"Chất kích thích" đánh bay kiệt sức (P1)

Ăn gì, làm gì để cơ thể luôn tràn đầy năng lượng, sảng khoái

Kiểm soát năng lượng với dây chuyền thông minh

Nạp năng lượng cho "cú đêm"

Infographic: Vitamin 'năng lượng mặt trời'

Bí quyết ăn để tăng cường năng lượng trong năm mới

Có công dụng như "chất kích thích" tăng năng lượng, những thực phẩm và các phương pháp dưới đây không chỉ an toàn cho sức khoẻ mà còn có tác dụng xua tan mệt mỏi, vực lại sức lực giúp bạn làm việc hiệu quả hơn:

1. Nước ép rau củ quả

Chất xơ trong nước ép rau củ quả sẽ khiến việc tiêu hoá và hấp thụ dễ dàng hơn. Ngoài ra, nước ép từ các loại rau kết hợp đúng cách không những có tác dụng bổ sung dinh dưỡng mà còn tăng khả năng chống viêm, phòng ngừa bệnh, giúp loại bỏ độc tố khỏi cơ thể...

Nếu bạn cảm thấy mệt mỏi, có dấu hiệu bị cảm cúm, nước ép nhiều vitamin C là một cách hữu hiệu để tiếp thêm năng lượng và phục hồi thể trạng.

Một số cách kết hợp rau củ quả:

- Nước ép từ rau bina, cải xoăn, dưa chuột, cần tây, táo và chanh: Có tác dụng thải độc, bảo vệ gan; Giúp cân bằng pH, giảm sự thèm ăn và có ích cho quá trình giảm cân; Giàu vitamin C nên sẽ tăng cường hệ miễn dịch, giúp giảm viêm hiệu quả. Rau bina còn cung cấp hàm lượng magne, vitamin K, sắt nên sẽ giúp tăng mức năng lượng, hỗ trợ đông máu và tăng cường sức khỏe của xương.

- Nước ép từ củ cải đường, cà rốt, cần tây, táo và rau mùi tây: Chứa beta-carotene và chất chống oxy hóa giúp hỗ trợ thị lực, tăng cường sức khỏe tim mạch; Hạ huyết áp; Hàm lượng vitamin C có lợi cho sức khỏe thượng thận, tăng cường sức đề kháng để phòng bệnh đường hô hấp...

- Nước ép trái cây họ cam quýt: Giàu vitamin C và P, kali, folacin giúp tăng cường sức sống, giảm mệt mỏi và tăng tuần hoàn máu. Đây là loại nước rất tốt với bệnh nhân xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, đề phòng bệnh ung thư.

Tuy nhiên, không phải loại nước nào cũng tốt với tất cả mọi người. Người bị đái tháo đường hạn chế các loại quả ngọt, thay vào đó nên uống nước ép từ rau xanh; Người bị loét dạ dày hoặc tá tràng, viêm dạ dày mạn tính hoặc viêm tụy thì không nên uống nước ép cam quýt, lựu, nho...

2. Ngủ đủ giấc

 Mất ngủ, ngủ không đủ 7 tiếng mỗi đêm không chỉ khiến bạn mệt mỏi mỗi khi thức giấc mà còn kéo theo nhiều hệ luỵ: Suy giảm trí nhớ, khó tập trung, giảm chất lượng cuộc sống mà còn làm phát sinh một số bệnh hoặc làm nặng thêm bệnh đang mắc.

Trong khi bạn ngủ, cơ thể được phục hồi và sửa chữa những hư hại trong ngày. Ngoài ra, adenosine được sản sinh khi neuron thần kinh bị đốt cháy, và càng nhiều chất này được sản sinh, hệ thần kinh càng trở nên mệt mỏi và phải mất khá nhiều thời gian để giảm bớt chúng. Giấc ngủ, đặc biệt là ngủ trưa sẽ giúp cơ thể có thêm nhiều thời gian để loại bỏ adenosine.

Nếu bạn bị rối loạn giấc ngủ (mất ngủ, ngủ mơ, ngưng thở khi ngủ...), hãy tìm hiểu các cách vệ sinh giấc ngủ tại đây để tiếp năng lượng cho ngày dài làm việc hiệu quả.

3. Sử dụng thảo dược Adaptogen

 Adaptogen là tên gọi chung cho nhóm những thảo dược, thực vật giúp tăng cường năng lượng và khả năng phục hồi khi đối mặt với căng thẳng, stress và mệt mỏi.

Adaptogen bao gồm rất nhiều loại thảo dược như: Nhân sâm, nấm linh chi, rễ vàng, lá chè, sâm Ấn Độ, hoàng kỳ, cam thảo... Những thảo dược truyền thống này được sử dụng trong y học cổ truyền từ hàng ngàn năm nay.

Tuy nhiên, sử dụng thế nào, kết hợp với nhau ra sao để có hiệu quả tốt nhất cho người sử dụng là điều không hề dễ dàng. Hãy tham vấn bác sỹ, thầy thuốc hay các chuyên gia y tế trước khi sử dụng bất cứ sản phẩm adaptogen nào.

Tìm hiểu những loại thảo dược hoá giải stress tại đây.

4. Giảm tiêu thụ carbohydrate

 Thức ăn chứa nhiều carbohydrate được xem là thủ phạm hàng đầu gây ra tình trạng mệt mỏi. Mặc dù đóng vai trò cung cấp nhiên liệu cho các hoạt động thể chất, nhưng nếu bạn tiêu thụ quá nhiều carbohydrate (từ cơm, bún, bánh mì trắng...) rất dễ dẫn đến nguy cơ tăng đường huyết. Bên cạnh đó, phản ứng đầu tiên dễ nhận thấy nhất khi dung nạp lượng lớn carbohydrate là sự mệt mỏi và cảm giác buồn ngủ.

Thay vào đó, những lúc mệt mỏi, bạn hãy nhấm nháp một ít ngũ cốc nguyên hạt, chúng có chỉ số đường huyết thấp, nhiều chất xơ có lợi cho tiêu hóa và và giúp đốt cháy calorie hiệu quả. Các loại hạt, đậu, yến mạch, gạo nâu... sẽ cung cấp cho cơ thể một nguồn năng lượng ổn định, lành mạnh và tránh xa nguy cơ bị các bệnh như đái tháo đường, tim mạch, béo phì...

5. Ăn hạt chia

Hạt chia được coi là siêu thực phẩm vì những công dụng mà chúng mang lại, nhất là trong việc tăng mức năng lượng cho cơ thể.

Cách đây hàng nghìn năm, những chiến binh Maya và Aztec cổ đại đã ăn hạt chia để giữ năng lượng và sự tỉnh táo để chiến đấu trên chiến trận. Hiện nay, các nhà khoa học đã phát hiện ra, hạt chia có các acid béo thiết yếu (omega-3 và omega-6) có thể giúp điều chỉnh tuyến thượng thận, chống mệt mỏi, chống viêm, giữ cho cơ thể luôn thấy sảng khoái. Ngoài ra, hạt chia còn chứa hàm lượng protein và chất xơ rất cao, giữ ổn định đường huyết, thúc đẩy tiêu hoá, hạn chế khả năng bị tim mạch...

Cách dùng hạt chia: Chia là loại thực phẩm thông thường không phải là thực phẩm bổ sung vì vậy không có liều lượng khi sử dụng. Tuy nhiên tùy theo lý do sử dụng thì lượng bạn tiêu thụ sẽ khác nhau.

Ví dụ: Sử dụng 10gr/ngày để cung cấp thêm omega-3, cân bẳng lượng omega-6; 10 - 25gr/ngày trợ giúp các vận động viên trong quá trình luyện tập... Đối với thể trạng bình thường, nên bắt đầu bằng 10gr chia/ngày sau khoảng 3 tuần rồi tăng dần lượng sử dụng tuỳ nhu cầu.

(Còn nữa)

Biết Tuốt H+
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Nghiên cứu - Sản xuất