Toàn dân sẽ có sổ sức khỏe điện tử

Sổ sức khỏe điện tử giúp quản lý tình trạng sức khỏe của người dân tốt hơn

Một người 6 tháng đi khám bảo hiểm y tế... 319 lần

Sẽ cấp thẻ bảo hiểm y tế điện tử cho người dân

Sẽ cấp BHYT cho 230.000 người nhiễm HIV/AIDS

Tham gia BHYT 5 năm liên tục, khi khám chữa bệnh dịch vụ được hưởng gì?

Tháng trước, bà Nguyễn Thị Dung (52 tuổi, ở xã Chi Lăng, H.Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh) được khám và tư vấn sức khỏe. Bà là 1 trong số 9.000 người dân trong xã được tầm soát sức khỏe trong diện quản lý sức khỏe theo hồ sơ điện tử.

Bắc Ninh và Phú Thọ là hai tỉnh đầu tiên trong cả nước thí điểm lập hồ sơ sức khỏe cho người dân, tiến tới triển khai trên toàn quốc.

Ông Nguyễn Khắc Thăng (Trạm y tế xã Chi Lăng) cho hay hiện hồ sơ quản lý sức khỏe của khoảng 9.000 người dân trong xã đã được cập nhật vào máy tính.

“Chúng tôi đã tổng hợp xã có bao nhiêu người mắc bệnh phổi, bị ung thư hay xương khớp, bệnh đái tháo đường..., nắm được tình hình sức khỏe từng người dân” - ông Thăng chia sẻ.

Khám bệnh cho người dân ở xã Chi Lăng, H.Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Chi Lăng là một trong hai xã đầu tiên ở Bắc Ninh và cũng là ở Việt Nam có sổ quản lý sức khỏe cho từng người dân - Ảnh: Thúy Anh

Không chờ bệnh mới đi khám

Cũng ở xã Chi Lăng, tháng trước gia đình ông Nguyễn Xuân Chương, 45 tuổi, được khám sức khỏe tổng quát và siêu âm, ghi nhận tiền sử bệnh tật, kể cả các triệu chứng dị ứng thực phẩm, thuốc men.

Cũng như gia đình ông Chương, 9.000 người dân của xã được khám, tầm soát cả khi đang khỏe mạnh chứ không phải như trước đây có bệnh mới đi bệnh viện. “Giờ thì hồ sơ sức khỏe của cả nhà tôi đều có ở trạm này” - ông Chương cho biết.

Việc mỗi người dân như ông Chương, bà Dung đều được khám sức khỏe, quản lý hồ sơ tại trạm y tế là một phần của dự án mỗi người dân đều được khám, quản lý sức khỏe và có bác sĩ theo dõi sức khỏe của mình. Điều đặc biệt là họ không phải trả chi phí này.

Theo ông Phạm Lương Sơn - phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội VN, dự kiến quỹ bảo hiểm y tế sẽ chi cho 2,2-2,3 triệu người dân hai tỉnh Phú Thọ và Bắc Ninh bình quân 60.000 đồng/người để lập hồ sơ quản lý sức khỏe ban đầu, thăm khám năm chỉ số cơ bản và tiến tới mỗi năm sẽ khám lại một lần.

Sau khi triển khai ở Phú Thọ và Bắc Ninh, dự án này tiếp tục được mở rộng ra các địa phương khác trong toàn quốc. Việc mở rộng sẽ được tiến hành từ năm 2017.

Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê cho biết hiện có 17 triệu người dân chưa có thẻ bảo hiểm y tế, tuy nhiên dự án này sẽ quản lý sức khỏe cho cả những người chưa có thẻ và chi phí đều do bảo hiểm chi trả.

Ông Khuê cho rằng có đến 70% người bệnh ung thư ở VN đến bệnh viện khi bệnh đã nặng, giai đoạn muộn, tỉ lệ tử vong cao. Việc sàng lọc, phát hiện bệnh, quản lý sức khỏe từ sớm như thế này sẽ giúp phát hiện bệnh sớm, chất lượng điều trị sẽ tăng và chất lượng sống của người dân cũng tăng lên.

Ngoài ra, thông qua khám sức khỏe tổng quát, lần đầu tiên VN có cùng lúc nhiều loại số liệu: mô hình bệnh tật chung từng vùng miền, tỉ lệ mắc từng nhóm bệnh, tỉ lệ người mắc các dị tật bẩm sinh, bệnh di truyền theo phả hệ...

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam hỏi thăm người dân tới khám và lập hồ sơ theo dõi sức khỏe tại xã Chi Lăng (Quế Võ, Bắc Ninh) - Ảnh: Trung tâm Y tế huyện Quế Võ

Lưu vào máy tính và trên “đám mây”

Theo ông Khuê, các chuyên gia của Bộ Y tế đã thiết kế một hồ sơ quản lý sức khỏe theo các nhóm tuổi: 0-6 tuổi, 6-18 tuổi, 18-60 tuổi và người cao tuổi.

Trong đó, ngoài tiền sử sức khỏe, chiều cao cân nặng, có dị tật hay không thì mỗi người sẽ được xét nghiệm máu và công thức máu, xét nghiệm nước tiểu, siêu âm tổng quát ổ bụng, xét nghiệm đường huyết và khám mắt.

Các thông tin này sẽ được lưu bản cứng tại trạm y tế xã phường, cập nhật vào máy tính và lưu trữ dữ liệu đám mây theo hình thức bảo mật thông tin.

Ông Lê Văn Phúc - phó trưởng ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội VN - cho rằng giai đoạn ban đầu quản lý sức khỏe người dân với những chỉ số như thế này là hợp lý.

Hiện giá siêu âm thông thường tại tuyến huyện, theo ông Nguyễn Đăng Hùng - giám đốc Trung tâm Y tế huyện Quế Võ, là 28.000 đồng nhưng việc chỉ có 60.000 đồng cho nhiều loại xét nghiệm và siêu âm, chưa kể chi phí lập sổ quản lý sức khỏe như kể trên, là đảm bảo thực hiện xét nghiệm, siêu âm có chất lượng do số lượng chụp chiếu, xét nghiệm nhiều, chi phí dịch vụ sẽ bù cho nhau.

Cũng theo ông Hùng, việc khám sức khỏe cho từng người dân và lập sổ quản lý sức khỏe cho họ trước hết có ý nghĩa đánh giá tình trạng sức khỏe ban đầu của từng người, trường hợp nghi ngờ có bệnh lý có thể chuyển đi các cơ sở y tế tuyến trên.

Ông Hùng cho biết Quế Võ có khoảng 200.000 người dân và công nhân lao động, trung tâm y tế huyện đã thành lập 10 đội khám sức khỏe, dự kiến triển khai mỗi đội sẽ đến một xã để khám và tư vấn, lập sổ quản lý sức khỏe trong vòng 15 ngày.

“Với nhân sự hiện có chúng tôi hoàn toàn đảm đương được việc khám tổng quát và tư vấn, lập sổ quản lý sức khỏe cho 200.000 người dân” - ông Hùng cho biết.

Phó thủ tướng 
Vũ Đức Đam 
trực tiếp chỉ đạo

Việc thí điểm khám và lập hồ sơ theo dõi sức khỏe cho người dân tại Phú Thọ và Bắc Ninh được Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đặc biệt quan tâm, trực tiếp chỉ đạo. 

Trước đó ngày 19-1, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã tới kiểm tra việc khám lâm sàng, kiểm tra cân nặng, đo chiều cao… và siêu âm cho 600 người dân thuộc xã Chi Lăng (Quế Võ, Bắc Ninh) tại trạm y tế xã.

Tại đây, nhiều người dân đã chia sẻ với Phó thủ tướng sự vui mừng khi được thăm khám và theo dõi sức khỏe ngay tại tuyến xã, đồng thời mong muốn được khám, theo dõi sức khỏe tổng thể thông qua bảo hiểm y tế sáu tháng một lần.

Chia sẻ với niềm vui của người dân, Phó thủ tướng cho biết việc lập hồ sơ theo dõi sức khỏe cho người dân ngay tại cơ sở nhằm giúp người dân được theo dõi sức khỏe thường xuyên. Trước mắt, việc này sẽ được triển khai một năm/lần.

Trước đó ngày 10-12-2016, tại chuyến thăm và khảo sát Trạm y tế xã Yên Tập, Bệnh viện Đa khoa huyện Cẩm Khê và làm việc với lãnh đạo tỉnh, ngành y tế Phú Thọ, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh việc trạm y tế xã, phường đã được quy định chức năng, nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, quản lý sức khỏe, lập hồ sơ cho từng người dân trên địa bàn.

Do đó, Phó thủ tướng mong muốn Phú Thọ là tỉnh đi đầu trong thực hiện cơ chế dành cho y tế cơ sở để người dân được theo dõi, chăm sóc sức khỏe ban đầu toàn diện như có bác sĩ riêng. (K.H.)


Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Kiến thức sống khỏe