Có nhiều cách ví von của ê-kíp Táo quân khiến các y, bác sỹ cảm thấy bị xúc phạm (Ảnh: Dân trí)
Táo quân 2015: Táo Truyền hình có về "chầu trời"?
Táo quân 2015: Có gì để xem?
Năm nào cũng thế, cứ gần đến Tết lại chộn rộn vụ Táo quân. Năm nay, mới vào đầu tháng Chạp, đã thấy báo chí rộn ràng đưa tin, chương trình Táo quân bị Cục Biểu diễn nghệ thuật “sờ gáy”. Nhiều nhân viên y tế hy vọng, với sự kiểm duyệt gắt gao như vậy, sẽ không có những cảnh tấu hài xúc phạm ngành y tế như những năm gần đây.
Còn nhớ chuyện họ ví von ngành y với một cô gái điếm, cứ nhét phong bì là cởi, rồi bác sỹ thì như một con robot, chỉ biết ngậm tiền. Cùng với sự miệt thị ngành y của ê-kíp làm chương trình Táo quân, sự hồ đồ của một số ông nghị, kích động bạo lực chống lại ngành y, chúng ta "gặt hái" được hàng loạt vụ tấn công nhân viên y tế, mở màn cho những bất ổn xã hội mang tính bạo lực khác mà đỉnh điểm là vụ tấn công các cơ sở kinh doanh có yếu tố Trung Quốc ở Đồng Nai, Bình Dương, Hà Tĩnh trong thời gian Trung Quốc mang dàn khoan HD981 vào vùng biển nước ta.
Điểm qua những sự việc ấy, chắc nhiều người cho rằng tôi cay cú với chương trình Táo quân, và căm ghét ê-kíp làm chương trình lắm. Thực ra thì tôi không có gút mắc cá nhân gì với chương trình và những người làm chương trình này cả. Ngược lại tôi còn thấy thương cho họ.
Từng ở trong môi trường nhà nước, tôi hiểu những người làm chương trình Táo quân phải chịu áp lực như thế nào khi cho ra một chương trình. Kinh tế xuống cấp, đời sống khó khăn, hàng loạt các doanh nghiệp tư nhân giải thể, những “quả đấm thép” của kinh tế quốc doanh thì bị đục khoét, phải hướng sự giận dữ của người dân vào đâu? Chỉ có ngành y và ngành giáo là trần trụi, không có khả năng phản kháng. Tuy vậy, ngành giáo còn có ông tư lệnh mấy năm rồi được thăng lên hàng cao hơn, vậy nên đạo đức xuống cấp là do ngành y, người dân khổ cực cũng là do ngành y, nạn vòi vĩnh, hối lộ cũng từ ngành y mà ra. Vừa hoàn thành nhiệm vụ chọc cười, người dân cũng có chỗ để trút giận, ê-kíp lại ngày càng nổi tiếng, thu được khối tiền, lại được đón chờ.
Diễn viên Vân Dung được "đóng khung" trong vai Táo Y tế (Ảnh: Dân trí)
Ai cũng thấy ngành y thực ra chỉ lo đi đổ bô, hay nói lịch sự hơn là đổ vỏ ốc cho các ngành khác. Mấy cái phong bì mà họ nhét vào cô gái điếm đại diện cho ngành y, mấy đồng xu mà họ nhét vào tay bác sỹ robot thấm vào đâu so với những cái vali chứa cả triệu USD, nhằm nhò gì so với 200 triệu đồng và 10.000 USD chỉ cho 4 trong 7 lần đưa quà, chỉ là hạt cát so với những con tàu ma, những ụ chìm ụ nổi…
Trên sân khấu có một ông Ngọc Hoàng ngồi chễm chệ, đầy uy quyền. Thực ra mà nói, Táo nào thì cũng là lính của ông, do ông cất nhắc, không phải con cháu thì cũng là phe cánh của ông cả, chúng làm gì thì cũng phải theo lệnh của ông chứ đâu dám tự tung tự tác. Vậy mà khi dân tình oán thán thì chỉ có các Táo là bị chửi, còn ông thì cứ bình chân như vại.
Ai cũng biết Nam Tào Bắc Đẩu chỉ là những tay giỏi luồn lọt, nịnh bợ. Mấy tay đó chỉ giỏi chửi người thân cô thế yếu, ăn hối lộ thì cũng chỉ dám ăn mấy đồng xu còm, cái phong bì rách. Đố mấy tay đó dám đụng vào Táo Giao thông, 300 triệu USD còn chê là có chút xíu, hô một tiếng là mấy thằng dân è cổ ra đóng phí cầu đường, hết đóng theo kiểu hụi chết lại đặt thêm trạm mới, tăng giá phí thu, lấy tiền làm công trình từ Bắc chí Nam, "hoa hoét" nhiều vô kể. Mạnh vì gạo, bạo vì tiền, chả vậy mà năm nào Táo Giao thông cũng được Ngọc Hoàng khen, cho dù đường ngày càng tắc, số lượng TNGT, số người chết và bị thương do TNGT luôn ở hàng vô địch.
Vì vậy, các bạn y tế ạ, cho dù có kiểm duyệt thì cũng đừng hy vọng rằng, năm nay Táo quân sẽ nhẹ tay với chúng ta.
Nên đọc
LTS: Trong cái kết của bài viết này, có một chút cảm nhận "cay đắng" của những người đã, đang và sẽ gắn bó với ngành y - một ngành đáng lý sẽ được xã hội trọng vọng, coi trọng, nhưng chỉ vì vài "con sâu" cùng với thói quen truyền thông sai lầm mà trở thành "tội đồ".
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Bạn đọc viết
Bình luận của bạn