Đến nay, tất cả những người tiêm vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca ở Việt Nam đều khỏe mạnh, an toàn.
Lập danh sách 10 nhóm ưu tiên tiêm miễn phí vaccine COVID-19
Không ghi nhận ca COVID-19 mới, thêm 1.085 người được tiêm vaccine
Gần 53.000 người được tiêm vaccine COVID-19
Châu Âu kết luận vaccine AstraZeneca an toàn, nối lại tiêm chủng
Trong quá trình triển khai tiêm, hệ thống giám sát tiêm chủng đã ghi nhận khoảng 33% các trường hợp phản ứng nhẹ thông thường như: Đau, đỏ tại chỗ tiêm, mệt mỏi, sốt nhẹ, đau đầu, buồn nôn. Các dấu hiệu này tự khỏi trong 1-2 ngày sau tiêm.
Ngoài ra, hệ thống giám sát cũng ghi nhận có khoảng 1/1000 trường hợp có phản ứng quá mẫn sau tiêm. Sau khi được xử trí đúng theo quy định, sức khỏe của những người này đều đã ổn định, trở lại đi làm sau 1-2 ngày theo dõi, điều trị tại cơ sở y tế.
Những số liệu ghi nhận phản ứng sau tiêm vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca tại Việt Nam trong 1 tháng qua thấp tương đương so với những số liệu do nhà sản xuất cung cấp. Đặc biệt, đến nay, nước ta chưa ghi nhận bất cứ trường hợp nào bị đông máu và huyết khối sau khi tiêm chủng.
Theo Bộ Y tế, với phương châm "tiêm đến đâu an toàn đến đó", quy trình tiêm chủng tại Việt Nam được triển khai bài bản, cẩn thận. Người đi tiêm phải ở lại điểm tiêm chủng ít nhất 30 phút sau khi tiêm để theo dõi tình hình sức khỏe, tiếp đó theo dõi ở nhà ít nhất 24 giờ. Ngành y tế cũng đề phòng những trường hợp có phản ứng nặng, luôn sẵn sàng xử lý, đảm bảo an toàn cho người tiêm. Thông tin tiêm chủng của người đi tiêm được cập nhật, lưu trữ đầy đủ trong phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử. Bộ Y tế tiến tới quản lý và cấp chứng nhận điện tử tiêm vaccine COVID-19 tại Việt Nam, kết nối với thế giới.
WHO khuyến cáo các nước tiếp tục tiêm vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca để tăng miễn dịch cộng đồng
Mới đây, các cơ quan báo chí thông tin Châu Âu ghi nhận một số trường hợp sau khi tiêm vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca có liên quan đến tình trạng đông máu, huyết khối. Những thông tin này gây tâm lý gây hoang mang trong dư luận, khiến nhiều người chần chừ hoặc hủy bỏ lịch tiêm chủng; ảnh hưởng rất lớn đến khả năng bao phủ của vaccine tại mỗi khu vực, quốc gia cũng như toàn cầu. Đặc biệt, khi một số quốc gia châu Âu dừng tiêm vaccine, số ca mắc COVID-19 ở các nước này tăng trở lại như Đức, Pháp…
Theo khuyến cáo của Cơ quan Quản lý Dược phẩm châu Âu (EMA) và WHO, trường hợp xuất hiện tình trạng giảm tiểu cầu và huyết khối tĩnh mạch có liên quan đến tiêm vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca là rất hiếm gặp; trong khi lợi ích của việc tiêm vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca mang lại trong việc bảo vệ mỗi cá nhân và cả cộng đồng trước COVID-19 lớn hơn rất nhiều so với những rủi ro rất hiếm gặp nói trên. Do vậy, WHO khuyến cáo các nước tiếp tục triển khai tiêm vaccine phòng chống COVID-19 của AstraZeneca để tăng tỷ lệ miễn dịch phòng COVID-19 trong cộng đồng và ngăn chặn dịch bệnh bùng phát. Tiêm vaccine phòng COVID-19 là biện pháp chủ động, hiệu quả nhất để phòng, chống dịch COVID-19.
Chương trình Tiêm chủng Mở rộng Quốc gia Việt Nam khuyên người dân cần bình tĩnh, chủ động thực hiện các khuyến cáo của các chuyên gia y tế, các cơ quan chuyên môn về tiêm vaccine COVID-19. "Khi đến lượt mình được tiêm, hãy đến các cơ sở tiêm chủng của địa phương để được tiêm chủng, theo dõi sức khỏe, thông tin cho nhân viên y tế về các phản ứng sau tiêm", đại diện Chương trình khuyến cáo.
Từ ngày 8/3/2021, vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca chính thức được tiêm chủng tại Việt Nam, với 3 địa phương đầu tiên triển khai là TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Hải Dương. Đến ngày 7/4/2021, tổng cộng Việt Nam đã thực hiện tiêm vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca cho 55.151 người tại 19 tỉnh, thành phố.
Bình luận của bạn