine đang là một tiêu chí giúp con người có thể "sống chung" với "kẻ giết người" Covid-19
Bộ Y tế phê duyệt 2 loại vaccine COVID-19 tiêm cho trẻ em
Hội đồng FDA khuyến nghị dùng vaccine Pfizer cho trẻ em 5-11 tuổi
Những thông tin cần biết khi tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em
Phòng ngừa đột quỵ não khi giao mùa ở người bệnh sau 45 tuổi
LTS: Tiến sỹ - Nhà báo Trần Ngọc Châu, một công dân TP.HCM, như ông kể đã từng trải qua thời điểm khắc khoải mất mát người thân khi làn sóng dịch Covid-19 càn quét thành phố. Hỏi thăm ông trong cơn đại dịch, ông hồi âm với một thông tin dường như muốn để trấn an cả ông lẫn người thăm hỏi “Mình đã chích hai mũi trên một tháng rồi”. Những suy tư của ông sau khi đã trải qua cơn đại dịch được ông ghi lại, gửi cho Sức khỏe+ như một sự chia sẻ của ông về sự nhận thức lại trong tư duy phòng chống “giặc" Covid 19 của chúng ta.
…Chỉ trong tháng 8/2021, Sài Gòn mất đi hơn chục ngàn người. Riêng tôi, mất một người bạn thân ở tuổi 70, khỏe nhất trong đám bạn cùng lớp, không hề có bệnh nền và một người em gái, con dì ruột, mất ở tuổi 68. Với chúng ta, Covid-19 không gì khác hơn là một sát thủ lạnh lùng, tàn nhẫn.
Trong thế kỷ 20, con người càng trở nên mỏng manh trước dịch bệnh vì 2 lý do: dân số tăng nhanh và giao thông vận tải được cải thiện nhiều. Ngày nay, một con virus, như virus Sars-CoV-2 , có thể lan từ Hà Nội sang đến New York trong vòng 24 giờ. Chúng ta đã chỉ còn cách phải tập sống trong một “địa ngục dịch bệnh đương nhiên” (epidemiclogical hell).
Tuy vậy, cả tai họa và dịch bệnh đã giảm đáng kể trong vài thập kỷ qua. Đặc biệt tỷ lệ trẻ tử vong giảm chưa từng có: dưới 5% chết trước tuổi đi học. Ở các nước phát triển, tỷ lệ này dưới 1%. Sở dĩ có phép lạ này là nhờ vào thành tựu kỳ diệu của y học trong thế kỷ 20, với phát minh vaccine, kháng sinh, hệ thống y tế và hạ tầng chăm sóc sức khỏe được cải thiện rất nhiều.
Nhà báo Trần Ngọc Châu - Nguyên Tổng TKTS báo Tuổi trẻ, là nhà sáng lập và chủ bút của hai tờ báo tiếng Anh của Thời báo kinh tế Sài Gòn
Bài học từ HIV-AIDS
Ngoài các dịch bệnh như Sars, Ebola… được ngăn chặn, chúng ta thử nhớ lại bệnh AIDS.
Ban đầu đây được xem là thử thách lớn nhất của y học trong các thập kỷ trước kể từ khi ca bệnh đầu tiên phát hiện vào những năm 1980. Kể từ đó, 30 triệu người đã tử vong vì AIDS và hàng chục triệu người bị mắc bệnh, phải chữa trị và chấn thương tâm lý nặng nề. Nếu một bệnh nhân Covid-19 ủ bệnh trong 5 ngày đến 14 ngày và có thể lây cho người khác mà không hề biết, thì các người bị nhiễm HIV hoàn toàn bình thường trong nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng và “vô tư” lây bệnh cho người khác. Virus HIV không giết người. Nó hủy diệt hệ miễn dịch và tạo cơ hội cho các căn bệnh khác xâm nhập cơ thể và chính các “kẻ thù thứ hai”này giết chết người bệnh. Theo các tác giả Hung Y. Fan, Ross F. Conner, Louis P. Villarreal trong cuốn “Khoa học và Xã hội” (Science and Society) do Nhà xuất bản John and Barlett Publishers ấn hành vào năm 2011, thì khi hai bệnh nhân HIV đầu tiên đến khai báo tại bệnh viện New York vào năm 1981, người ta vẫn chưa biết gì về HIV. Cả hai người này, một người sau đó chết vì bệnh phổi và người kia chết vì ung thư.
Virus HIV và căn bệnh AIDS cho virus này gây ra đã từng giết chết hơn 30 triệu
Sau này, các bác sỹ mới khám phá ra rằng, chính virus HIV đã nhiễm vào họ từ nhiều năm trước đó và là nguyên nhân dẫn đến cái chết vì bệnh phổi và ung thư.
Sau đó, các nhà khoa học chỉ mất 2 năm để tìm ra cách khống chế căn bệnh truyền nhiễm HIV-AIDS, từng là cơn ác mộng của cuối thế kỷ 20.
Vào tháng 12/1990, tại Việt Nam, báo Tuổi Trẻ đã công bố thông tin về người nhiễm HIV đầu tiên, một phụ nữ 30 tuổi sống tại thành phố HCM, đã làm chấn động xã hội. Báo Vietnamnet ngày 16/08/2018 đăng tin cập nhật: Hiện tại, ở tuổi gần 60, bệnh nhân HIV đầu tiên của Việt Nam vẫn sống khoẻ mạnh tại TP.HCM. Các xét nghiệm máu cho thấy hàm lượng virus trong máu nữ bệnh nhân rất thấp, dưới ngưỡng phát triển do bệnh nhân đều đặn dùng thuốc suốt 28 năm qua với tinh thần thoải mái, cuộc sống điều độ. Chứng tỏ bệnh nhân HIV vẫn sống thọ bình thường nếu họ được điều trị đúng cách và biết tránh lây nhiễm cho người khác.
Trước kia HIV được coi là căn bệnh đáng sợ, vô phương cứu chữa, gieo rắc cái chết cho những người xung quanh, nhưng hiện nay, đây được coi là bệnh mạn tính, cần dùng thuốc điều trị suốt đời.
Sống chung với kẻ giết người tí hon và khổng lồ
Vậy, phải chăng virus Sars-CoV-2 rồi cũng sẽ được như thế?
Hầu hết câu trả lời, kể cả giới khoa học và chính trị thế giới hiện nay, đều nói: không có gì chắc chắn. Chỉ có một số ít những người am hiểu lịch sử nhân loại tin rằng Covid-19 sẽ như HIV. Một trong những “bình thường mới” sau HIV, trong xã hội Việt Nam mà mọi người ít để ý là: ở các tiệm hớt tóc tuyệt đối không dùng lại dao cạo râu. HIV chỉ lây truyền qua máu.
Liệu có phải “bình thường mới” sau Covid-19 là hạn chế “tiếp xúc trực tiếp bàn tay”?
Phải chăng, nên hạn chế "tiếp xúc trực tiếp bàn tay" để tránh lây nhiễm Covid-19?
Một khi chúng ta không biết chắc có thể tránh một đại dịch có thể quét qua địa cầu và giết chết hàng triệu người, tốt nhất chúng ta nên xem đó như là một nhược điểm không thể tránh, và đòi hỏi các nhà lãnh đạo phải gánh vác trọng trách.
Vào mùa hè năm 2014, hình như dịch Ebola đã trao gánh nặng này cho những nhà lãnh đạo và các ủy ban điều tra đã được thành lập. Một báo cáo đầu tiên công bố ngày 18/10/2014 phê bình Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vì những phản ứng không thích hợp đối với bùng phát dịch bệnh, cho rằng tham nhũng và không hiệu quả của chi nhánh WHO khu vực Phi Châu. Sự phê bình còn nhằm vào toàn bộ các cộng đồng quốc tế đã phản ứng chậm chạp và không đủ quyết liệt trước cảnh báo về dịch bệnh. Bài học này vẫn không được học cho đến dịch Covid-19 kinh hoàng đầu năm 2020 và kéo dài cho đến hôm nay (khi chúng tôi viết bài này: 30/10/2021- ngày lễ Haloween) .
LHQ, WHO và những nhà lãnh đạo thế giới đều nhận sự chỉ trích tương tự hoặc hơn thế nữa. Những chỉ trích dựa trên tiền đề cho rằng con người đã có đủ kiến thức và công cụ có thể hạn chế dịch bệnh và không để nó trở nên không kiểm soát được. Vấn đề là các nhà lãnh đạo thế giới đã không đoàn kết trước kẻ thù chung là virus. Hoặc có những âm mưu chính trị muốn thao túng nó.
Nhiều người sợ rằng chiến thắng HIV vẫn là tạm thời. Nó có thể sẽ trở lại như các virus sốt rét hay đậu mùa trước đây. Vào năm 2015 các bác sỹ đã tuyên bố tìm ra một loại kháng sinh mới - teixobactin - có thể chống lại nhiễm trùng.
Hiện nay, khi các biến thể của Corona virus như Delta đang gây ra hàng triệu cái chết thì các nhà khoa học cũng tin rằng loại thuốc điều trị mới Malnupiravir do hãng dược Merck bào chế hay một số loại thuốc khác cũng đang chuẩn bị được công bố, có thể chống lại tất cả các biến thể.
Con người - với tư cách cá nhân - không thể sống mãi. Nhưng con người - với tư cách một giống loài (species) thì không thể bị hủy diệt. Chúng ta đang sống chung với các “virus khổng lồ” là kho bom hạt nhân có thể giết một thành phố trong chớp mắt. Chúng ta cũng có thể sống với các “virus tí hon, vô hình” có thể giết chết hàng triệu người trong vòng vài tháng. Con người vẫn phải sống chung (và tập sống chung) với tất cả mối nguy hiểm cực lớn (hạt nhân) và cực nhỏ (virus lây nhiễm).
Chính con người là thần - Homo Deus - như sử gia Yuval Noah Harari giải thích trong cuốn sách “Lược sử tương lai - Homo Deus". Đó là niềm tin khoa học.
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Bạn đọc viết
Bình luận của bạn