Ăn thế nào để tránh nhiễm sán?

Ăn gì dễ mắc sán?

Mới đây y sĩ Lê Công Danh đã điều trị cho bệnh nhân Lê Quang T, ở TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị, tẩy ra được con sán xơ mít dài tới 10m, sống khoảng 10 năm trong cơ thể nạn nhân.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Đề, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, tập quán ăn uống mất vệ sinh, ăn gỏi cá, rau sống, tiết canh… khiến 75% người Việt Nam bị mắc bệnh giun sán. Nguyên nhân mắc bệnh sán lá gan nhỏ là ăn cá chưa nấu chín, đặc biệt là gỏi cá. Chính con sán làm người bệnh rất nghiện gỏi cá, do chúng tiết ra chất độc làm người bệnh nóng ruột, ăn gỏi cá vào mới dễ chịu. Vòng luẩn quẩn đó làm cho bệnh càng nặng hơn.

Ăn thế nào để tránh nhiễm sán? 1

Sán dài 10m vừa được lấy ra từ cơ thể bệnh nhân. Ảnh: T.GIANG


Bệnh sán lá gan lớn và sán lá ruột gây nên bởi các loại ký sinh trùng ở động vật ăn cỏ (trâu, bò, cừu…), ấu trùng sán lá gan lớn từ chất thải của những động vật bị ký sinh này sẽ bám vào các loại rau thủy sinh (như rau ngổ, rau cải xoong, rau muống, rau diếp cá, rau đắng, rau cần, ngó sen…), nếu ăn sống là sẽ nhiễm bệnh. Nếu ăn thịt bò tái, nghêu, ốc có thể bị nhiễm các loại giun sán khác. Ấu trùng sán lá gan lớn có cả trong cá nước lợ, ăn gỏi cá, rau sống, rau trộn (chưa chín đủ độ) làm nang ấu trùng xâm nhập vào dạ dày ruột, rồi tự lột lớp vỏ, xuyên qua màng ruột, theo máu, vào gan rồi phát triển, sau đó định hình ở ống mật. Sau 2-3 tháng sẽ phát sinh triệu chứng sốt, run lạnh, đau vùng bụng, vùng gan (hạ sườn phải).

Sán chiếm dụng thức ăn làm người bệnh xanh xao, gầy mòn. Các chất dịch độc tiết ra từ sán dây gây tổn hại hệ thống tim mạch, cơ quan tạo máu, hệ thống thần kinh, các tuyến nội tiết, tuyến ngoại tiết. Nếu ấu trùng sán dây ký sinh trong mô, dưới da sẽ nổi nốt di động do sán đào "đường hầm" trong cơ thể. Ở não gây đau đầu, động kinh, liệt chi, nói ngọng, liệt dây thần kinh sọ não, rối loạn tâm thần. Ở mắt gây đau nhức mắt, tăng nhãn áp, giảm thị lực, mù.
Biểu hiện nhiễm sán

Theo Ths.BS Huỳnh Hồng Quang, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn, điều trị tẩy sán rất khó vì đầu sán bám chắc và sống rất dai. Con sán dây trưởng thành dài 2-10m, có thể sống trong cơ thể người 50 - 70 năm. Thực tế rất nhiều người bệnh bất lực, phải sống chung với sán cả hàng chục năm, dù có tẩy sán bằng thuốc Tây nó cũng chỉ ra đuôi, còn đầu không chịu ra.

Theo PGS.TS Triệu Nguyên Trung, Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn, biểu hiện lâm sàng của bệnh giun sán là bệnh lý đường tiêu hóa không đặc hiệu, có thể đau bụng không điển hình, từng cơn, mơ hồ, rối loạn tiêu hóa thường là phân lỏng hoặc không tạo thành khuôn, thiếu máu thiếu sắt, móng tay biến dạng, triệu chứng phổi, ấu trùng chu du trong hệ tiêu hóa, phản ứng ngứa, mày đay, suy nhược cơ thể… Các dấu hiệu sớm (sẽ xuất hiện tại hệ tiêu hóa gây nên rối loạn tiêu hóa như bị tiêu chảy hoặc táo bón, đau bụng, nôn ra giun sán hoặc đại tiện ra giun sán, nghi ngờ mắc bệnh giun sán…) cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xét nghiệm, chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Điều trị nhiễm sán thường là các biệt dược. Vì vậy, những người có thai, người cho con bú, trẻ dưới 6 tuổi không tẩy được sán. Người đang bị bệnh cấp tính hoặc suy tim, suy gan, suy thận, bệnh tâm thần... dị ứng với thuốc cũng không nên tẩy. Thời điểm uống thuốc vào lúc đói, nhưng không đói quá vì dễ gây nên ngộ độc thuốc. Nếu sau 3 tháng tẩy sán mà không thấy đốt sán bò ra ngoài hậu môn là thành công. Sau khi tẩy xổ, điều trị định kỳ tối thiểu từ 6 - 12 tháng/lần để phòng chống tái nhiễm và tránh các biến chứng. Lưu ý là tẩy sán bằng thuốc Tây hay thuốc Đông y đều có độc tính cao, vì vậy không tự ý phải hết sức thận trọng, cần có bác sĩ theo dõi điều trị.

nhattd
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Khỏe đẹp